Truyền thống của người Việt trong cúng bái là bên cạnh mâm cơm, bát hương, chén nước, lúc nào cũng phải có một bình hoa đẹp. Nhưng không phải hoa nào cũng có thể cúng lễ.
Tùy theo quan niệm của từng vùng mà có những điều kiêng kị khác nhau khi chọn hoa dâng lên ban thờ nhưng nhìn chung có một số loại hoa được cho là phù hợp để thờ cúng, một số loại hoa lại được kiêng kị vì tên hoa, sự tích loài hoa hoặc mùi hương của loài hoa ấy không mang ý nghĩa tốt lành.
Cúng hoa trên bàn thờ cần chú ý những gì?
Các nhà tâm linh cho rằng, không nên dùng hoa nhựa, hoa giả để dâng cúng trên bàn thờ vì kém trang nhã, tươi mát. Hoa cúng cũng biểu hiện tấm lòng, do đó không nên dùng lễ giả để biểu thị tấm lòng chân thật.
Dù đồ giả tuy không mất trang nghiêm, bất kính, hay có lỗi, nhưng chỉ nên trưng ngày thường, còn các tiết lễ tết, sóc, vọng thì nên dâng cúng hoa tươi. Hoa cúng nên chọn loại hoa thơm và có tên đẹp, hoa còn tươi và độ nở đang vừa tới.
Loại hoa nào nên cúng trên bàn thờ?
Về cơ bản loại hoa dâng cúng bàn thờ gia tiên và hoa dâng cúng bàn thờ Phật là như nhau. Tuy nhiên, hoa cúng lễ Phật nên chọn hoa có màu vàng hoặc đỏ là những màu tượng trưng cho nhà Phật như cúc vàng, hồng đỏ (hoa hồng không chọn hồng phơn phớt hoặc màu khác).
Những loại hoa cấm kỵ cúng trên bàn thờ
Hoa phong lan đẹp, bền được nhiều người mua cắm ban thờ, nhưng dâng Phật không nên dùng phong lan, vì có nhiều màu rực rỡ, chữ “phong” gần nghĩa với chữ phong tình, phóng túng.
Hoa lan móng rồng (phía Nam gọi là lan cua) tuy thơm nhưng không dùng để thờ cúng bởi cánh hoa giống móng rồng và tên gọi cũng không đẹp.
Hoa đại (sứ, chămpa) thơm, màu đẹp, nhưng không dùng cúng trên bàn thờ vì theo tích Lào thì là chuyện tình yêu trai gái nên cũng không dùng.
Ngoài ra, có những loại hoa không được đem vào cả lễ Phật, thánh và gia tiên, ví dụ, hoa nhài tuy là biểu tượng trong sạch, tinh khiết nhưng trong dân gian là loại hoa không đứng đắn.