Dưới thời hoàng đế Quang Trung, Nguyễn Quang Huy là một dũng tướng tài ba và can đảm. Ông được tướng sĩ đương thời tôn vinh là Triệu Tử Long của quân Tây Sơn. Cùng với Nguyễn Huệ, ông đã xông pha nhiều trận chiến và lập được nhiều chiến công to lớn cho nghĩa quân Tây Sơn. Vợ ông cũng là một nữ tướng với tài bắn cung bách phát bách trúng. Về sau, ông cùng vợ mang quân ra giúp Trần Quang Diệu chiếm lại Quy Nhơn. Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, ông đưa vợ con lên núi Dương An dựng nhà, trồng cây trên đỉnh Hòn Ông cho tới khi chết.
Tháng 3 năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Quang Huy bị đại binh Tôn Thất Hội tấn công. Ít quân, cô thế, Quang Huy phải rút quân về Phú Yên, chiếm cứ một vùng hiểm yếu trong dãy Cù Mông đợi dịp lập công chuộc tội. Khi gặp được Lê Văn Hưng, hai bên vui mừng vì tình bạn cũ và nhờ có người tài giỏi giúp sức nên Nguyễn Quang Huy đã đánh chiếm Phú Yên dễ dàng. Sau đó, Lê Văn Hưng để Nguyễn Quang Huy ở lại trấn thủ Phú Yên, rồi kéo quân trở về Phú Xuân.
Tại Phú Xuân, thái sư Bùi Đắc Tuyên dựa vào sự tin cẩn của vua Cảnh Thịnh và quyền thế của Bùi Thái hậu nên ngày càng lộng hành. Lê Văn Hưng vì người đồng châu, tánh tình thật thà, bảo sao nghe vậy, lại không có học, chỉ giỏi việc đánh nhau, không thích bàn chuyện triều chính nên khi về Phú Xuân Lê Văn Hưng được Bùi Đắc Tuyên trọng dụng.
Một hôm, trong buổi lễ mừng sinh nhật của Lê Văn Hưng, một thương gia giàu có tại Phú Xuân đem đến mừng một ca cơ hiệu Ngọc Bích. Lúc đó, Lê Văn Hưng cho là một chuyện hy hữu, vì chẳng những nàng ca cơ kia trùng tên mà dung nhan cũng phảng phất người tình cũ (người nhà họ Dương). Khi ấy, Lê Văn Hưng cầm tay người ca cơ rồi vuốt ve và trông thấy nơi ngón tay đeo nhẫn ở bàn tay trái có vết hằn sâu như vết một chiếc nhẫn. Do đó, tình thương yêu giữa Lê Văn Hưng và người ca cơ kia càng nồng thắm.
Hồi còn trẻ, khi chưa đi làm tướng cướp, Lê Văn Hưng có đến ở nhờ nhà họ Dương trong thôn. Trong khoảng thời gian đó, Lê Văn Hưng đã giao tình với người tớ gái tên là Ngọc Bích. Hưng cũng đã tặng cho Ngọc Bích một chiếc nhẫn vàng và có lời hẹn rằng 5 năm sau sẽ đến cưới. Song, vì mải lo mưu đồ sự nghiệp nên Lê Văn Hưng đã lỗi hẹn. Chờ đến ngày hẹn mà không thấy tình lang trở lại, Ngọc Bích đã nhịn ăn mà chết.
Vì chuyện đó mà trong suốt thời gian trấn thủ ở vùng Diên Khánh, Lê Văn Hưng thường nhớ đến người tình xưa. Có kẻ giỏi thuật thần tiên chiêu hồn Ngọc Bích lên và hồn hẹn Lê Văn Hưng rằng 13 năm sau sẽ đến hầu khăn túi.
Tính tình của Lê Văn Hưng rất trung thực, nhưng dù được thái sư Bùi Đắc Tuyên biệt đãi song càng ngày Lê Văn Hưng càng thấy rõ Bùi Đắc Tuyên là một kẻ đại gian nên ông đã có thái độ phản đối mạnh.
Khi Bùi Đắc Tuyên nhận thấy Lê Văn Hưng không còn là con bù nhìn để mình khuynh loát, sai khiến nữa nên tìm đủ mọi cách để xúc xiểm vua Cảnh Thịnh trừ đi. Với âm mưu ấy, Bùi Đắc Tuyên đã lấy chuyện cũ là lúc Lê Văn Hưng sau khi thắng trận ở Phú Yên đã giao thành cho Nguyễn Quang Huy trấn thủ, rồi tự ý rút quân về Phú Xuân. Vì thế mà Bùi Đắc Tuyên đã khép tội Lê Văn Hưng là không thỉnh mệnh trước, cấu kết với nhau để lập vây cánh và có ý muốn tạo phản. Sau đó, Bùi Đắc Tuyên đã tâu lên nhà vua đòi chém đầu răn chúng.
Vua Cảnh Thịnh nghe lời sàm tấu ấy đã chuẩn y. Lê Văn Hưng đã ung dung nhận lấy cái chết. Chính sự việc này đã dẫn đến việc Võ Văn Dũng từ Bắc Hà về Phú Xuân đã bắt giết cha con Bùi Đắc Tuyên, Bùi Đắc Trụ và Ngô Văn Sở. Từ đó, nội tình nhà Tây Sơn đang rối ren lại càng mau tan rã.
Lời bàn:
Không biết tự bao giờ trong dân gian đã có câu thành ngữ "Gieo nhân nào thì gặt quả nấy" và với Bùi Đắc Tuyên trong giai thoại trên thì quả là không sai. Cũng từ câu thành ngữ trên mà suy ra, với Bùi Đắc Tuyên thì hành vi hãm hại đồng liêu là Lê Văn Hưng phải nhận cái chết oan cũng là lúc Tuyên đã không những tự mình chui vào rọ mà còn kéo theo cả con trai chờ ngày có người thực thi công lý bằng cách dìm cả hai cha con xuống đáy sông Hương. Xem ra cái giá mà Bùi Đắc Tuyên phải trả cho hành vi gian xảo của mình là quá đắt.
Vẫn biết rằng quy luật của tạo hóa, của cuộc đời là vậy, nhưng không hiểu vì sao đến ngày nay vẫn có không ít người cố tình lãng quên cái quy luật của muôn đời ấy. Bởi thế cho nên mới có người ngay cả khi cha mẹ còn sống, nhưng anh em đã tranh nhau chia chác đất đai, nhà cửa, tiền bạc của người sinh ra mình. Chưa hết, lại có chuyện anh em trong một gia đình đã đùn đẩy nhau việc nuôi cha mẹ già. Thật đáng buồn thay, câu nói của người xưa rằng "Giọt trước rơi đâu thì giọt sau rơi đó" vẫn không cảnh tỉnh được lòng tham cũng như sự ích kỷ và hẹp hòi, nhỏ nhen, ti tiện đến bất hiếu của một số người.