Sinh thời, Lưu Bá Ôn từng là có công giúp Chu Nguyên Chương dựng nên đế nghiệp, cũng là vị "đệ nhất mưu sĩ" của Minh triều trong những năm đầu thành lập.
Vậy nhưng, vị khai quốc công thần ấy lại dễ dàng bị "thất sủng" chỉ vì một câu nói trước mắt Hoàng đế, thậm chí còn phải nhận lấy kết cục bị gian thần hại chết.
Người xưa có câu: "khôn ba năm, dại một giờ", liệu câu nói "trót dại" nào của vị mưu sĩ cơ trí ấy đã đẩy ông vào cửa tử một cách đáng tiếc như vậy?
Tranh đấu nội bộ - chuyện "cơm bữa" của triều đình Đại Minh
Sau khi giải quyết xong vấn đề Bắc Nguyên, Chu Nguyên Chương dốc lòng chăm lo dân sinh, thu được nhiều thành quả. Tuy nhiên, nội bộ triều đình lúc bấy giờ lại xảy ra những cuộc tranh đấu ngày càng kịch liệt.
Quần thần trong triều thi nhau "đầu quân" cho hai phe cánh lớn mạnh nhất lúc đó. Phe thứ nhất do Lý Thiện Trường cầm đầu, có tên Hoài Tây phái. Phe còn lại là Chiết Giang phái do Lưu Bá Ôn đại diện.
Cũng là một trong những khai quốc công thần của nhà Minh, Lý Thiện Trường khi ấy là người rất có "máu mặt" trong triều.
Nếu Lưu Bá Ôn được ví như Trương Lương thời nhà Hán, thì họ Lý kia chính là Tiêu Hà. (Trương Lương, Tiêu Hà và Hàn Tín được mệnh danh là "Tam kiệt nhà Hán).
Sau khi Minh triều được thành lập, Chu Nguyên Chương vẫn luôn khắc cốt ghi tâm công lao của đại thần họ Lý này, liền phong cho ông làm Thừa tướng.
Ít ai biết rằng, Lý Thiện Trường bề ngoài luôn tỏ vẻ khoan dung độ lượng, nhưng bên trong chính là kẻ "miệng nam mô, bụng một bồ dao găm". Nếu có ai đắc tội với vị ông ta, ắt sẽ bị dồn vào đường chết.
Nhưng một đối thủ như Lưu Bá Ôn không phải là người có thể để Lý Thiện Trường dễ dàng dồn vào cửa tử.
Đối với việc tranh đấu của hai phe cánh này, Chu Nguyên Chương cũng mắt nhắm mắt mở cho qua, một mặt ngồi giữa hưởng lợi, mặt khác lại lấy việc xem quần thần "diễn trò" làm thú vui.
Sau này, Lý Thiện Trường được phong làm Hàn Quốc công, tương đương với hàng "Công tước". Trong khi đó, "đệ nhất mưu sĩ" như Lưu Bá Ôn lại chỉ được thăng tới hàng "Bá tước".
Chu Nguyên Chương không phải ngẫu nhiên phong cho Lý Thiện Trường cấp bậc như vậy. Thân làm Hoàng đế, ông rất coi trọng gốc gác nơi quê cha đất tổ.
Lý Thiện Trường vừa là đồng hương, lại dốc lòng làm việc, không tỏ vẻ cao ngạo, hiển nhiên được vua trọng dụng.
Trong khi đó, Lưu Bá Ôn lại có phần phách lối, nhiều lần tỏ ra "thông minh hơn Hoàng đế". Điều này khiến một vị Hoàng đế tự ti về xuất thân áo vải như Chu Nguyên Chương không được an tâm.
Vào năm Hồng Vũ thứ nhất, thân tín của Lý Thiện Trường là phạm pháp, bị Lưu Bá Ôn bắt được. Khi ấy, Chu Nguyên Chương không ở kinh thành, họ Lý nhân cơ hộ đó ra mặt bào chữa cho thuộc hạ, nhưng Lưu Bá Ôn không để vào mắt, thẳng tay đem việc này tâu lên Hoàng đế.
Chu Nguyên Chương hạ lệnh xử tử kẻ thuộc hạ kia. Lý Thiện Trường nhiều lần muốn chạy chữa cho thuộc hạ, nhưng bị Lưu Bá Ôn cản trở liên tục.
Sau khi Hoàng đế hồi kinh, Lý Thiện Trường vì muốn trả thù nên xúi giục nhiều người công kích Lưu Bá Ôn. Chu Nguyên Chương cũng hiểu được phần nào, nên không làm khó vị mưu sĩ họ Lưu này.
Trước tình thế ấy, Lưu Bá Ôn "lấy lùi làm tiến", xin về quê dưỡng lão. Thực chất, sự rút lui của ông có mục đích "lót đường" cho thuộc hạ. Sau khi Lưu Bá Ôn về quê, thân tín là Dương Hiến nhanh chóng tiếp nhận chức Ngự sử do ông để lại.
Sinh thời, Dương Hiến là người thông minh trác việt, ngấm ngầm thu thập nhiều "tài liệu đen" của Lý Thiện Trường dâng lên cho Chu Nguyên Chương. Lúc đầu, Hoàng đế không tin, cho rằng đây là chiêu bài tranh đấu của quan lại.
Nhưng bản tính đa nghi của Chu Nguyên Chương đã trở nên "thâm căn cố đế", nên Lý Thiện Trường dần dần mất đi tín nhiệm. Tháng 11 năm đó, Chu Nguyên Chương triệu Lưu Bá Ôn hồi kinh. Từ đây, phái Chiết Giang chiếm thế thượng phong trong triều.
Cảm thấy tình thế ngày càng bất lợi, Lý Thiện Trường quyết định học theo chiêu cũ của Lưu Bá Ôn, tìm người thay thế cho mình. Kẻ được chọn chính là Hồ Duy Dung.
Lúc bấy giờ, họ Hồ vốn không phải là một người có vai vế. Mặc dù theo phò Chu Nguyên Chương từ rất sớm, nhưng Hồ Duy Dung vẫn chưa có cơ hội gây dựng thanh thế trong triều.
Được Lý Thiện Trường tiến cử, Hồ Duy Dung quả là "một bước lên trời", nhanh chóng trở thành người cầm đấu phái Hoài Tây.
Có câu "người tính không bằng trời tính", không ai ngờ rằng, sau khi phái Hoài Tây bị "thất sủng" vì Lý Thiện Trường, đến cả Lưu Bá Ôn cũng bắt đầu bị Hoàng đế "sờ gáy".
Cả đời mưu sĩ lại vong mạng chỉ vì một câu nói
Sau khi Lý Thiện Trường xin từ quan cáo lão, vị Hoàng đế giảo hoạt Chu Nguyên Chương liền tìm Lưu Bá Ôn "trò chuyện". Nhắc tới vấn đề Thừa tướng, Chu Nguyên Chương nghiêm mặt hỏi: "Nếu tìm người thay thế Lý Thiện Trường, khanh thấy ai thích hợp làm Thừa tướng?"
Thân là một cơ sĩ, Lưu Bá Ôn hiển nhiên biết được "cái bẫy" do Chu Nguyên Chương đặt ra, liền kính cẩn đáp lại: "Việc này do Hoàng thượng quyết định!".
Chu Nguyên Chương ậm ừ một tiếng, giọng điệu cũng rất hòa hoãn, hỏi tiếp: "Ngươi thấy Dương Hiến thế nào?".
Dương Hiến do một tay Lưu Bá Ôn dìu dắt, nếu ông tiến cử Dương hiến, há chẳng phải bị Hoàng đế nghi ngờ có mưu đồ bất chính hay sao? Lưu Bá Ôn nhìn thấu chiêu "thử lòng" của Hoàng đế, tiếp tục nói:
"Dương Hiến tạm được, có năng lực làm Thừa tướng, nhưng không có khí chất của Thừa tướng. Người làm chức này phải có tâm rộng như sông, hành sự vì nghĩa lý, đặt mình vào hoàn cảnh mà suy xét. Dương Hiến không có lòng độ lượng như vậy".
Chu Nguyên Chương không hổ là cáo già, hỏi tiếp: "Uông Quảng Dương thế nào?"
Lại nói về Uông Quảng Dương, vị đại thần này vốn không phải là người của phái Hoài Tây, nhưng Chu Nguyên Chương luôn nghi ngờ ông ta cấu kết với Lưu Bá Ôn. Nói tới đây, Lưu Bá Ôn thẳng thắn phê bình: "Người nông cạn, không đảm đương nổi chức Thừa tướng!".
Chu Nguyên Chương lại ậm ừ, rồi vờ như đột nhiên nhớ ra: "Còn Hồ Duy Dung thì sao?".
Hồ Duy Dung là thân tín của kẻ tử thù Lý Thiện Trường, Lưu Bá Ôn hiển nhiên không thể ủng hộ. Ông đáp: "Hồ Duy Dung giống như con trâu còn non, tương lai nhất định sẽ tìm cách giãy khỏi cái cày đeo trên mình, chỉ sợ khó có thể khống chế!".
Chu Nguyên Chương giả bộ thở giải, nói rằng: "Xem ra, chức vị Thừa tướng của trẫm chỉ có thể để cho khanh đảm nhiệm!".
Lưu Bá Ôn trong lòng có phần vui mừng, nhưng cũng không thể từ chối thẳng thừng vì sợ mất đi sự tín nhiệm của Hoàng đế.
Lúc bấy giờ, Chu Nguyên Chương không còn tín nhiệm Lý Thiện Trường, Lưu Bá Ôn tin rằng chức vị ấy rất có thể sẽ rớt xuống đầu mình, liền giãi bày: "Thần biết bản thân có thể làm được, nhưng con người của thần coi kẻ ác như kẻ thù, mong Hoàng thượng cân nhắc!".
Câu nói của Lưu Bá Ôn có ý bày tỏ: Bản thân ông ghét cay đắng những kẻ xấu, tính tình thiên lệch, nóng nảy, khi hành sự sẽ thiếu bình tĩnh, khéo léo, e rằng không xứng đáng với ân điển của Hoàng thượng.
Tiếc rằng, một người xuất thân áo vải, lại có bản tính tự ti, đa nghi như Chu Nguyên Chương không nhìn ra điều đó.
Vị Hoàng đế họ Chu này lại cho rằng Lưu Bá Ôn cao ngạo tự nhận mình có tài, lại nói bản thân khinh ghét "kẻ ác". Vậy "kẻ ác" ở đây là chỉ ai? Hay đó là ngụ ý ám chỉ người có xuất thân ăn mày, đạo tặc, hòa thượng như chính Chu Nguyên Chương?
Bởi vậy, Hoàng đế nghe xong, trong lòng thập phần không vui. Từ đó về sau, Chu Nguyên Chương nhanh chóng thay đổi thái độ đối với vị mưu sĩ theo mình từ thuở hàn vi này.
Chết bởi tay gian thần hay vì sự bạc bẽo của quân vương?
Năm Hồng Vũ thứ 3, Chu Nguyên Chương nói với Lưu Bá Ôn: "Khanh tuổi cũng đã cao, nên về nhà cưới vợ, sinh con, không cần vì theo ta mà phải lẻ loi mãi!" Câu nói này bề ngoài là quan tâm, nhưng rõ ràng muốn "tống cổ" vị đại thần ấy ra khỏi triều đình.
Vậy nhưng, "vua nói bề tôi phải chết, bề tôi không thể không chết", Lưu Bá Ôn đành bất đắc dĩ "cáo lão về quê". Từ đây, thế lực của phái Chiết Giang ngày càng sa sút, thậm chí nhanh chóng lụn bại. Ngay tới nhân tài như Dương Hiến cũng vong mạng trong tay Hồ Duy Dung.
Họ Hồ kia muốn "diệt cỏ tận gốc", đối với lão thần đã an phận ở quê nhà như Lưu Bá Ôn cũng không buông tha. Kẻ gian thần này thêu dệt việc Bá Ôn xây mộ địa tại Đạm Dương để lợi dụng "vương khí", sau đó tấu lên nhà vua.
Chu Nguyên Chương lấy cớ ấy xử phạt Lưu Bá Ôn, khấu trừ tiền lương hưu của ông. Lưu Bá Ôn đành phải trở về kinh thành.
Kỳ thực, lần trở về này của ông một mặt để tránh vì Hoàng đế nghi ngờ mà mang họa sát thân, mặt khác lại nhằm kiểm soát Hồ Duy Dung, tránh kẻ tiểu nhân ấy dựng chuyện xằng bậy.
Năm Hồng Vũ thứ 8, Lưu Bá Ôn ngã bệnh. Chu Nguyên Chương đặc phái Hồ Duy Dung tới thăm. Hồ Duy Dung mang theo thầy thuốc "giúp" Lưu Bá Ôn kê đơn, uống thuốc. Một thời gian sau, Lưu Bá Ôn vì bệnh tình trở nặng mà qua đời.
Lúc bấy giờ, thiên hạ đều tin rằng gian thần Hồ Duy Dung cố tình hạ độc hại chết vị mưu sĩ ấy. Sau khi Hồ Duy Dung "rớt đài" vì tội mưu phản, tên thầy thuốc năm xưa cũng thừa nhận rằng họ Hồ này đã sai mình hại chết Lưu Bá Ôn.
Nhưng một nhân vật lão thần như vị mưu sĩ họ Lưu ấy, Hồ Duy Dung đâu phải muốn hại là dễ dàng hại được? Điều mấu chốt nằm ở chỗ, cuộc thanh trừng này đã được Chu Nguyên Chương ngầm đồng ý.
Bởi vậy, dù nói thế nào, Chu Nguyên Chương vẫn phải chịu một phần trách nhiệm đối với cái chết của vị mưu sĩ họ Lưu này.