Giai thoại đẹp về hoàng đế chung thủy nhất nhì TQ

Google News

Hậu thế sau này vẫn còn nhắc đến người vua chung thủy bậc nhất Trung Hoa này. Đây cũng được coi là vị vua hiếm hoi có tư tưởng bình đẳng trong lịch sử Trung Quốc.

Giai thoại đẹp hơn ngôn tình của vị Hoàng đế cả đời chỉ có một vợ
Minh Hiếu Tông (1470 – 1505), là vị Hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông tại vị trên ngai vàng 14 năm, lấy niên hiệu Hoằng Trị nên còn được gọi là Hoằng Trị đế.
Đánh giá về thời kỳ cai trị của vị vua này, các sử gia thường gọi đó là giai đoạn "Hoằng Trị trung hưng". Minh Hiếu Tông cũng được ghi nhận là một trong số những vị Hoàng đế đáng khen nhất trong lịch sử Minh triều, thậm chí có thể sánh ngang với Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ.
Ngoài những thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, ông còn được hậu thế ca ngợi về phẩm đức khi trở thành một trong những vị vua hiếm hoi thực hiện chế độ một vợ một chồng.
Cho tới ngày nay, người đời mỗi khi nhắc tới Minh Hiếu Tông vẫn không khỏi khâm phục trước chuyện tình lãng mạn và chung thủy của ông với người vợ duy nhất – Hoàng hậu Trương thị.
Giai thoai dep ve hoang de chung thuy nhat nhi TQ
 
Trương Hoàng hậu trở thành vợ của Hoằng Trị đế kể từ năm 1487, khi Chu Hữu Đường vẫn còn đang ở ngôi Hoàng Thái tử. Sau khi kế vị, ông đã sắc phong vợ mình làm Hoàng hậu và không nạp thêm bất kỳ thê thiếp nào trong suốt thời gian tại vị kéo dài hơn 1 thập kỷ.
Thậm chí, Minh Hiếu Tông từng không ít lần phá vỡ nhiều luật lệ khuôn phép chỉ để đem lại niềm vui cho Trương Hoàng hậu.
Năm xưa khi Hoàng đế đã gần 30 tuổi mà vẫn chưa có con trai, các đại thần trong triều đã nhiều lần dâng tấu khẩn cầu ông nạp thêm phi tần, nhưng Chu Hữu Đường hết lần này tới lần khác bỏ ngoài tai những lời can gián ấy chỉ vì muốn chung thủy với chính thê của mình.
Theo quy định thị tẩm vào thời nhà Minh, Hoàng đế dù đối với Hoàng hậu hay bất cứ phi tử nào cũng không được ngủ cùng nhau suốt đêm. Duy chỉ có Minh Hiếu Tông và Trương Hoàng hậu là luôn ân ái mặn nồng, duy trì nhiều thói quen sinh hoạt hằng ngày như những cặp vợ chồng bình thường khác.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, năm xưa khi Trương Hoàng hậu bị sưng miệng, nhà vua đã tự tay bưng nước, đút thuốc cho bà, thậm chí còn không dám cất tiếng ho chỉ vì sợ làm phiền bà nghỉ ngơi.
Thậm chí, vị Hoàng hậu độc sủng hậu cung này còn có đặc ân được tự nhiên xưng "ta" trước mặt Hoàng đế chứ không phải nhún nhường xưng "thần thiếp" như các phi tần bình thường khác.
Thiết nghĩ trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, một người đàn ông bình thường có thể đối xử với vợ của mình như vậy đã là hiếm chứ chưa nói đến người ngồi ở ngai vàng như Minh Hiếu Tông Chu Hữu Đường.
Tuổi thơ sóng gió của hoàng đế Hoằng Trị
Hoàng đế Hoằng Trị là con trai thứ 3 của hoàng đế Thành Hóa (tên húy Chu Kiến Thâm), hiệu Minh Hiến Tông, và Hiếu Mục hoàng hậu (tên húy Thục Kỷ), vốn là phi tần trong hậu cung.
Khi đó, vua Thành Hóa có con trai với Vạn quý phi, người rất được vua sủng ái, tuy nhiên, vị hoàng tử ấy chết yểu, Vạn quý phi tính tình hiểm độc, lập dã tâm không để bất cứ vị phi tần nào sinh con.
Vạn quý phi giết tất cả đứa trẻ là con của hoàng đế với các cung phi. Chỉ cần phát hiện cung phi nào mang thai, bà lập tức bỏ thuốc độc, ép phá thai, thậm chí còn giết chết người đó, thủ đoạn vô cùng thâm độc.
Như số trời đã định, chỉ có duy nhất một đứa trẻ thoát khỏi nanh vuốt của Vạn quý phi, đó là Chu Hựu Đường (hoàng đế Hoằng Trị sau này). Mẹ ruột của Hựu Đường là Kỷ thục phi, người đã che dấu kỹ càng thân phận của vị vua tương lai trong 5 năm, nhờ sự giúp đỡ của một thái giám thân tín và cả hoàng hậu Hiếu Trinh Thuần.
Sau khi nhận ra con cái của mình "bỗng dưng" chết yểu, hoàng đế Thành Hóa vô cùng hoảng loạn, ông bắt đầu chú trọng hơn tới những sự việc xảy ra trong cung cấm. Tới khi Hựu Đường xuất hiện sau thời gian dài ở ẩn, Minh Hiến Tông vô cùng vui mừng, lập tức chọn vị hoàng tử nhỏ tuổi làm người kế nhiệm.
Mẫu thân qua đời và bài học khắc cốt ghi tâm rời xa lối sống đa thê thiếp
Đến lúc này, Vạn quý phi muốn hạ sát Hựu Đường cũng không thể. Bà tức giận ra lệnh giết chết Kỷ thục phi. Kể từ giây phút đó, Hựu Đường biết chắc rằng, triều đình tương lai của mình sẽ không tồn tại hậu cung.
"Nói cách khác, khi hoàng tử Hựu Đường lớn lên, ông khắc cốt ghi tâm kinh nghiệm sống còn là chế độ đa thê đa thiếp tương đương với loạn lạc, giết người - có thể đẩy cả vương triều đến bờ diệt vong," học giả Schneewind cho biết.
"Hoàng đế Hoằng Trị muốn tất cả con đẻ và vợ mình được sống yên bình, ông cũng không muốn lo lắng về việc các cung tần của mình giết hại lẫn nhau vì chuyện kế vị. Rốt cuộc, hoàng đế chỉ muốn chung chăn gối với một người duy nhất."
Tất cả những cải cách, đổi mới nhằm chống tham nhũng, suy đồi khiến hoàng đế Hoằng Trị trở thành vị hoàng đế công minh và ít tai tiếng bậc nhất lịch sử nhà Minh.
Trong đạo Nho, lòng trung thành luôn được coi trọng đặc biệt. Đàn ông Trung Hoa theo đạo Nho sẽ được người đời tán dương vì chung thủy với một người vợ duy nhất, dù người vợ đó đã chết hoặc sống trong tình trạng tàn tật.
Triều đại kéo dài 276 năm trong lịch sử Trung hoa nhờ thế được lưu truyền tiếng thơm đến tận ngày nay là vì đã đem đến luồng gió mát của Nho giáo thay thế cho Đạo giáo cứng nhắc.
Những giá trị truyền thống này được hoàng đế Hoằng Trị tôn trọng hết mực. Thêm vào đó, theo lời khuyên của các thầy lang thời Minh, quan hệ tình dục quá nhiều sẽ khiến cơ thể đàn ông suy nhược, lúc nào cũng cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi.
Nếu mục đích của việc lập phi chỉ là sinh con nối dõi thì hoàng đế Hoằng Trị cũng không cần đoái hoài. Bởi ông đã có 2 con trai và 3 con gái với người vợ duy nhất của mình, Hiếu Thành Kính hoàng hậu (tên húy Trương thị).
Người đời có thể thấy, hoàng đế Hoằng Trị "lập dị, khó hiểu" nhưng rõ ràng rằng, cách sống của ông là cách sống "đi trước thời đại", chỉ có hạnh phúc, bình yên, không thị phi, loạn lạc.
Theo Min/Khỏe & Đẹp

>> xem thêm

Bình luận(0)