Theo Daily Mail, hơn 170 năm trước, Đô đốc Anh John Franklin cùng 129 thủy thủ trên 2 con tàu mất tích - HMS Erebus và HMS Terror, đi khám phá Bắc Cực và không bao giờ quay trở lại.
Trong cuộc thám hiểm định mệnh đó, các thành viên thủy thủ đoàn bị mắc kẹt vào năm 1846 ở vùng cực thuộc phía bắc Canada ngày nay.
Con tàu tích trữ một lượng lớn lương thực và nước uống nên thủy thủ đoàn vẫn tồn tại được thêm hai năm trên đảo hoang để chờ tình hình khả quan giúp băng tan, giải phóng tàu.
Năm 2014 và 2016, xác 2 con tàu Erebus và Terror mất tích mới được phát hiện dưới đáy biển sau 170 năm. Manh mối còn sót lại là cảnh tượng thủy thủ đoàn chết với phần miệng “cứng, khô và đen”, theo lời kể của người bản địa Inuit.
Những người bản địa từng nói năm 1853 rằng, đã nhìn thấy hàng chục người da trắng đói rét, ốm yếu đi lại trên băng cho tới khi gục chết vì kiệt sức.
Toàn bộ thành viên thủy thủ đoàn đều chết thảm nhưng cách mà họ đối mặt với cái chết từ lâu vẫn là điều bí ẩn. Nhiều giả thuyết được đưa ra và phổ biến nhất là khả năng các thủy thủ đoàn đã ăn thịt nhau để tồn tại cho đến ngày cuối cùng.
Nghiên cứu mới được công bố do các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Michigan, Mỹ, phần nào hé lộ thời khắc cuối cùng của những người xấu số trên 2 tàu HMS Erebus và HMS Terror.
Giáo sư Russell Taichman, người dẫn đầu nghiên cứu, đã đặc biệt lưu ý đến tình trạng khô miệng và thâm đen của thủy thủ đoàn xấu số. Ông cùng cộng sự Mark MacEachern đã so sánh triệu chứng của các thủy thủ với 1.718 trường hợp bệnh lý ghi nhận.
Ông Taichman hoàn toàn bất ngờ khi nhận ra chứng bệnh Addison, vốn không phải là nguyên nhân gây tử vong, liên tục xuất hiện trong quá trình phân tích.
Bệnh Addison gây ra rối loạn hiếm gặp của tuyến thượng thận, khiến người bệnh không kiểm soát được lượng muối trong cơ thể và có thể bị mất nước.
|
Hai tàu thám hiểm do Đô đốc Anh John Franklin đã không bao giờ có thể quay về.
|
Họ liên tục bị sút cân dù ăn uống đầy đủ. Đây là hai dấu hiệu mà các thành viên thủy thủ đoàn gặp phải do người bản địa Bắc Cực, Inuit quan sát được. Căn bệnh này khiến làn da sẫm màu hơn, lý giải vì sao người Inuit nhìn thấy xác chết có miệng màu đen.
Nếu chỉ chứng minh là các thủy thủ đoàn mắc bệnh thì chưa thể lý giải được cái chết của họ. Theo Daily Mail, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng của bệnh lao trong phần xương của 3 thủy thủ đã chết và được chôn cất tại một hòn đảo gần đó, trước khi hai tàu thám hiểm gặp nạn.
Ngoài ra, các thủy thủ dường như cũng bị ngộ độc chì ở một mức độ nào đó vì sử dụng vật nhọn nhiễm chì để mở đồ hộp và một lượng chì ngấm vào cơ thể qua nước uống.
“Việc thiếu hụt vitamin và nhiễm chì có thể là nguyên nhân khiến các thủy thủ mắc bệnh Addison. Nhưng chúng tôi vẫn cần phải nghiên cứu thêm để xác định chính xác mối liên hệ”, Giáo sư Taichman nói.
Ông Taichman nhấn mạnh: “Việc phát hiện ra dấu hiệu của bệnh lao và bệnh Addison dẫn đến những hiểu biết sâu sắc hơn về một trong những chuyến thám hiểm Bắc Cực bí ẩn nhất thế giới”.
Giáo sư Taichman là người đặc biệt quan tâm đến vùng Cực. Khi còn nhỏ, cha ông thường kể cho con mình nghe những câu chuyện thám hiểm Bắc Cực.
Ông Taichman đã đến Bắc Cực 16 lần trong những chuyến đi bộ dài ngày, thả neo quan sát tảng băng trôi hay cầu hôn vợ.