Trước khi nữ sĩ Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh danh “Danh nhân văn hóa” thì thân thế của nữ sĩ sau hơn 200 năm mờ mờ, tỏ tỏ, đã có công trình nghiên cứu làm sáng tỏ. Những góc khuất bí ẩn về quê hương, gia thế, hôn nhân và cả nấm mồ hiện hữu của nữ sĩ, đã được nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng giải mã trong cuốn sách “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương”, đáp ứng được tiêu chí của UNESCO về thân thế của nữ sĩ và thu hút được bạn đọc.
Nhân dịp này VietTimes xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Kim Châu về những bí ẩn thân thế của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
|
Hồ Xuân Hương đã tạo nên một di sản không bao giờ phai mờ. |
Hồ Xuân Hương không phải là huyền thoại
Trong gia tài thi ca của Hồ Xuân Hương, cũng như trong thi đàn văn chương thời ấy, cách đây hơn 200 năm, dưới chế độ phong kiến, chỉ có nữ sĩ là nhà thơ nữ Việt Nam, người đầu tiên dám lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ cho nữ quyền, công lý, qua tác phẩm thi ca. Những kiệt tác của nữ sĩ để lại, không chỉ được tôn vinh trong nước, mà có tầm ảnh hưởng thế giới, đến nay có hơn 10 quốc gia đã dịch và giới thiệu thơ Hồ Xuân Hương.
Mặc dù được nhân dân tôn vinh là“Bà Chúa thơ Nôm”, nhưng đã 250 năm kể từ ngày sinh và 200 năm ngày mất của Hồ Xuân Hương, đến nay số công trình nghiên cứu khoa học về sự nghiệp của nữ sĩ rất nhiều, nhưng công trình nghiên cứu khoa học về thân thế của nữ sĩ lại quá ít. Không chỉ quá ít, mà còn thiếu những dữ liệu cơ bản để làm rõ con người Hồ Xuân Hương là có thật, không phải là huyền thoại. Nữ sĩ có quê quán, gia tộc, tổ tiên, có cha mẹ, có hôn nhân gia đình, có ngày sinh, tháng đẻ, có ngày giờ hết mệnh về thế giới bên kia, còn để lại cuộc đời nấm mồ hiện hữu.
|
Cổng làng Quỳnh Đôi khoa bảng (Ảnh- NTH). |
Cuốn sách “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của tác giả Nghiêm Thị Hằng, do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành tháng 10/2021, đã giải mã được 9 bí ẩn của nữ sĩ, góp phần làm sáng tỏ, đáp ứng được các tiêu chí của UNESCO. Cuốn sách ra đời trước 49 ngày (ngày 23/11/2021) tổ chức UNESCO thế giới vinh danh “Danh nhân văn hóa” nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh và 200 năm ngày mất của Hồ Xuân Hương. Năm 2022 tỉnh Nghệ An quê hương của nữ sĩ sẽ tổ chức đón nhận danh hiệu cao quý cho nữ sĩ.
Trước khi cuốn sách “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” ấn hành thì đa số các học giả cho rằng Hồ Xuân Hương có quê ở Quỳnh Đôi, Hoan Châu-Xứ Nghệ, nhưng vẫn còn không ít học giả cho rằng nữ sĩ chỉ là huyền thoại không có thật.
Vậy Hồ Xuân Hương là con người thật có tổ tiên quê quán hay là huyền thoại như truyện Trạng Lợn, Trạng Quỳnh?
Giải mã bí ẩn này, tác giả Nghiêm Thị Hằng đã về làng Quỳnh Đôi, gặp gỡ các hậu duệ họ Hồ và soi chiếu cuốn Hồ Tông Thế Phả (cuốn gia phả cổ nhất của họ Hồ ở Quỳnh Đôi- Quỳnh Lưu Nghệ An do Tiến sĩ Đông các Đại học sĩ Tham tụng (Tể tướng) Quận Công- Hồ Sĩ Dương (1621-1681) đời thứ 22 của Nguyên tổ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật biên soạn năm 1660 (tức đời thứ 8 họ Hồ ở Quỳnh Đôi).
Theo gia phả họ Hồ Quỳnh Đôi thì đời thứ 22 của Nguyên tổ (tức đời thứ 8 họ Hồ Quỳnh Đôi) có cụ Hồ Sĩ Anh tức Hồ Thế Anh (1618-1684), là tri phủ Kỳ Hoa. Cụ có 5 người con trai là Hồ Thế Viêm (con cả) là ông tổ 4 đời của Vua Quang Trung- Nguyễn Huệ; Hồ Phi Cơ (con thứ 2) là ông Tổ 4 đời của nữ sĩ Hồ Xuân Hương; Hồ Danh Lưu (con thứ 3 chết trẻ); Hồ Phi Tích (con thứ 4) là quận Công, Tể tướng hiện còn hậu duệ đời thứ 18 ở Quỳnh Đôi và Hồ Phi Đoan (con thứ 5) không có con trai nối dõi.
Soi chiếu Hồ Tông Thế phả, Gia phả tộc Hồ Hậu duệ của Hồ Thơm (Vua Quang Trung), theo cây gia phả của Trung chi 2 họ Hồ ở Quỳnh Đôi, minh chứng cụ Hồ Phi Cơ (đời thứ 9) sinh ra Hồ Phi Gia (đời thứ 10); Hồ Phi Gia sinh Hồ Phi Diễn- Hồ Phi Lãng (đời thứ 11); Hồ Phi Diễn sinh Hồ Phi Mai (Hồ Xuân Hương) đời thứ 12.
Như vậy Hồ Xuân Hương là con người thật không phải là huyền thoại, có quê ở làng Quỳnh Đôi khoa bảng, có gia tộc khoa bảng, có anh họ là Nguyễn Huệ -Vua Quang Trung (cùng hậu duệ đời thứ 12 với nữ sĩ). Chấm dứt những ý kiến mơ hồ cho rằng Hồ Xuân Hương chỉ là huyền thoại.
Cha nữ sĩ là Hồ Phi Diễn hay Hồ Sĩ Danh?
Cũng trước khi cuốn sách “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” các nhà nghiên cứu đưa ra 2 giả thiết tranh cãi chưa có hồi kết về người cha của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Đa số các học giả cho rằng Hồ Xuân Hương có cha là cụ đồ Hồ Phi Diễn (1703-1786) quê ở Quỳnh Đôi, mẹ là người đàn bà họ Hà mất năm 1814. Thế nhưng theo Tốn Phong (người viết lời tựa cho tập Lưu Hương ký của Hồ Xuân Hương) thì nàng là em gái quan lớn họ Hồ ở Quỳnh Hậu (tức Hồ Sĩ Đống). Hồ Sĩ Đống có cha là Hồ Sĩ Danh (1706-1780), do đó nữ sĩ phải là con cụ Hồ Sĩ Danh. Các nhà nghiên cứu đương đại Giáo sư Trần Thanh Mại, Giáo sư Trần Văn Trung, Tiến sĩ Đào Thái Tôn, nhà thơ Trần Nhuận Minh, cùng quan điểm cha của nữ sĩ là cụ Hồ Sĩ Danh.
Vậy cha của Hồ Xuân Hương là cụ đồ Hồ Phi Diễn (1703-1786) hay cụ Hồ Sĩ Danh (1706-1783)?
Giải mã bí ẩn này, tác giả đã may mắn hơn một số học giả, nhà nghiên cứu chưa được về Quỳnh Đôi, chưa trò chuyện với hậu duệ họ Hồ, chưa được nghiên cứu về Hồ Tông thế phả, cũng như cây gia phả của Trung chi 2, Trung chi 3 họ Hồ ở Quỳnh Đôi.
|
Nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng bên tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương. |
Việc giải được bí ẩn thứ nhất, Hồ Xuân Hương không phải là huyền thoại. Nữ sĩ có quê quán, tổ tiên được chứng minh qua Hồ Tông thế phả; Gia phả tộc Hồ Hậu duệ của Hồ Thơm (Vua Quang Trung), theo cây gia phả của Trung chi 2 và ý kiến của hậu duệ họ Hồ trên quê hương Quỳnh Đôi. Những chứng cứ này đã chứng minh cụ Hồ Phi Diễn mới chính là cha đẻ của Hồ Xuân Hương. Sau khi vợ chết (không có con) cụ Hồ Phi Diễn -người Trung chi 2 đã dời làng ra kinh thành Thăng Long dạy học ở làng Nghi Tàm. Cụ lấy người đàn bà họ Hà làm kế và sinh ra Hồ Phi Mai (tức Hồ Xuân Hương) ở phường Khán Xuân.
Còn cụ Hồ Sĩ Danh, có 5 người con trai là “Hồ Sĩ Dược con trưởng đỗ Tứ trường thi Hương; Hồ Sĩ Đống đỗ Hội nguyên-Hoàng Giáp làm Tể tướng; Hồ Sĩ Thích đỗ Tam trường; Hồ Sĩ Trù đỗ sinh đồ; Hồ Sĩ Hữu đỗ khoa Liệu sử khả, đời Vua Gia Long được bổ làm tri huyện”. Cụ Hồ Sĩ Danh chỉ ở trong làng không ra ngoài không có vợ thiếp.
Soi chiếu Hồ Tông thế phả, Hồ Xuân Hương thuộc hậu duệ đời thứ 12 Trung chi 2, là chị họ Quận công Hồ Sĩ Đống hậu duệ đời thứ 12 Trung chi 3 họ Hồ ở Quỳnh Đôi.
|
Nhóm nghiên cứu, khảo cứu nữ sĩ Hồ Xuân Hương. |
Giải mã được bí ẩn về người cha của nữ sĩ Hồ Xuân Hương chính là cụ đồ Hồ Phi Diễn, là đóng góp của tác giả Nghiêm Thị Hằng từ nay chấm dứt giả thiết cụ Hô Sĩ Danh là cha của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Không chỉ giải được 2 bí ẩn về con người thật của Hồ Xuân Hương không phải là huyền thoại, cha của bà là cụ đồ Hồ Phi Diễn, tác giả còn tìm được phần mộ cha mẹ nữ sĩ ở nghĩa địa Đồng Táo làng Nghi Tàm, nay nghĩa địa cổ đã chìm trong sóng nước Hồ Tây.
Nhà thơ, nhà báo Nghiệm Thị Hằng từng tâm sự: “Tìm được phần mộ cha mẹ nữ sĩ, do tôi đã đọc được chỉ dẫn từ bài thơ “Vịnh Thanh minh” nữ sĩ viết năm 1815 khi cùng vợ và em gái Tử Minh đi viếng nghĩa địa Đồng Táo. Bài thơ chỉ dẫn: “Dầu dầu hai nấm lẫn vàng xanh/Kìa nấm thâm ân, nọ nấm tình” hai câu thơ này được lý giải, cụ đồ Hồ Phi Diễn dạy học ở làng Nghi Tàm, khi cụ qua đời năm 1786, được chôn cất tại nghĩa địa Đồng Táo của dân làng. Năm 1814 Hồ Xuân Hương dạy học ở làng Nghi Tàm, cuối năm này bà Hà Thị- mẹ của nữ sĩ qua đời, được chôn cất gần mộ chồng ở nghĩa địa Đồng Táo. Ngôi mộ vàng vì cỏ chưa xanh, là mộ của cụ Hà Thị mới chết cuối năm 1814, còn ngôi mộ cỏ xanh, chính là mộ của cụ đồ Hồ Phi Diễn đã chết 29 năm. Đó chính nấm thâm ân và nấm tình, có nghĩa là nấm mộ của cha và mẹ nữ sĩ.
Bí ẩn về quê hương, gia tộc và người cha của nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được giải mã, còn bí ẩn về ngày tháng năm sinh của nữ sĩ, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc .