“Giấc mơ bên kia đại dương” là cuốn tiểu thuyết thú vị và sâu sắc được viết nên dựa trên câu chuyện có thật của nữ tác giả người Trung Quốc: Kelly Yang. Cuốn sách khẳng định một chân lí: dù ở hoàn cảnh nào con người vẫn có thể ước mơ và nỗ lực hết sức biến chúng trở thành sự thật đều là điều đáng quý.
Cô bé Mia Tang 10 tuổi cùng gia đình chuyển sang Mỹ sinh sống với khát vọng đổi đời. Sau một thời gian vất vả tìm việc, cha mẹ cô bé đã tìm được công việc quản lí cho khách sạn nhỏ Calivista ở Anaheim, California có chỗ ở miễn phí của lão quản lí xấu xa Michael Yao. Điều đặc biệt là cô bé Mia được làm việc ở quầy lễ tân với danh nghĩa người quản lí.
|
“Giấc mơ bên kia đại dương” là cuốn tiểu thuyết thú vị và sâu sắc được viết nên dựa trên câu chuyện có thật của nữ tác giả người Trung Quốc: Kelly Yang. Ảnh: Thư viện Hà Nội. |
Thế là, thay vì vui chơi như những đứa trẻ cùng trang lứa cô làm việc chăm chỉ ở quầy lễ tân và trông coi các vị khách. Hàng ngày, ngoài đón tiếp khách hàng và dọn dẹp phòng ốc, gia đình Mia còn giấu những người nhập cư người Hoa ở miễn phí, vốn là những người bạn của cha mẹ cô. Nếu để lão quản lí Yao xấu tính biết được thì gia đình Mia chỉ còn nước bị đuổi.
Cuốn sách “Giấc mơ bên kia đại dương” được viết nên bởi nhiều tình huống đặc biệt bất ngờ và kịch tính. Gần 400 trang của tiểu thuyết xoay quanh những câu chuyện của Mia với những sự kiện, hoàn cảnh, tình thế đặc biệt, chứa đựng những mâu thuẫn, những điều “bất thường” éo le, nghịch lý trong cuộc sống thường ngày.
Trong đó, đặc biệt là ước mơ trở thành nhà văn của cô bé. Mia không giỏi tiếng Anh, cô giáo ở trường cho cô điểm C vì bài luận be bét lỗi chính tả. Rồi mẹ của cô bé nói cô không thể giỏi tiếng Anh như lũ trẻ người bản xứ, cô chỉ là xe đạp còn họ là xe hơi,…Tất cả khiến cô bé hụt hẫng, đã từng lo lắng về bản thân nhưng cô bé đã nỗ lực không ngừng, không từ bỏ ước mơ và theo chúng đến cùng.
“Giấc mơ bên kia đại dương” cũng mang tới thứ tình cảm ấm áp, dễ chịu len lỏi trong tâm hồn người đọc. Người nhập cư phải chịu biết bao nhiêu là thiếu thốn về vật chất và những sức ép về tinh thần. Không nhà, không tiền và nỗi lo thất nghiệp cứ đeo bám, ám ảnh họ với hiện thực nghèo khó.
Nhưng ở họ, luôn có lòng yêu thương, đồng cảm gắn bó, giúp đỡ nhau. Trong sâu thẳm mỗi người, điều tốt đẹp vẫn luôn tồn tại. Tình cảm gia đình, tình bạn và tình yêu thương đồng loại… khiến người đọc xúc động. Đồng thời, cũng ẩn chứa nỗi xót xa, thương cảm tột độ dành cho những kiếp người “bé mọn”, những bất công mà họ phải gánh chịu. Trong đó, có việc bị phân biệt chủng tộc, phân biệt giàu - nghèo.
“Giấc mơ bên kia đại dương” quả thực là một câu chuyện đáng yêu được viết vô cùng mạch lạc, khúc chiết nhưng vẫn chan chứa tình cảm, đẹp tựa một câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
Cuốn sách “Giấc mơ bên kia đại dương” đạt giải thưởng văn học Asian/Pacific American cho thiếu nhi năm 2019 - Giải thưởng văn học Mỹ có đề tài về Châu Á/ Thái Bình Dương và của tác giả người gốc Châu Á/ Thái Bình Dương.
Cuốn sách “Giấc mơ bên kia đại dương” được Ngọc Thư dịch; Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2021.
“…Ba mẹ tôi từng bảo, nước Mỹ sẽ là một nơi hứa hẹn, ở đó gia đình tôi có thể có một căn nhà, một con chó, làm bất cứ việc gì chúng tôi muốn và tha hồ ăn hamburger tới khi mặt mày đỏ lựng.
Cho tới nay, chỉ có món hamburger là khoản duy nhất mà chúng tôi đạt được, nhưng tôi vẫn nuôi hi vọng. Và hamburger ở Mỹ quả là ngon tuyệt…”, những ai đang tuyệt vọng có thể tìm thấy niềm lạc quan, hy vọng từ những trang sách thế này.
Sách đang được phục vụ tại phòng Thiếu nhi, Thư viện Hà Nội.