Cuối tháng 3/1993, một người nông dân ở tỉnh Hà Bắc trong lúc ra đồng tưới nước cho thửa ruộng nhà mình đã phát hiện ruộng bị sụt lún một mảng lớn. Cảnh tượng khiến người này vô cùng kinh ngạc, lập tức báo cáo cho chính quyền tỉnh Hà Bắc.
Khi bộ phận quản lý di tích văn hóa địa phương trực tiếp chứng kiến sự việc, họ cho rằng nguyên nhân đất lún sâu là do bên dưới ruộng có hố lớn, nhiều khả năng là một ngôi mộ cổ. Phòng di tích văn hóa lập tức cử đoàn khảo cổ đến địa điểm khoan thăm dò và xác định được vị trí ngôi mộ bên dưới.
Trong tình huống thông thường, các đội khảo cổ dù tìm được mộ những sẽ không tùy tiện khai quật vì đôi khi điều kiện khoa học kỹ thuật không đủ đáp ứng để bảo toàn nguyên vẹn cổ vật. Tuy nhiên, ngôi mộ này cần được xử lý ngay bởi những cơn mưa lớn liên tiếp gần đây đã khiến mộ bắt đầu chìm xuống.
Khi đào khu đất lên, đội khảo cổ liên tiếp tìm thấy 10 phần mộ cổ. Theo thông tin từ những tấm văn bia, đây là nơi an táng tập thể của dòng họ Trương quyền lực nổi tiếng trong vùng dưới thời nhà Liêu (907 - 1125). Tính đến thời điểm khai quật, những di vật trong lăng đã gần 1.000 năm tuổi.
Trong 10 phần mộ được tìm thấy, đáng chú ý nhất chính là lăng mộ vợ chồng địa chủ có tên Trương Văn Tảo.
Từ trên mặt đất, lăng mộ xẻ xuống một đường thang dốc 11 bậc, dẫn vào cổng mộ cao 3.68m với kết cấu giả gỗ, xây theo kiểu vòm cuốn.
Cổng mộ được sơn màu đỏ, vẽ thêm nhiều họa tiết mây bay và hoa sen triền chi (hoa với dây leo) vô cùng tinh xảo. Lăng mộ có 2 gian phòng, tổng diện tích khoảng 40m vuông, theo dữ liệu từ Sohu.
|
Cổng vào lăng mộ có hình vòm cuốn. Ảnh: Sohu.
|
Khi các nhà khảo cổ bước xuống cầu thang, cổng mổ vẫn đang được khóa kín chứng tỏ ngôi mộ này chưa từng có ai xâm phạm. Đằng sau cánh cổng, đội khảo cổ đã tìm thấy cả một thế giới đầy sắc màu của những bức tranh tường - những bức tranh khắc họa cuộc sống gia đình chủ mộ.
Bức họa đầu tiên nằm ngay sau cửa, vẽ hai người canh gác, những người này để kiểu tóc đặc trưng của dân tộc Khiết Đan - cạo sạch tóc chỉ để lại phần mái.
|
Bức tranh người gác cổng. Ảnh: Sohu.
|
Đi tiếp vài bước vào gian phòng đầu tiên (với chiều rộng 3m vuông, trần cao 2,4m) người ta tìm thấy một kiệt tác hội họa trên ngay trần nhà. Đây là dạng trần hình mạng nhện (trần Caisson) đặc trưng trong kiến trúc Đông Á. Cụ thể trong lăng mộ này, bức tranh trần diễn tả một bầu trời có vầng thái dương và 28 vì tinh tú.
|
Lăng mộ được trang trí vô cùng tinh xảo. Ảnh: Sohu.
|
Bức tường phía đông của căn phòng vẽ một gia đình với một người phụ nữ và bảy đứa trẻ đang chơi đùa. Bức tường phía tây lại vẽ cảnh một ban nhạc chơi trong bữa đại tiệc nào đó. Các nhân vật trong tranh có đường nét uyển chuyển, màu sắc tươi tắn khiến người xem cảm thấy rất vui tươi.
Lăng mộ này rõ ràng là của người quyền quý nhưng không có đồ tùy táng giá trị, cũng không tìm thấy thi thể chủ mộ mà lại bày một bàn đầy ắp thức ăn? Đây là tập tục mai táng gì vậy?
Trên bàn tiệc, người ta tìm thấy một chùm nho, vài quả đào, quả lê, hạt dẻ và các loại bánh.
Tất cả trái cây đều đã bị phân hủy chỉ còn lớp vỏ ngoài, riêng bát hạt dẻ vẫn còn nguyên vẹn. Bàn ăn không có món thịt, chỉ toàn là đồ chay.
Theo các nhà khảo cổ, có khả năng bàn ăn này là những món ăn yêu thích của chủ nhân ngôi mộ, được gia đình chôn theo để người ở thế giới bên kia được tiếp tục thưởng thức chứ không tuân theo một chuẩn mực mai táng nào cả!
|
Cảnh tượng bàn tiệc được bày biện trong lăng mộ khiến ai cũng phải giật mình. Ảnh: Sohu.
|
|
Nhìn qua bàn ăn này trông giống như vừa mới bị bỏ lại, không ai ngờ nó đã ở đây 1.000 năm. Ảnh: Sohu.
|
|
Hạt dẻ được đặt trong bát rồng sơn son thiếp vàng. Ảnh: Sohu.
|
Tìm kiếm ở gian phòng cuối này, đội khảo cổ đã phát hiện ra một hòm chứa để hũ tro cốt của chủ mộ và người vợ. Kết hợp với văn bia, các nhà khảo cổ có thể biết, Trương Văn Tảo thuở sinh thời sống trong giàu sang nhưng rất giản dị, thương người.
Sau 30 tuổi, Trương Văn Tảo từ bỏ rượu chè, tránh xa nhục dục, chăm chỉ làm việc và quan tâm giúp đỡ làng xóm. Ông qua đời ở tuổi 46 (năm 1074) và được hợp táng cùng vợ là bà Giả Thị - bà qua đời 20 năm sau chồng.
10 nghĩa trang xung quanh đều là thành viên của dòng họ Trương, điều này cho thấy sự thịnh vượng của dòng họ thời bấy giờ. Cũng có thể thấy rằng người dân địa phương rất coi trọng tín ngưỡng và đã có tập tục hỏa táng từ lâu.