Tại sao phải kiêng kỵ ngày Sát chủ?
Theo nghĩa Hán, sát có nghĩa là sát phạt, là chém giết, làm tổn hại tới sức khỏe, thể xác của một người. Còn chủ ở đây chính là chủ thể của hành động như chủ nhân, ông chủ, gia chủ… Như vậy, chúng ta có thể hiểu ngày Sát chủ chính là ngày mang lại thương tích, tổn hại tới chính đối tượng sử dụng ngày đó.
|
Ảnh minh họa. |
Trong phong thủy cho rằng, nếu làm việc lớn vào ngày Sát chủ thì người đó sẽ gặp nhiều bất lợi, gặp tai nạn hao tài, ảnh hưởng đến sức khỏe, gặp nhiều rủi ro… Vì vậy, từ xưa đến nay người ta đặc biệt kiêng kỵ, không bao giờ xây cất, động thổ hay đơn giản chỉ là cúng bái vào ngày Sát chủ.
Ngày Sát chủ được chia thành 2 loại là ngày Sát chủ âm và ngày Sát chủ dương. Ngày Sát chủ âm là ngày không nên làm những việc liên quan tới tâm linh, tín ngưỡng hay những việc liên quan tới người âm như an táng, đào huyệt, xây mộ, đặt bàn thờ, cúng bái… Nếu người nào cúng vào ngày này thì sẽ bị người âm “vùi dập”, không ngóc đầu lên nổi, liên tiếp gặp tai họa.
Đặc biệt, năm nay ngày Sát chủ rơi vào ngày 9/1 âm lịch tức là ngày 13/2 dương lịch. Đây là ngày mà mọi người thường dùng để cúng bái lễ đầu năm vì đó cũng là ngày mở cổng trời. Tuy nhiên, chuyên gia phong thủy khuyên mọi người năm nay đặc biệt tránh ngày này để không phạm người âm, bị “ám” cả năm.
Ngày Sát chủ dương được hiểu là ngày không nên tiến hành những việc trên dương thế. Bởi, nó sẽ gây hại tới người tiến hành. Phong thủy học còn cho rằng, nếu vào ngày này mà có ý định hãm hại người khác thì sẽ gặp “gậy ông đập lưng ông”. Ngày Sát chủ dương còn đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp, gia đạo, sức khỏe và tài vận của một người.
Ngày Sát Chủ Âm gồm những ngày nào?
Có bài thơ như sau:
Giêng rắn, hai chuột, ba dê nằm
Bốn mèo, sáu chó, khỉ tháng năm
Bẩy heo, chín ngựa, tám Sửu
Một (11) cọp, mười gà, Chạp rồng xân
Một bài bằng Hán văn như sau:
Nhất Tị, Nhì Tý, Tam Dương vị
Tứ Mão, ngũ hầu, lục Khuyển quy
Thất trư, bát ngưu, cửu mã phi
Thập kê, thập nhất hổ, thập nhị long
Nghĩa là:
Ngày Sát Chủ âm tháng 1: ngày Tị
Ngày Sát Chủ âm tháng 2: ngày Tý
Ngày Sát Chủ âm tháng 3: ngày Mùi
Ngày Sát Chủ âm tháng 4: ngày Mão
Ngày Sát Chủ âm tháng 5: ngày Thân
Ngày Sát Chủ âm tháng 6: ngày Tuất
Ngày phạm Sát Chủ âm tháng 7: ngày Hợi
Ngày phạm Sát Chủ âm tháng 8: ngày Sửu
Ngày phạm Sát Chủ âm tháng 9: ngày Ngọ
Ngày phạm Sát Chủ âm tháng 10: ngày Dậu
Ngày phạm Sát Chủ âm tháng 11: ngày Dần
Ngày phạm Sát Chủ âm tháng 12: ngày Thìn
Đó là những ngày Sát chủ âm. Như vậy ngày Sát chủ âm được tính theo tháng âm và chi ngày
Theo như những tài liệu ghi chép cụ thể và rõ ràng, những ngày Sát chủ âm thường rất bất lợi đối với những công việc liên quan đến góc độ tâm linh, an táng, tế tự. Ngoài ra những hoạt động khác nó thường không ảnh hưởng nặng nề. Chính vì lẽ đó, khi chọn ngày cần phụ thuộc vào công việc dự định tiến hành. Đây cũng là phương pháp chọn ngày theo nguyên tắc chung. Nhiều người giỏi các môn dự đoán như Kỳ môn độn giáp, Mai hoa dịch số, Lục nhâm, Tứ trụ, Tử vi đẩu số họ dùng phương pháp chọn ngày căn cứ vào gieo quẻ, thời điểm động tâm hay các yếu tố giờ sinh, ngày tháng năm sinh và giới tính để tìm ra tính chất hỷ kỵ trong ngũ hành mà chọn ngày (môn tứ trụ), hoặc dùng nguyệt hạn, nhật hạn để chọn ngày cát lợi nhất khi tiến hành các công việc đại sự (môn Tử vi đẩu số). Cách chọn ngày nay dựa vào đặc điểm nhân mệnh của người có nhu cầu cần chọn và mục đích tính chất công việc.
* Bài viết chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!