Cô Ba Trà- lúc vung tiền vảy như trấu, khi lại nghèo rớt mồng tơi
Cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà), một giai nhân Sài Gòn nổi tiếng những năm đầu thế kỷ 20 với sắc đẹp “tuyệt thế giai nhân”. Nhan sắc của cô Ba từng khiến cánh văn nhân báo chí thời bấy giờ tốn không ít giấy mực.
Nhắc tới cô Ba Trà, không thể không nhắc tới 2 vị công tử nổi tiếng ăn chơi bậc nhất trời nam thời bấy giờ đã bị cô “đốn ngã” là Hắc – Bạch công tử. Ngoài ra bộ sưu tập người tình của cô Ba còn gồm các đại điền chủ, đại công tử như công tử Bích chủ nhà băng Đông Pháp (chi nhánh Cần Thơ), một người dám cho Cô Ba 70 000 đồng trong lúc lúa 2 cắc 1 gia. Chưa kể, những tay trí thức, máu mặt chốn quan trường thời Pháp thuộc cũng “anh hùng khó qua ải mỹ nhân”, như quan toà Trần Văn Tỷ, thầy Kiện Dương Văn Giáo, bác sĩ Lê Quang Trinh, Nguyễn Văn Áng, vua Cờ Bạc chủ các sòng bạc Sài Gòn là Sáu Ngọ…
|
Hình vẽ Cô Ba Trà (nguồn Internet) |
Đẹp đổ quán xiêu đình là thế nhưng cuộc đời của cô Ba cũng lắm lúc “lên voi xuống chó” mấy hồi. Vốn được mệnh danh là nữ hoàng vũ trường, sòng bài tại Sài Gòn, cô Ba có lúc tiền tiêu không xuể. Vung tay quá trán, cuộc đời giai nhân tuyệt sắc rẽ sang bước ngoặt khác và dần đi vào ngõ cụt bởi “nàng tiên nâu” - cái chết trắng. Đến cuối đời cô rơi vào cảnh túng bấn không còn “mồng tơi” để rớt.
Năm 1936, người ta bắt gặp cô Ba Trà làm công ở một tiệm hút tồi tàn trong Chợ Lớn với gương mặt tiều tụy của một bà lão gần 60 tuổi.
2. Marianne Nhị: ăn chơi trác táng cuối đời thành kẻ ăn mày
Với Marianne Nhị (Tư Nhị)- cô em làng chơi hạng sang được cô Ba Trà dìu dắt cũng có thân phận “bảy nổi ba chìm” không kém.
Nổi lên nhờ nhan sắc đậm đà, hoang dã “chết người” Tư Nhị nhanh chóng chiếm trọn trái tim của bao đấng mày râu giới thượng lưu. Mọi thứ đến với Tư Nhị nhanh chóng, chẳng bao lâu vui chơi trong giới nhà giàu cô đã trở thành tình nhân của Fanchini, một trùm giang hồ gốc đảo Corse chuyên buôn thuốc phiện toàn cõi Đông Dương và tậu được một căn biệt thự khang trang ở đường Verdun (tức đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ).
|
Cô Tư Nhị (nguồn Internet) |
Thế nhưng, với nhan sắc trời cho, Marianne Nhị mặc sức thỏa thuê “dắt tình” bao gã tình si. Chỉ một thời gian sau, cô lại "cặp" với công tử Gò Đen và nhiều dân nhà giàu khác. Trong đó phải kể tới chuyện lùm xùm giữa giai nhân với công tử Như Bích, con một đại điền chủ ở Bạc Liêu và một đại gia người Hoa ở Chợ Lớn...
|
Hình ảnh ngôi nhà cô Tư Nhị (nguồn Internet) |
Thói ăn chơi xa hoa đã biến một giai nhân tuyệt sắc tìm đến với bàn đèn thuốc phiện. Đến giữa thập niên 1940, cô Tư Nhị bỗng nhiên biến mất. Có ông Ba Quan, một trong những tay chơi còn gặp lại cô Tư cho hay: Người đẹp giờ đã thành một kẻ ăn mày.
3. Cô Sáu Hương: đẹp như Tây Thi!
Trong số những giai nhân tuyệt sắc của Sài Gòn lúc bấy giờ, ngoài cô Ba Trà, Tư Nhị phải kế đến là cô Sáu Hương được dân phong lưu ca tụng là đẹp như Tây Thi.
Sáu Hương xuất thân từ một gia đình giàu có. Khác với cô Ba Trà và Tư Nhị, tìm đến giới thượng lưu bởi vẻ hào nhoáng, phù phiếm thì cô Sáu Hương chỉ mê tự do bay nhảy. Bởi vậy những tay chơi thời đó dành cho Sáu Hương một sự nể trọng đặc biệt. Cộng với nhan sắc xinh đẹp quyến rũ của một tiểu thư con nhà danh giá, Sáu Hương đã khiến bao chàng trai phải tơ tưởng.
Có nguồn tư liệu ghi rằng, cô Sáu Hương may mắn quen biết với một Pháp kiều già, vốn là quản lý nhà hàng continental nổi tiếng, và được giúp đỡ vốn liếng. Có một giai thoại kể rằng, lúc mới quen Sáu Hương, vì quá mê nhan sắc của cô, nên lão Pháp kiều đã mạnh dạn hứa hẹn sẽ nhượng nhà hàng Continental cho cô Sáu.
Thế nhưng, người tính không bằng trời tính, người tình già bỗng nhiên chết đột ngột. Sự ra đi của lão Pháp kiều giường như chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của Sàu Hương. Cô vẫn giàu có và xinh đẹp. Tuy nhiên, cô Sáu chỉ xuất hiện trên "giang hồ" chừng 10 năm rồi im bặt. Có người nói về sau cô Sáu Hương sống sung túc với người thân ở một ngôi biệt thự gần vùng chợ Bà Chiểu...
*Bài viết tham khảo nhiều nguồn