Trong những ngày giữa tháng 6/2024, chúng tôi có mặt tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Giữa dòng xe cộ tấp nập của thành phố công nghiệp lớn nhất cả nước, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi, dáng hình nhỏ thó trên chiếc xe đạp cũ kỹ từ nhà đến cơ quan để làm việc.
Không ai nghĩ người phụ nữ với dáng vẻ bình dị, mộc mạc này lại là một phát thanh viên có giọng đọc trong trẻo, đầy nội lực như một người trẻ tuổi. Hiện nay bà đang là phát thanh viên, phục vụ cho hệ thống phát thanh và truyền hình thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Cái duyên đến với nghề báo
Người phụ nữ ấy là bà Trần Thị Mai năm nay đã 73 tuổi, tính đến nay đã có tổng cộng 46 năm là phát thanh viên của Đài truyền thanh, truyền hình thành phố Biên Hòa. Phóng viên Báo Tri Thức và Cuộc Sống, đã có buổi trò chuyện cùng bà và được biết về cuộc sống riêng cũng như cái duyên đến với nghề báo trong suốt cuộc đời của bà.
Phát thanh viên đặc biệt ở tuổi 73 vẫn cần mẫn với nghề báo.
Ngay sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, chính quyền cách mạng nỗ lực bắt tay vào củng cố hệ thống bộ máy hành chính nhà nước. Trong đó, trú trọng hệ thống thông tin, tuyên truyền nhằm đưa các chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến nhân dân. Tại thời điểm đó, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai chưa có đài truyền hình, chỉ có hệ thống truyền thanh hữu tuyến. Năm 1978 Đài truyền thanh Biên Hòa tổ chức tuyển phóng viên, phát thanh viên để phục vụ cho công tác của Đài. Lúc này cũng là thời điểm bà Mai vừa học xong. Bà đã dự thi và trúng tuyển vị trí phát thanh viên. Với chất giọng trong trẻo, đầy nội lực, lãnh đạo đài lúc bấy giờ đã sắp xếp để bà đọc phát thanh nhiều tin, bài quan trọng đấu tranh với các luận điệu phản cách mạng, chống phá nhà nước từ các thế lực từ bên ngoài khi đất nước vừa thống nhất. Càng về sau, giọng đọc của bà cùng một số phát thanh viên khác trở thành điểm tựa cung cấp thông tin chính thống cho nhân dân thành phố. Bên cạnh đọc phát thanh, khi còn trẻ, bà cũng tham giao công tác phóng viên, viết tin, bài thời sự phục vụ chương trình phát sóng của Đài Biên Hòa.
|
Phát thanh viên Trần Thị Mai trên đường đến cơ quan |
Thời gian như thoi đưa, sau 28 năm phục vụ, đến năm 2006, bà nghỉ hưu theo chế độ. Ngay sau khi nghỉ hưu, lãnh đạo Đài Biên Hòa tiếp tục mời bà quay trở lại làm hợp đồng vì chất giọng truyền cảm của bà khó thay thế trong lòng bạn nghe đài của thành phố. Năm 2012, Đài truyền thanh thành phố Biên Hòa nâng cấp, đưa hệ thống truyền hình vào thực hiện để phục vụ phát sóng trên hệ thống Đài truyền hình tỉnh Đồng Nai, giọng đọc của phát thanh viên Trần Thị Mai tiếp tục trở thành giọng đọc Voice chủ đạo cho các bản tin truyền hình. Năm 2018, Đài truyền thanh Biên Hòa sát nhập với Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao. Từ đó đến nay, công việc phát thanh trên hệ thống hữu tuyến vẫn được duy trì đều đặn hằng ngày. Giọng đọc của phát thanh viên Trần Thị Mai vẫn là giọng đọc chính trên hệ thống phát thanh địa phương.
|
Phát thanh viên Trần Thị Mai trong một buổi thu âm chương trình thời sự |
|
Bà Mai mong muốn: Những người làm báo trẻ hiện nay sẽ đặt đạo đức người làm báo lên hàng đầu... |
Bà Trần Thị Mai cho biết thêm: Ngay từ khi mới học xong, trong khi các bạn cùng trang lứa chọn nhiều phương trời xa để lập nghiệp, bà quyết định ở lại quê hương phục vụ tổ quốc. Bà ở lại vì yêu quý mảnh đất Biên Hòa nơi bà sinh ra, và hơn hết, bà gắn bó với tổ quốc vì được làm nghề mình thích, phục vụ quốc gia, đồng bào. Đó chính là nghề báo. Tính từ ngày đọc bản tin đầu tiên cho Đài Truyền Thanh Biên Hòa, đến nay (năm 2024) là tròn 46 năm bà Mai phục vụ cho nền báo chí cách mạng, bà không nuối tiếc bất cứ điều gì, chưa bao giờ nghĩ mình đã chọn sai nghề. Được phục vụ đồng bào qua giọng đọc của mình là một vinh dự và là niềm vui trong cuộc đời. Bà cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người đã tạo điều kiện để bà gắn bó với nghề cho đến ngày hôm nay. Được làm nghề mình yêu thích, bà như quên đi tuổi già cũng như thấy yêu đời hơn.
Khi được hỏi mong muốn của bà với những người làm báo trẻ hiện nay, phát thanh viên Trần Thị Mai cho biết: “Tôi mong các bạn trẻ phải đặt đạo đức của người làm báo cách mạng lên hàng đầu, cùng với đó phải liên tục học hỏi để nắm bắt kịp xu thế phát triển của báo chí hiện đại ngày nay”.
Phát thanh viên đặc biệt
Theo ông Nguyễn Văn Tình – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao thành phố Biên Hòa, phát thanh viên Trần Thị Mai là một trường hợp đặc biệt của cơ quan. Mặc dù lớn tuổi nhưng bà Mai vẫn thực hiện rất tốt công việc đọc tin, bài cho hệ thống truyền thanh của thành phố. Giọng đọc truyền cảm và đầy nội lực này đã gắn bó với bạn nghe đài suốt mấy chục năm qua. Về phía cơ quan, Trung tâm luôn xác định các kỹ năng riêng của mỗi con người là tài nguyên quý giá, từ đó ứng dụng linh hoạt để phục vụ nhân dân, đồng bào. Cơ quan luôn coi trọng kỹ năng riêng của từng con người. Từ đó, quan tâm động viên đến các cá nhân để họ hoàn thành nhiệm vụ. Với phát thanh viên Trần Thị Mai, vừa là người có giọng đọc đặc biệt, đồng thời là người lớn tuổi nên Trung tâm luôn dành cho bà một sự quan tâm đặc biệt.
|
Ông Nguyễn Văn Tình– Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin Thể thao thành phố Biên Hòa |
Ông Tình cho biết thêm: Những năm vừa qua, bên cạnh tiếp tục duy trì hợp đồng lao động với bà Mai, theo nguyện vọng đam mê với nghề của bà, phía Trung tâm cũng luôn thực hiện các chế độ đối ưu đãi với bà gần được như một viên chức biên chế của cơ quan. Hằng năm, các ngày lễ, tết, ngày báo chí cách mạng, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 cùng các ngày lễ quan trọng khác, khi cơ quan tổ chức họp mặt đều có mời bà Mai tham dự, không phân biệt đối xử là người làm hợp đồng hay biên chế chính thức.
Trong những tia nắng vàng buổi chiều của những ngày giữa tháng 6, chúng tôi chia tay người phát thanh viên già khi bà hết giờ làm việc. Vẫn bóng dáng mộc mạc trên chiếc xe đạp cũ bên dòng người tấp nập. Hình ảnh cũng như việc làm của bà như một minh chứng sống về thế hệ những nhà báo vượt bao khó khăn khi đất nước mới giải phóng để phục vụ nền báo chí cách mạng. Từ sự tận tụy gắn bó với nghề của phát thanh viên Trần Thị Mai sẽ là ngọn lửa để tiếp thêm sức mạnh, tiếp thêm sự trong sáng với nghề cho thế hệ những nhà báo trẻ chúng tôi ngày nay.