Độc giả Việt Nam có lẽ vẫn còn xa lạ với thể loại Giải mật các tác phẩm cổ điển. Nhưng ở Trung Quốc, giải mật đã thành một trào lưu từ lâu, và liên tục phát triển cho đến tận nay. Các tác phẩm văn học cổ điển nổi tiếng như Tây Du Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng, Phong Thần diễn nghĩa... đều có hàng trăm người tham gia giải mật.
Giải mật là gì? Nói một cách đơn giản, đó là đi tìm những ẩn ý của tác giả cài vào trong tác phẩm của mình. Nghĩa là từ các mật ngữ, các tình tiết được che giấu kín đáo có chủ ý của tác giả, người giải mật tìm kiếm, xâu chuỗi lại với nhau trong một chủ đề. Từ đó, họ đưa ra một giả thuyết phù hợp với những gì mình tìm ra và cuối cùng là xác quyết tính hợp lý của giả thuyết đó.
Cho nên giải mật là một quá trình bất tận giải các câu đố mà tiền nhân để lại. Giải mật không phải tôn vinh hay bài xích các nhân vật, các cố sự, mà là tìm ra ý nghĩa đích thực của những tình tiết trong tác phẩm. Với một kết quả mà người giải mật đưa ra, sẽ có bạn đọc vỗ đùi khen hay, nhưng cũng sẽ có nhiều độc giả không đồng tình, có thể vì giả thuyết chưa đủ độ thuyết phục, hoặc đơn giả là vì kết quả đó không đúng như ấn tượng mà nhân vật đã ăn sâu vào đầu óc của người đọc.
|
Tranh Thủy Hử của Kimiya Masago. |
Thủy Hử của Thi Nại Am, một trong Tứ Đại Kỳ Thư của văn học cổ điển Trung Quốc, là câu chuyện của 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Nhưng có thực tác giả Thi Nại Am muốn xây dựng họ thành những anh hùng hay không? Hay đây là câu chuyện của vợ lừa chồng, chồng lừa vợ, anh phản em, em phản anh, thầy dối trò, trò dối thầy? Cùng loạt bài GIẢI MẬT THỦY HỬ chúng ta sẽ cùng tìm kiếm ẩn ý của tác giả.
KỲ I: Bí ẩn cái chết của Tiều Cái
Thủy Hử viết khá rõ ràng về cái chết của Tiều Cái. Trại chủ Lương Sơn dẫn quân đi đánh Tăng đầu thị, gặp phục binh nên thua chạy. Trên đường đào tẩu, Tiều Cái trúng phải độc tiễn của Sử Văn Cung. Về đến trại, Thác Tháp Thiên Vương ốm liệt giường liệt chiếu rồi chết. Bàn về cái chết của Tiều Cái, ai nấy đều cho rằng Tống Giang thấy chết mà không cứu, chỉ chăm cầu cúng, giải hạn, cúng sao, cúng vong chứ không đưa đi... cấp cứu: “Tống Giang ngồi luôn trước giường Tiều Cái mà khóc than rất là thảm thiết, các vị đầu lĩnh cũng đều ở đó mà hầu hạ trông nom.”
Rốt cuộc Tống Giang chỉ thuận nước đẩy thuyền, tiện tay dắt dê hay có sự tình ẩn giấu đằng sau? Thủy Hử đã để lại một số manh mối để thấy rằng chính Tống Giang mới là kẻ chủ mưu và người bắn lén Tiều Cái không phải Sử Văn Cung.
|
Tiều Cái di ngôn lại cho Tống Giang. Ảnh: Phim Thủy Hử. |
Ai chủ mưu giết Tiều Cái?
Trước tiên hãy nói về trại chủ đời thứ nhất của Lương Sơn, đó là Bạch y tú sỹ Vương Luân. Cái chết của Vương Luân do Lâm Xung ra tay dưới sự thúc đẩy của Tiều Cái. Khi bảy anh em tới xin nhập bọn, sau tiệc tiếp phong, Ngô Dụng bàn với Tiều Cái: “Nếu quả hắn có bụng lưu chúng ta ở đây, thì bây giờ đã định vị thứ rồi mới phải. Việc ấy dẫu đến Đỗ Thiên, Tống Vạn cũng xin tùy theo đáp ứng chứ không hiểu được thâm ý của Vương Luân, duy có một anh chàng Lâm Xung là ngày trước đã làm qua Giáo Đầu ở kinh sư cũng đã hơi hiểu việc, nay bất đắc dĩ phải ngồi vào bậc ghế thứ tư, thì trong lòng vẫn hậm hực bất bình, xem như cách nói chuyện với bác buổi sáng thì đủ biết. Tôi xem anh ta thực là có ý trở mặt với Vương Luân; để tôi thuyết cho mấy câu, khắc là họ tính ngay lập tức.”
Tới khi Lâm Xung tóm lấy Vương Luân định đâm thì “đoạn rồi Nguyễn Tiểu Nhị ngăn giữ Đỗ Thiên, Nguyễn Tiểu Ngũ ngăn giữ Tống Vạn, Nguyễn Tiểu Thất ngăn giữ Chu Quý, làm cho bọn lâu la ở dưới đều ngây người đờ mắt mà sợ hãi kinh hồn.”
Có thể nói Lâm Xung là cánh tay, nhưng Tiều Cái mới là trí não của âm mưu lật đổ. Rốt lại Tiều Cái trở thành trại chủ đời thứ hai. Rồi cũng là nhân quả báo ứng, cái chết của trại chủ Tiều Cái sao có thể dễ dàng do người ngoài thực hiện. Hẳn nhiên là do trại chủ đời ba Tống Giang bày mưu và một vị anh em dưới trướng Tiều Cái đã ra tay hạ thủ.
Tại sao Tống Giang phải giết Tiều Cái? Xin thưa bởi họ có mâu thuẫn không thể hóa giải. Tiều Cái là trại chủ, chủ trương lên núi làm cướp, dưới tay là một đám đại đầu lĩnh rách giời rơi xuống như Lưu Đường, Nguyễn Thị Tam Kiệt, và một tay kiệt hiệt Lâm Xung nặng lòng thù oán với triều đình. Chủ trương của Tiều Cái là uống bát rượu to, ăn miếng thịt lớn, vui lòng khoái ý mà tiêu dao tháng ngày.
Ngược lại, Tống Giang đang ngồi ghế thứ hai, vốn là viên tiểu lại, Tống Giang không nặng lòng phản nghịch, phe cánh của gã cũng một dạng đại loại như Hô Duyên Chước, Hoa Vinh, Từ Ninh,... là các cựu quan tướng triều đình, vì thua trận hoặc bị ép buộc tới mức phải bỏ lên núi, nên tất cả đều có tư tưởng mong được chiêu an. Hễ Tiều Cái còn thì giấc mộng chiêu an của Tống Giang khó lòng thực hiện được.
Mâu thuẫn của Tiều - Tống có thể kể ra cụ thể ở mấy sự tình sau:
a. Hồi 41, sau sự kiện cướp pháp trường ở Dương Châu, Tống Giang lên Lương Sơn rồi muốn về đón cả nhà lên núi, Tiều Cái không đồng ý. Nhưng sau khi Tống Giang về, nhận được ba cuốn thiên thư từ Cửu thiên huyền nữ, thì không hề thấy chàng ta chia sẻ gì cho ông trại chủ mà chỉ đem ra bàn luận với Ngô Dụng. Đây có thể nói là một dạng khoét vách tường, tức tìm cách lôi kéo người của Tiều Cái.
b. Cũng từ sự kiện này, một đại đầu lĩnh thế hệ đầu của Lương Sơn Bạc đã nhìn ra manh mối. Đó là Nhập Vân Long Công Tôn Thắng. Tuy Công Tôn Thắng nằm trong nhóm bảy hào kiệt cướp sinh thần của Sái Thái sư, được Tống Giang cứu mạng, nhưng sự thực thì ơn ấy của Tống đối với Công Tôn không dày như với Ngô Dụng, Lưu Đường, Tam Nguyễn. Độc giả chắc còn nhớ Tiều Cái và Công Tôn Thắng dẫu được báo trước, nhưng do phải ở lại giải quyết sự vụ Tiều gia trang nên trốn không kịp. Nên người mà Công Tôn chịu ân sâu tha mạng phải là Chu Đồng. Anh chàng đạo sĩ này nhìn ra manh mối mâu thuẫn Tiều Cái - Tống Giang, liền thác cớ còn mẹ già nên trốn về, suýt nữa thì Nhập vân nhất khứ bất phục phản.
c. Mâu thuẫn trở nên rõ rệt khi ở hồi 46, Bệnh Quan Sách Dương Hùng, Biện Mệnh Tam Lang Thạch Tú, lên núi xin nhập bọn. Bấy giờ Tiều Cái từ chối vì hai gã trộm gà này không đáng mặt hảo hán. Tuy nhiên Tống Giang giữa chốn đông người công nhiên bác bỏ ý Tiều Cái, được Ngô Dụng và số đông tán thành “Các đầu lĩnh cùng ra sức khuyên can. Bấy giờ Tiều Cái mới thư tâm mà tha cho Dương Hùng, Thạch Tú.” Thậm chí việc đánh Chúc gia trang cũng do Tống Giang tự ý cắt đặt. Đọc đến đây ta thấy Tiều Cái trở nên cô độc lạc lõng hơn bao giờ hết ngay tại Tụ Nghĩa sảnh.
d. Hồi 57, đánh Thanh Châu, Tiều Cái muốn tìm cách vãn hồi sự tình nên muốn tự cầm quân. Tống Giang liền thẳng cánh bác bỏ: “Ca ca là ông chủ sơn trại, không thể một ngày rời bỏ ngay được. Vả chăng việc này là của tôi, người ta xa muôn dặm tới đây nếu tôi không đi, thì sao cho người ta an tâm, Vậy xin ca ca để mặc cho tiểu đệ cùng mấy anh em đi cho được việc...” Ta thấy Tống Giang nhấn mạnh việc anh em tới là vì Tống Giang chứ không phải vì trại chủ Tiều Cái.
e. Vụ Đoàn Cảnh Trụ hiến ngựa. Tác giả một lần nữa nói tới việc con Chiếu dạ ngọc sư tử là để hiến cho ngài phó trại Tống Công Minh chứ không phải dành cho ông trại chủ Tiều Bảo Chính. Tới đây thì Tiều Cái không còn cách nào khác, phải khăng khăng tự dẫn binh đi đánh rồi.
Và đó cũng là cơ hội để Tống Giang ra tay.
Đời sau có người cho rằng ba chữ Tăng đầu (tăng - zēng) cận âm với Tranh đầu (tranh - zhēng) ám chỉ việc tranh ngôi đầu, và tên của Tăng Thị Ngũ Hổ lần lượt là Tăng Mật, Tăng Đồ, Tăng Sách, Tăng Khôi, Tăng Thăng, không biết vô tình hữu hữu ý ghép lại là “mật đồ sách khôi thăng” - Bí mật mưu đồ đoạt ngôi đầu.
Tác giả Thi Nại Am đã thòng một câu rất giá trị: “Khi Tiều Cái đi rồi, Tống Giang liền quay về sơn trại, sai Đới Tung xuống núi đi theo, để thăm dò tình thế.” Rốt lại ai sẽ là người bắn mũi độc tiễn theo lệnh Tống Giang?