Gia Cát Lượng (181 - 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, và cũng là một nhà phát minh của Thục Hán thời Tam quốc. Ông là người có công lớn trong việc hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong hàng chục năm.
Tạo hình Gia Cát Lượng trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010. Ảnh: Sohu
Tháng 8/234, Gia Cát Lượng sinh bệnh nặng. Hoàng đế Thục Hán là Lưu Thiện phái Thượng thư Lý Phúc, ngày đêm phóng đến tiền tuyến gò Ngũ Trượng thăm hỏi bệnh tình của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng nằm trên giường bệnh dặn dò Lý Phúc, trước mắt sự nghiệp bắc phạt chưa thành công, hy vọng đại thần triều đình vẫn một lòng như cũ, tận tâm phò tá Lưu Thiện, kế tục hoàn thành sự nghiệp phục hưng nhà Hán mà mình chưa hoàn thành được.
Lại yêu cầu Lý Phúc chuyển lời cho hoàng đế, sau khi ông mất không cần đưa về Thành Đô cử hành quốc tang, để tránh lãng phí phô trương, cứ an táng ở núi Định Quân tại tiền tuyến là được, để tượng trưng chí hướng "da ngựa bọc thây chết ở sa trường".
Ông cũng để lại lời cuối, nói rằng nghi thức tang lễ phải thật đơn giản, lấy núi làm mộ, có thể dùng quan tài loại thường cũng được, khi liệm chỉ cần dùng quần áo bình thường, không chôn theo vật quý. Lý Phúc tất thảy đều ghi nhớ lời của Gia Cát Lượng, liền mau chóng trở về Thành Đô báo cáo lại với Lưu Thiện.
Cuối tháng 8/234, Gia Cát Lượng bệnh mất ngay trong chiến dịch Bắc Phạt lần thứ 6, thọ 54 tuổi. Hậu chủ Lưu Thiện nghe tin Gia Cát Lượng đã mất, đau đớn khóc lóc không thôi, lại xuống chiếu truy tặng ấn thụ Vũ Hương hầu, cùng dựa vào phẩm đức và công tích của Gia Cát Lượng lúc sống, đặt tên Thụy là Trung Vũ hầu
Ông được chôn tại ngọn núi Định Quân ở vùng Hán Trung theo đúng di nguyện. Mộ phần tựa vào núi, chỉ đủ chứa quan tài, liệm bằng quần áo bình thường, không chôn theo tài sản gì.
Gia Cát Lượng việc chọn nơi chôn cất và cách an táng đơn giản, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Ảnh: Sohu
Vì sao Gia Cát Lượng lại chọn núi Định Quân mà không chọn mang hẳn về kinh đô nước Thục, và an táng theo hình thức quốc tang?
Vấn đề này có nhiều giải thích khác nhau. Có người nói Gia Cát Lượng chọn núi Định Quân là vì quan niệm khi sống thì quản lý nước Thục, khi chết thì bảo vệ nước Thục.
Một thuyết khác lại nói rằng, do việc Bắc phạt thất bại nên Gia Cát Lượng không muốn đưa xác mình về chôn tại kinh đô, sợ bị Lưu Thiện trả thù. Tuy nhiên, có lẽ nguyên nhân thuyết phục nhất vẫn là Gia Cát Lượng đã tính toán rất kỹ về phong thủy khi lựa chọn ngọn núi Định Quân này.
Núi Định Quân là một nhánh đâm theo hướng Tây Bắc của dãy Hệ Mỹ Thương. Địa hình núi rất phức tạp, các sườn núi uốn lượn, nhấp nhô, trên đỉnh núi rất bằng phẳng, có thể đóng được cả vạn quân nên được coi là một nơi cực tốt về mặt phong thủy.
Đền thờ Khổng Minh ở Thiểm Tây. Ảnh: Sohu
Thời kỳ Tam quốc là thời kỳ "mộ tặc" cực kỳ lộng hành. Vì vậy, ngoài việc chọn phong thủy cho ngôi mộ, việc đầu tiên cần nghiên cứu đối với các nhà phong thủy chính là làm cách nào để chống lại bọn "mộ tặc" này.
Gia Cát Lượng khi chọn mộ cũng đã nghĩ đến việc sẽ bị Tư Mã Ý hoặc những người đời sau đào và cướp mộ vì vậy đã yêu cầu tướng lĩnh dưới quyền không chôn theo các vật tùy táng, mộ huyệt cũng không cần đào lớn, chỉ vừa đủ để đặt quan tài là được. Khu vực đặt mộ cũng không cần xây kín, cũng không trồng cây đánh dấu hay làm bất cứ thứ gì có thể bị phát hiện.
Tuy nhiên, những người đời sau để tưởng nhớ công đức của Gia Cát Lượng đã quyết định xây dựng khu mộ cho ông, lại còn trồng cây để ghi nhớ vị trí đặt mộ. Tuy nhiên, khi quyết định làm điều này, họ cũng tính đến việc giúp ngôi mộ chống lại bọn "mộ tặc". Vì vậy họ đã xây dựng rất nhiều ngôi mộ giả xung quanh ngôi mộ thật.
Một ngôi mộ của Không Minh ở Thiểm Tây. Ảnh: Sohu
Ngôi mộ mà ngay nay người ta vẫn gọi là "mộ thật của Gia Cát Vũ Hầu" thực tế không phải là mộ thật. Nhiều người cho rằng, ngôi mộ chỉ vẻn vẹn dòng chữ "mộ Vũ Hầu" mới là mộ thật. Nên mới có câu tục ngữ: "Mộ thật thì không thật mà mộ giả lại không giả".
Trên thực tế, nhiều chuyên gia lại cho rằng, ngay cả ngôi mộ có tên "mộ Vũ Hầu" được đặt ở góc Tây Bắc của núi Định Quân, diện tích lên tới hơn 300 mẫu cũng không phải là thực.
Hiện tại, người ta vẫn chưa thể xác định được mộ thật của Gia Cát Lượng nằm ở đâu.