Mục tiêu phản đột kích
Theo cuốn Lịch sử Sư đoàn 308 quân tiên phong, tháng 12/1980, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân đoàn I trực tiếp chỉ đạo sư đoàn 308 tổ chức diễn tập quân sự. Đề mục diễn tập là “Sư đoàn bộ binh cơ giới hành quân trên đường đồi núi, nằm trong đội hình chiến đấu của quân đoàn, tiến hành phản đột kích trong hành tiến, đánh bại quân địch đột nhập tuyến phòng ngự của quân khu”.
Cuộc diễn tập này diễn ra sau gần 2 năm Sư đoàn 308 chuyển từ sư đoàn bộ binh thông thường sang sư đoàn bộ binh cơ giới. Tình huống đặt ra cho cuộc diễn tập là quân địch đột kích qua tuyến phòng ngự biên giới của bộ đội ta và tiến vào nội địa. Sư đoàn 308 tiến hành phản đột kích cơ giới để đánh bật chúng ra.
Đây là cuộc diễn tập lớn và quan trọng vì Sư đoàn 308 lúc đó là sư đoàn bộ binh cơ giới đầu tiên của quân đội ta. Bởi vậy cuộc diễn tập được đích thân Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Văn Tiến Dũng – Bộ trưởng Quốc phòng về huấn thị trước khi tiến hành. Tham gia vào cuộc diễn tập, ngoài lực lượng của toàn bộ Sư đoàn 308 bộ binh cơ giới, Quân đoàn I còn tăng cường cho một tiểu đoàn pháo 130mm thuộc Lữ đoàn pháo binh 45, một tiểu đoàn pháo cao xạ của Lữ đoàn 241, một tiểu đoàn công binh của Lữ đoàn 299, một đại đội vận tải, ba đội điều trị. Ngoài ra còn có hai đội sửa chữa xe pháo của Tổng cục Kỹ thuật cùng một phi đội máy bay tiêm kích bom (rất có thể là Su-2 vì giữa năm 1980 chúng ta đã có Su-22 và bắt đầu huấn luyện đại trà cho phi công ở Đà Nẵng).
|
Xe bọc thép BMP-1 của Sư đoàn 308 hành quân ra thao trường. Ảnh: Văn nghệ quân đội. |
Đường hành quân diễn tập dài 240 km, đi qua 4 tuyến đường chiến lược: Đường 6, đường 1A, đường 5 và đường 13, vượt qua 2 sông lớn bằng cầu phao ở Khuyến Lương (rộng 400m) và phà Hồ (rộng 240m). Ngoài ra trên đường hành quân còn có 43 cầu, trong đó có 2 cầu lớn có xe lửa đi qua.
Đúng 9h sáng ngày 9/12/1980, sư đoàn nhận lệnh chuyển từ trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên sang sẵn sàng chiến đấu cao. Chỉ sau 20 phút, sư đoàn đã cơ động ra tuyến xuất phát với đầy đủ xe, pháo các loại.
Nhiệm vụ trước mắt của sư đoàn là tiêu diệt “quân địch” từ Đào Trang đến Xuân Dương. Nhiệm vụ tiếp theo là phát triển đánh “địch” từ Đồng Quan, Nhưỡng Bạn, đưa thê đội 2 là trung đoàn bộ binh cơ giới 36 vào chiến đấu, truy kích, tiêu diệt “địch” đuổi chúng ra khỏi “biên giới tổ quốc”.
|
Su-22 của Không quân Việt Nam. |
Ở giai đoạn 1, cuộc diễn tập thực hiện đúng kế hoạch. Bộ đội hành quân hỗn hợp đến vị trí tập kết chiến đấu. Sang giai đoạn 2, sư đoàn tổ chức phản đột kích dưới trời mưa tầm tã. Đúng 3 giờ ngày 13/12/1980, quân ta chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong sau khi xe tăng, xe thiết giáp đột phá, bộ binh tiến vào chiến đấu trên các hướng chủ yếu và thứ yếu.
Giai đoạn 3 diễn ra trong 2 ngày 19 và 20/12. Sau đó sư đoàn chuyển sang phòng ngự. Suốt mấy ngày liền, thời tiết không thuận lợi. Đường quân sự làm gấp bị sạt lở nhiều quãng, các loại xe bánh lốp không cơ động được. Sư đoàn phải tạm trú quân tại chỗ.
Lương thực sẵn sàng chiến đấu sử dụng gần cạn, một bộ phận phải dùng máy bay lên thẳng để tiếp tế lương thực, nhưng cũng gặp khó khăn vì thời tiết xấu, sương mù dày đặc.
Các chiến sỹ quyết tâm khắc phục, ra sức san ủi, chống, chèn, kích, kéo, đưa xe qua những khúc “cua tay áo”, những “dốc cổng trời”, tiến lên trong mưa gió để hành quân tới đích. Nhờ đó cuộc diễn tập cũng kết thúc thắng lợi.
|
Xe bọc thép BMP-1 của Sư đoàn 308 trong huấn luyện. Ảnh: tạp chí Văn nghệ quân đội. |
Sau diễn tập, Tư lệnh Quân đoàn I - Nguyễn Kiệm nhận xét: “Sư đoàn bộ binh cơ giới 308 đã khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ diễn tập. Trình độ tổ chức chỉ huy, trình độ nghiệp vụ của cơ quan, mức độ thành thạo của lái xe, pháo thủ, thông tin đã được nâng cao một bước rõ rệt, làm cơ sở để đánh giá khả năng cơ động và hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu… Tuy nhiên còn một số hạn chế; tai nạn giao thông do xe chạy nhanh, lái ẩu, xe hỏng trên dọc đường không được bảo dưỡng đầy đủ. Tổ chức hậu cần ở cơ sở còn yếu khiến một số bộ phận bị đói trong diễn tập”.
Cuộc diễn tập diễn ra trong bối cảnh biên giới phía Bắc tuy không còn đánh lớn nhưng áp lực quân sự của Trung Quốc vẫn rất nặng nề, tình huống quân Trung Quốc bất thần đột kích qua biên giới vẫn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Do vậy, cuộc diễn tập của Sư đoàn với mục tiêu phản đột kích rất thiết thực và phù hợp tình hình.
Sư đoàn bộ binh cơ giới đầu tiên
Sư đoàn 308 được gọi là quân tiên phong vì đây là sư đoàn đầu tiên được thành lập của Quân đội nhân dân Việt Nam (thành lập năm 1949). Đúng 30 năm sau, sư đoàn lại trở thành sư đoàn bộ binh cơ giới đầu tiên của quân đội ta.
Theo Lịch sử Sư đoàn 308 đã nói ở trên, tháng 4/1979, Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân đoàn I giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 308 mở lớp tập huấn chuyển binh chủng từ bộ binh sang bộ binh cơ giới. Lớp tập huấn gồm cán bộ của Sư đoàn 308, trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) và một số cán bộ cơ quan Bộ Quốc phòng cùng các học viện, nhà trường trong toàn quân.
|
Pháo phản lực BM-14 của quân đội Việt Nam. |
Lớp tập huấn đã diễn ra trong hai tháng 4 và 5/1979. Ngày 28/8/1979, theo quyết định số 705 của Bộ Tổng Tham mưu do Thượng tướng Lê Trọng Tấn ký, Sư đoàn bộ binh 308 chuyển thành Sư đoàn bộ binh cơ giới 308. Đây là sư đoàn bộ binh cơ giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Một sư đoàn bộ binh cơ giới khác với một sư đoàn bộ binh thông thường ở chỗ trong biên chế của nó có các loại xe tăng, xe bọc thép, xe chở quân để chuyển quân, cơ động… Trong khi các sư đoàn bộ binh thì không có.
|
Xe tăng T-54/55 của quân đội ta. |
Theo nhiều nguồn tài liệu, hiện tại, sư đoàn bộ binh cơ giới 308 có trong biên chế 3 trung đoàn bộ binh cơ giới gồm: Trung đoàn 36, Trung đoàn 102, Trung đoàn 88. Ngoài ra có Trung đoàn 58 pháo binh và các tiểu đoàn phòng không, xe tăng, pháo phản lực, công binh, thông tin, trinh sát, vận tải…
Theo Wikipedia, Sư đoàn 308 được trang bị các loại xe tăng T-54/55, xe bọc thép chiến đấu BMP-1, xe bọc thép chở quân BTR-152, xe bọc thép trinh sát BRDM-2, pháo phản lực BM-13/13.