Đọc "Luận ngữ và bàn tính", thấm triết lý kinh doanh để đời của người Nhật

Google News

Bằng cuốn sách "Luận ngữ và bàn tính" Shibusawa Eiichi đã giúp đổi mới nền kinh doanh nước Nhật bằng một thái độ trung dung, tuyên truyền và phát dương quan điểm kinh doanh phải gắn liền với đạo đức.

"Luận ngữ và bàn tính" - cuốn sách tiêu biểu của Shibusawa Eiichi được xem là sự kết hợp hoàn hảo giữa đạo xử thế và triết lý kinh doanh. Nhắc đến Shibusawa, nhiều người nhận ra ông là cha đẻ của triết lý kinh doanh hiện đại Nhật Bản, được liệt vào trong mười hai người sáng lập nên nước Nhật, đồng thời cũng được tôn vinh là thuỷ tổ của Chủ nghĩa Tư bản Nhật Bản.
Shibusawa Eiichi - "nhà lãnh đạo cao quý và vị tha" đã đặt nền móng cho sự khuếch trương kinh tế thời Minh Trị, kết hợp nhuần nhuyễn giữa luân lý đạo đức vào hoạt động kinh doanh ở đất nước mặt trời mọc.
Doc
"Luận ngữ và bàn tính" được xem là cuốn sách tiêu biểu của   Shibusawa Eiichi. 
Quá nửa cuộc đời mình ông theo đuổi thực nghiệp, sau khi tổng kết lại người ta thấy có đến 500 công ty có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới ông, trong nhiều vai trò khác nhau như giám đốc, chủ tịch, cố vấn, kiểm soát, tư vấn, nhà đầu tư hoặc các chức vụ tương tự. Và những công ty ông từng tham gia đều hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ vận tải đường bộ, đối ngoại, ngân hàng, thương mại và công nghiệp, khai khoáng, gốm sứ, hóa chất, điện lực, bảo hiểm, vận tải đường biển…
Những tôn chỉ suốt cuộc đời ông được thể hiện đủ đầy trong cuốn sách "Luận ngữ và bàn tính". Theo nhận định của giới phân tích, đây là tác phẩm đã khơi gợi nguồn cảm hứng bất tận cho các công ty hàng đầu tại Nhật Bản ngày nay.
Trong đó, Shibusawa Eiichi đã chia sẻ tôn chỉ cho suốt cuộc đời kinh doanh của mình, đó là điều hoà, kết hợp giữa tư tưởng triết lý của Luận ngữ (cuốn sách hàng đầu về tu dưỡng đạo đức và hoàn thiện bản thân của phương Đông) với chiếc Bàn tính (vật dụng không thể thiếu của doanh nhân).
Qua tác phẩm này, Shibusawa đã tuyên truyền thành công quan điểm người trí thức trong thời đại mới không nên coi rẻ tiền bạc, người làm kinh doanh cũng không được quên nhân nghĩa lễ trí tín. Từ đó, tổ chức mới vững bền, công ty mới phát đạt, đất nước được cường thịnh, và trong thành quả của cộng đồng sẽ có lợi ích của cá nhân như một lẽ tất nhiên.
Cũng theo Shibusawa, kinh doanh phải vì sự phồn thịnh của đất nước, không nên chỉ vì sự phú quý của bản thân. Kinh doanh mang lại tiền tài của cải rồi tiền tài của cải đó phải phục vụ cho ý nghĩa nhân sinh, cho các hoạt động công cộng nhằm mang lại lợi ích cho đông đảo quần chúng nhân dân.
Nhận xét về cuộc đời của Shibusawa Eiichi, Peter Drucker - một nhà tư vấn về quản trị kinh tế tư nhân, tác giả của nhiều đầu sách bán chạy về kinh doanh chia sẻ: "Bản thân Shibusawa, trong suốt gần 50 năm, đã hoạt động như một trung tâm phát triển quản trị một cách không chính thức và không được trả công. Ông đã tư vấn và hướng dẫn hàng trăm công chức, doanh nhân và nhà quản trị trẻ. Ông đã tổ chức một cách không mệt mỏi những chương trình đào tạo và câu lạc bộ quản trị, chủ xướng các khóa huấn luyện, hội thảo và nhóm thảo luận đủ các loại hình”.
Shibusawa Eiichi (1840 – 1931) sinh tại quận Hanzawa, đất Musashino (nay là thị trấn Fukaya, tỉnh Saitama), trong một gia đình làm nghề trồng dâu nuôi tằm và chế tạo thuốc nhuộm bằng lá tràm. Năm 1867 Shibusawa từng tháp tùng công tử Tokugawa Akitake, em trai Shogun Yoshinobu, sang dự Hội chợ Paris, có cơ hội được mắt thấy tai nghe về Âu Mỹ. Đến năm 1868 trở về nước, sau đó ông có thời gian ngắn làm việc cho chính phủ Minh Trị. Thế nhưng, nhận thấy tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, người đời và chính phủ còn coi nhẹ thương nghiệp buôn bán, ông quyết tâm từ quan để gia nhập giới thực nghiệp, tìm cách để Nhật Bản trở nên hưng thịnh.
Chân dung của Shibusawa được in trên đồng 1 man (tức 10.000 yên), tờ tiền có mệnh giá cao nhất của Nhật Bản, bộ tiền mới này dự kiến phát hành năm 2024.
Thuỳ Liên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)