Cổ tự bốn lần bén duyên vua
Được sự giúp đỡ của các chuyên gia lịch sử Quảng Bình, chúng tôi có trong tay nhiều tư liệu lịch sử quan trọng về chùa Hoằng Phúc (thuộc thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) – ngôi cổ tự ngót ngàn năm tuổi. Sử chép, vào năm 1301, vua Trần Nhân Tông sau khi xuất gia, từ Yên Tử (Quảng Ninh) trên đường viễn du Chiêm Thành đã ghé thăm chùa Hoằng Phúc (lúc này là am Tri Kiến).
Thấy khung cảnh tu thiền như chốn thần tiên, vua ngự bút ban tên. Đến năm 1609, chúa Nguyễn Hoàng vi hành ngang qua chốn Phật này, nhận thấy chốn linh thiêng bèn cho xây mới lại chùa trên nền cũ và đặt tên là Kính Thiên Tự. Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp tục bén duyên với cổ tự.
|
Một trong số những bức tượng cổ được tìm thấy tại chùa Hoằng Phúc. (Ảnh minh họa: Việt báo) |
Tại đây, chúa ban biển đề tên Kính Thiên Tự và một biển đề đại tự “Vô song phúc địa” (đại ý là Đất phúc khôn sánh). Trải qua thời kỳ binh biến Trịnh – Nguyễn, chùa rơi cảnh điêu tàn, lãng quên cho đến năm 1821, trong chuyến ngự giá Bắc tuần, nghe danh “hồn xưa vết cũ” của chùa, vua Minh Mạng có ghé thăm và đổi tên chùa thành Hoằng Phúc, đồng thời ra sắc lệnh trùng tu ngôi cổ tự.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Bình, một cao niên tại xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy) – người nhiều năm được dân làng tín nhiệm giao nhiệm vụ trông coi chùa cho biết: “Với lịch sử ngót nghét ngàn năm, Hoằng Phúc cổ tự không đơn thuần chỉ là nơi thờ tự Phật pháp mà con là nơi gắn liền với lịch sử.
Hoằng Phúc tự hàm nghĩa phúc hạnh lớn, là lời gửi gắm của các bậc vua chúa mong muốn an bình cho mảnh đất hiền hòa bên dòng Kiến Giang này. Trải qua bao biến cố, chiến tranh, ngôi chùa vẫn vững chãi khiến người dân nơi đây tin rằng, chùa linh thiêng nên quanh năm nghi ngút khói hương, cảnh chùa tựa chốn tiên cảnh dẫu nơi đây không có sư thầy tu thiền.
Bí ẩn báu vật Phật Cửu long
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Bình, hiện tại, cổ tự Hoằng Phúc vẫn còn lưu giữ khá nhiều cổ vật giá trị. Từ giếng cổ quanh năm không cạn, đến chuông đồng gần 100kg với nhiều câu ca trường tồn cả thiên niên kỷ. Hay như hai tượng Quan Công và Hộ pháp bằng gỗ, một số tượng Phật, các hoành phi, câu đối...
Những cổ vật quý giá trên đều có niên đại khoảng vài trăm năm. Khi được hỏi về các báu vật này, nhiều cao niên xã Mỹ Thủy đã đọc văng vẳng cho chúng tôi nghe những câu ca truyền tai nhau về cổ vật chuông đồng chùa Hoằng Phúc. Ông Trần Văn Khiêm – một cao niên trong làng tự hào:
“Tôi vẫn nhớ như in những câu ca như: “Tận trời chuông Trạm kêu xa. Thấu về Hạc Hải, băng qua nhà Hồ. Tạnh trời chuông Trạm kêu xa. Anh ơi, em gửi mẹ già cho anh”.
Ông Khiêm cũng giải thích, ngày đó tên dân gian chùa Hoằng Phúc là Trạm. Mỗi lần chuông chùa Hoằng Phúc thỉnh lên, những người dân ở Hồ Xá (thị trấn Hồ Xá, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị, cách xa hàng chục km) vẫn nghe vang vọng. Dù ngôi chùa lưu giữ nhiều báu vật nhưng để nói đến linh hồn cổ tự này, bao đời nay, người dân địa phương vẫn xem tượng Phật Cửu long là biểu tượng.
Bởi, theo nhiều người dân, bức tượng Phật này ẩn chứa quyền năng và sự linh thiêng. Theo ông Phạm Văn Bình – một vị cao niên trông giữ chùa, tượng Phật Cửu long là linh hồn của chùa này, người làng chỉ nghe được từ đời ông bà, tổ tiên truyền lại chứ chưa ai xác định được niên đại của tượng.
Lật giở từng trang ghi chép tại chùa Hoằng Phúc, chúng tôi được biết, Phật Cửu long là tượng Phật quý giá được làm bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo liên tiếp chín con rồng. Trong đó, tám con rồng nhỏ và một con rồng lớn ở phía trên đỉnh, tất cả cuộn tròn với nhau theo hướng “về trời”.
Ở giữa có một bức tượng ngồi thiền vuông vắn trong khung hình Cửu long. Đặc biệt, theo tìm hiểu của chúng tôi, với việc Phật Cửu long là linh hồn, báu vật quý giá nên việc cất giữ là tuyệt mật.
Cho đến nay, số người được “mục sở thị” báu vật chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì lẽ đó, nhiều bí ẩn về cổ vật này vẫn ẩn hiện sau lớp màn thời gian suốt mấy trăm năm. Một thông tin đáng chú ý khác, cách đây ít lâu, trong một dịp công tác tại đây, chúng tôi đã tận mắt thấy nhiều pho tượng cổ nằm dưới nền đất trong khuôn viên chùa được người dân tìm ra.
Theo xác nhận của ông Nguyễn Xuân Thiết – Trưởng Công an xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy), số tượng cổ phát hiện được và 3 pho tượng hình quan lại, trong trang phục mũ áo dài. Đặc biệt, các pho tượng có cầm thẻ bài như đang chầu vua hoặc ngồi thiền theo tư thế của nho sỹ.
Việc phát tích số cổ vật quý giá trên khiến giới khảo cổ một phen chấn động. Nhiều giả thuyết được đưa ra. Nhiều người cho rằng, trải qua trăm năm biến cố, trải qua bao “con mắt” của giới khảo cổ, kẻ săn cổ vật, số cổ vật trên vẫn yên bình dưới lòng đất sâu và chỉ phát lộ đúng thời điểm trùng tu chùa như một sự linh thiêng của chùa.
Là một duyên với Phật của người dân nơi đây. Tuy nhiên, theo xác nhận của ông Nguyễn Công Viên – Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy, số cổ vật trên được các cao niên xưa chôn tại đây. “Vì một số lý do, các cụ xưa đã chôn giấu số cổ vật xuống đất rồi ghi chú lại cho con cháu đời sau”, ông Viên nói.
Mới đây, sở KH&CN tỉnh Quảng Bình đã tổ chức tọa đàm khoa học Di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc với nhiều ban ngành tham gia. Trong đó, một số vấn đề về giải mã ẩn tích và cổ vật chùa Hoằng Phúc nhận được nhiều tham luận của các nhà nghiên cứu giải đáp.
Ngôi chùa mang ý nghĩa tâm linh và văn hóa
Nhằm bảo vệ ngôi chùa cổ và gìn giữ những cổ vật vô giá, cách đây không lâu, UBND tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Lệ Thủy cùng các ban ngành hữu quan đã làm lễ khởi công phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc dưới sự chung sức của nhân dân, chính quyền và phật tử các nơi.
Đại diện chính quyền huyện Lệ Thủy cho hay, việc phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc có ý nghĩa rất lớn đối với huyện. Sau khi chùa khánh hạ sẽ là nơi tôn nghiêm để phụng thờ các đức Phật, hoằng dương Phật pháp, điểm đến của phật tử gần xa, gìn giữ bản sắc truyền thống văn hóa quê hương. Hiện tại, chính quyền tỉnh Quảng Bình đang bổ sung và hoàn thiện hồ sơ đệ trình Nhà nước Báu vật Phật Cửu long được cất giữ tuyệt mật tại chùa Hoằng Phúc. công nhận chùa Hoằng Phúc là Di sản văn hóa lịch sử cấp Quốc gia.