Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh. Với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới, vào đêm 30, sau khoảnh khắc giao thừa vừa đến hoặc sang năm mới, mọi người lại rủ nhau đi lễ chùa, hái lộc cầu may.
Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyên, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.
Trong dịp đầu năm, nhiều bà bầu mong muốn đi lễ chùa để cầu may mắn bình yên, nhưng cũng có nhiều ý kiến khuyên họ không nên xuất hiện ở những nơi này. PV Emdep đã có cuộc trao đổi với chuyên gia phong thủy nổi tiếng Nguyễn Cung Hà - (Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người).
|
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Cung Hà. |
Ông Hà cho biết: “Theo quan niệm từ xa xưa, chùa chiền là chốn khí âm vượng, người mang thai dễ bị hấp thu, đứa trẻ trong bụng dễ dẫn đến sự mất cân cằng, sinh ra dễ bị sài đẹn. Cùng với đó, theo duy tâm, chùa là nơi mọi người thường gửi vong lên, nên bà bầu dễ bị những vong hồn xâm nhập, đứa trẻ sinh ra có thể mắc trầm cảm, tự kỉ, mất vía”.
Chuyên gia phong thủy nổi tiếng này còn nhấn mạnh, mùa xuân khí âm vượng, khí dương chưa tăng trưởng, bà bầu đến đền chùa thường dễ bị sinh ra những bệnh sản hậu. Vì thế, Ông Nguyễn Cung Hà khuyên các bà bầu: “Tốt nhất khi mang thai không nên đi lễ chùa đầu năm. Nếu có đi, thì nhớ mang theo mấy quả chuối xanh để bảo vệ thai nhi. Nhìn chung, các cụ xưa có câu “chửa cửa mả”, thế nên các bà bầu nên tránh đến những nơi đông đúc như đền chùa, lễ hội dịp đầu xuân vì đông đúc, chen lấn, dễ gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con”.
|
Chen lấn ở những nơi đông đúc như lễ hồi, đền chùa dễ gây nguy hiểm cho các bà bầu. |
Đặc biệt, trong 3 tháng đầu do bánh nhau chưa thành lập nên rất dễ có hiện tượng động thai, sảy thai… Cơ thể chưa nặng nề nhưng không thích hợp cho đi lễ chùa xa. Các yếu tố như nghén, buồn ngủ, mỏi mệt cũng ảnh hưởng đến việc đi lại… Ông Hà nhấn mạnh việc lễ chùa là ở trong tâm, nên cách tốt nhất để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông là chăm sóc sức khỏe, chứ không phải phụ thuộc vào việc thờ cúng.