Từ suy nghĩ về cái chết của tiền nhân
Một trong những vị quân tử như thế phải kể đến hiền sỹ, tiến sỹ Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803). Một lần tiếp chuyện với hậu thế “họ Ngô một bồ tiến sỹ” tại làng Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, tôi đã được tiếp xúc với những tư liệu quý báu về con người danh vị, tài năng, đạo đức vẹn toàn này. Theo đó, trong khoảng thời gian ngắn ngủi “sống gửi” của mình, ông đã có 18 năm làm một vị quan thanh liêm, chính trực, khẳng khái, đa tài thời Lê – Trịnh, 15 năm miệt mài theo Tây Sơn khởi nghĩa và đặc biệt là 5 năm gắn bó, làm quân sư thân thiết với vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ – Quang Trung đánh tan quân Thanh xâm lược.
Là một “kẻ sỹ” tinh tường cả về Nho học lẫn Phật học, một cây bút văn chương sắc sảo, uyên thâm, trí tuệ, khả năng bang giao với lý luận chính trị hơn người, danh sỹ Ngô Thì Nhậm đã để lại cho đời nhiều bài học lớn và là tấm gương sáng về tài, trí, dũng, mưu. Không những thế, ngay cả khi ông đã về với tiên tổ, hậu thế cho đến nay vẫn khâm phục cả cách ông nhìn nhận và chuẩn bị chu đáo cho cái chết của riêng mình.
Ông Ngô Đức Diễn, sinh năm 1943 đời thứ 19 dòng họ Ngô cụ tổ Phúc Cơ cho biết: “Từ khi còn đi lánh nạn tại am Lệ Trạch, năm Nhâm Dần 1782 và viết sách Xuân Thu quản kiến, người quân tử đi qua ba triều đại ấy đã có ý niệm sâu sắc về cái chết và đưa ra những phân tích sắc sảo về cái chết đầy nhân tính của tiền nhân. Hỏi rằng: “Văn Khương nước Lỗ, Vũ Thị nhà Đường đều là những kẻ đại ác trong thiên hạ, thế mà được hưởng ngôi, hưởng lộc, hưởng thọ. Vậy thì, đạo trời ra tai vạ cho kẻ dâm ác hóa ra có sai lầm hay sao?”. Ngô Thì Nhậm lý giải: “Lộc, Thọ là trọc phúc, Danh dự là thanh phúc. Xem như Bá Di, Thúc Tề chết đói, Liễu Chính chết no. Hai hạng ấy danh dự hơn kém nhau thế nào? Còn Văn Khương, Vũ Hậu thì bị ngàn đời chửi rủa, đó là nhơ bẩn về ngôi lộc, thọ vậy”.
|
Danh sách Ngô Thì Nhậm. |
Trong sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, ông đã lý luận về sự tự nhiên của cái chết tất nhiên kết hợp hai quan điểm của Phật học và Nho học: Kinh Dịch có 64 quẻ, chỉ có một quẻ “Khốn” cho phép trí mệnh. Kinh Lăng già có 8 thức, chỉ có một thức “Ý” cho phép niết bàn. “Khốn” là nước đã ngấm sâu xuống đầm, đã lìa đầm rồi. Thức “Ý” thì như biển cả nổi phong ba bão táp làm cho sóng nước cuồn cuộn dâng lên. Bởi vậy, trong quẻ “Khốn” chẳng trí mệnh chẳng được, trong thức “Ý” không niết bàn cũng không được. Điều đó có nghĩa là con người đã sinh ra trên đời thì không được phép cho mình chết một cách cẩu thả!
Đến sự kỳ công sinh phần sau giấc mơ tiên tri
Hằng Tâm không bao giờ mất
Người đời ngày nay chiêm nghiệm về ý niệm trong bốn câu thơ khắc trên tấm bia của người xưa rằng: “Trong cuộc sống con người có một thứ mà nơi đâu cũng có rất nhiều như hạt cát. Đó là tấm lòng nhân ái tồn tại lâu dài, không thay đổi gọi là Hằng Tâm. Cái Hằng Tâm đó vận động trong vũ trụ như các vì tinh tú không bao giờ mất, không bao giờ chết. Cái đó mà còn thì con người sống mãi. Sự hợp tan sống chết của một đời người cũng là chuyện tầm thường thôi, có gì đáng kể so với cái sống vĩnh hằng đó”.
Hậu thế họ Ngô đến nay vẫn khẳng định, Ngô Thì Nhậm đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự chết và cái chết của mình từ cuối năm 1795 thông qua “Bài ký ngôi mộ Vĩnh Định”, đề “Ngày đông chí năm Ất Mão”. Với tất cả niềm tự hào gia tộc, con cháu dòng họ Ngô ngày nay lớn lên học cái chữ là được cha mẹ, ông bà kể cho nghe về giấc mơ tiên tri của tiền nhân như một lời răn dạy về sự đường minh chính trực trong lối sống và cả cách nghĩ, xứng đáng với phương châm sống mà bậc hiền tài như Ngô Thì Nhậm đã từng khái quát thành phương châm sống: “Cũng là một cái chết, nhưng có cái chết coi nặng như núi Thái Sơn, lại có cái chết coi nhẹ tựa lông hồng”.
Ông Diễn hào hứng kể lại như giấc mơ liêu trai năm xưa còn ứng nghiệm cho đến tận bây giờ. Đó là một đêm mùa đông năm Giáp Dần 1794, Ngô Thì Nhậm đã có một giấc mơ lạ. Trong mơ, ông thấy mình đi bộ trên một cánh đồng ngập nước, tới làng Tó (Tả Thanh Oai) quê nhà bỗng thấy một nóc nhà hướng Tây quay ra bờ sông, lau cửa chót vót. Trước lầu là cờ quạt, tán lọng nghiêm trang.
Ông cất giọng hỏi người thị vệ “Nghi lễ do xứ nào cung phụng” thì thấy cha mình là Ngô Thì Sĩ trong lầu đi ra, đưa tay dắt ông vào chùa, đến cao đường bày nhiều hương hoa trang nghiêm, trong có một hương án cao to. Cha ông chỉ vào đó nói rằng: “Huyệt ở dưới hương án, đào một lớp đất chùa ra, lập hướng rất đẹp”. Thấy vậy, ông giật mình thưa với cha: “Nếu định huyệt nơi hương án e vị sãi trong chùa không cho”. Cha ông khẳng định: “Sãi chùa có một cô gái, hỏi mà cưới lấy thì có gì mà không cho”. Giật mình tỉnh dậy, ông mới nghĩ đó là người cha linh thiêng về mộng cho đất.
Sau đêm mơ giấc mơ lạ đó, Ngô Thì Nhậm đã bỏ nhiều công sức tìm đất, lập huyệt và xây cất phần mộ cho mình. Ông đã nhờ đến một tú tài ở đất Mân, Chiết Giang, Trung Quốc điểm huyệt tại chùa Bùi nhưng vị này ngại vì thấy hổ thủy phân tán qua cung đường. Sau đó, ông nhờ Trần Thực, Hiệu sinh trong ấp xem cho một quẻ bói, thấy “cục đất ở vườn cam rất quý” thì sai người chọn đất.
Ông Diễn cho hay, theo sử sách chép lại: “Trước hết, Ngô Thì Nhậm nhờ người chọn lấy một chỗ ở nơi long mạch gấp khúc, mạch ở phương Đông – Bắc, hướng về phương Nam. Bói Dịch được quẻ “Địa lôi phục”, cả sáu “hào” đều tĩnh. Lời quẻ nói “Phục hanh xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu, phân phúc kỳ đạo, thất nhật lai phục, lợi ký du vãng”. Nghĩa là: “Quẻ phục hanh thông, ra vào không bệnh, bạn đến không lỗi, xem xét kỹ đường đi, bảy ngày trở lại, có lợi ở chỗ đi xa”. Tóm lại, ngôi đất được chọn là rất tốt.
Không những vậy, ông còn nhờ nhiều người tinh thông phong thủy huyệt đạo như Hoàng giáp Nguyễn Công ở làng Hương Triện, Trợ giáo Nghiêm Hỷ Thức làng Hoàng Xá và nhiều cụ già trong thôn có kinh nghiệm sống hỏi kỹ lưỡng về thế của đất đó. Khi mọi người nhất nhất quan điểm thì đánh dấu đắp nền để nhận, để nhớ làm chỗ sinh phần. Xét đi tính lại, ông nhận thấy, đó là thế đất có phong thủy hướng núi, khá bằng phẳng, hợp phép.
Nghĩ lại lời tiên tri trong giấc mộng, thấy chỗ đất được chọn có con đường ngự chạy dài. Voi, ngựa, cờ, trống bao bọc trước sau, là hình tượng của lâu đài nghi vệ. Mạch đưa đến là dòng nước gấp khúc, cũng là hình bàn và ghế. Nhân mạch ở Đông Bắc (Cấn), lập hướng Đông Nam (Mão), lấy ngôi Tây Bắc (Dậu) làm cửa chùa. Chính ngay ngôi “Mão” là sau vách chùa. “Cái Sa” (Dòng nước) bên phải nhô lên một “Con mộc” (Cồn đất), đưa nước ở phương Tây (Hổ thủy) vào trong lòng đến cung “Thìn” (Đông Nam) đổ về kho. Nếu đem ứng với mộng tiên tri thì đó chính là “Con gái sãi chùa, hỏi mà cưới lấy”.
Khi xem xét mọi chỉ bảo trong giấc mơ lạ với những điều xem xét kỹ lưỡng ở thực tế thì hoàn toàn trùng khớp. Không chần chừ gì nữa, Ngô Thì Nhậm đã xác định được chỗ yên giấc ngàn thu của mình. Sự dày công, cẩn thận được ông gọi là “Vĩnh Định Oanh” (Mộ Vĩnh Định), căn dặn con cháu về sau khi ông mất thì cứ đất đó mà tiến hành an táng.
|
Mộ danh sĩ Ngô Thì Nhậm. |
Và 16 chữ vàng trên tấm “bia thơ”
Thời thế đổi thay, lịch sử nhiều phen đảo lộn, gần 200 năm sau khi Ngô Thì Nhậm đã mồ yên mả đẹp đúng như tâm nguyện khi còn sống, hậu thế họ Ngô đã có dịp cải táng, tu bổ, tôn tạo mộ phần cho Ngô Thì Nhậm về gần khu từ đường họ Ngô Thì, làng Tả Thanh Oai. Như được tổ tiên và bậc danh nhân lớn của đất nước run rủi, giữa hai chiếc tiểu sành đựng hài cốt của ông và vợ nằm song song, người ta tìm thấy một tấm bia đá nhỏ. Theo cách gọi của nhà thơ Trần Lê Văn thì bốn câu thơ đó là để hai ông bà cùng gối đầu ở cõi vĩnh hằng. Lời thơ viết rằng: “Hằng tâm hà sa/ Vãng lai vũ trụ/ Bất đàn bất tử/ Tầm thường li tụ”.