Quan Vũ (? - 220) tự Vân Trường là vị tướng nổi tiếng thời Tam quốc. Ông là người đã góp công vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Ông được người đời sau tôn làm “Võ thánh”, sánh ngang với “Văn thánh” Khổng Tử.
Trong dân gian, Quan Vũ thường được xem là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi, và là người đứng đầu trong số Ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung. Thực tế, các tài liệu lịch sử không có ghi chép về việc Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi từng làm lễ kết nghĩa (chỉ ghi rằng họ có quan hệ rất thân thiết, "ân tình như anh em"); chức danh Ngũ hổ tướng cũng chỉ là hư cấu (tuy nhiên đúng là Quan Vũ đã được phong làm Tiền tướng quân, chức vụ cao nhất trong quân đội Thục Hán).
Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Quan Vũ được miêu tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người.
Mặc dù sở hữu võ nghệ cao cường, nhưng tính cách của vị võ tướng “uy chấn Hoa Hạ” này lại có một nhược điểm là kiêu căng ngạo mạn, thích mắng chửi người khác.
Sự kiêu ngạo của nhân vật này từng thể hiện rõ trong việc ông quyết liệt từ chối lời cầu hôn của con trai Tôn Quyền, thậm chí còn lớn tiếng mắng rằng: “Hổ nữ há có thể gả cho khuyển tử?” (“Hổ nữ” dùng để chỉ con gái Quan Vũ, còn “khuyển tử” ám chỉ việc ông coi con trai Tôn Quyền là kẻ xuất thân thấp kém, không xứng với con mình).
Năm xưa khi võ tướng nổi tiếng của phe Tào Ngụy là Vu Cấm xin hàng bị quân của ông bắt làm tù binh, Quan Vũ thể hiện rõ thái độ coi thường đối với vị tướng thất thế này, thậm chí còn nói giết Vu Cấm sẽ làm bẩn đao mình.
Khi nghe tin Mã Siêu hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Quan Vũ đang ở Kinh Châu bèn viết thư hỏi Gia Cát Lượng: “Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể sánh với ai?”.
Biết tính Quan Vũ, Gia Cát Lượng phải lựa cách trả lời để không phật lòng ông: “Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân như ngài!”.
Mấy câu này xoa dịu sự bất mãn trong lòng Quan Vũ, ông thậm chí đắc ý, mang thư khoe với nhiều người.
Khi Lưu Bị lên ngôi, phong Quan Vũ làm Tiền tướng quân và lão tướng Hoàng Trung làm Hậu tướng quân. Quan Vũ thấy mình ngang hàng với Hoàng Trung thì không bằng lòng, không chịu nhận ấn tín.
Phí Vỹ lựa lời khuyên ông nên vì nghiệp lớn của Lưu Bị, ông mới tỉnh ngộ và thụ phong.
Tuy nhiên, dù tính cách của Quan Vũ quả thực có phần kiêu ngạo, thế nhưng suốt cuộc đời mình, ông cũng chưa bao giờ tự nhận là “vô địch thiên hạ”.
Ngoài ra, Quan Vũ còn bị đánh giá chỉ trọng sĩ tốt, coi rẻ sĩ phu. Ông thậm chí từng phạt đánh một vị tướng phạm sai lầm rồi lại sai người đó trấn giữ chỗ trọng yếu.
Các nhà sử học đánh giá Quan Vũ là người vũ dũng nhưng kiêu ngạo, không chịu ở dưới người khác, dẫn đến bất hòa nội bộ, phá hỏng liên minh, khiến Tôn Quyền ngầm hàng Tào Tháo, giết Quan Vũ chính là “quả đắng” do ông quá ngạo mạn.
Sử gia Trần Thọ, tác giả bộ chính sử Tam quốc chí có đánh giá về Quan Vũ được đời sau ghi nhận là công bằng: “Quan Vũ… sức địch vạn người, hổ thần một thời. Vũ báo ơn Tào công… có phong độ quốc sĩ. Nhưng Vũ cương và tự phụ,… lấy sở đoản chuốc lấy thất bại, là lẽ thường vậy”.
Trong Tam quốc chí, chú giải của Bùi Tùng Chi ghi rằng: "Xưa, Trương Phi hùng tráng uy mãnh, chẳng kém gì Quan Vũ, mưu thần nước Nguỵ là Trình Dục khen Quan Vũ và Trương Phi là vạn người khó địch. Vũ khéo đối xử với sĩ tốt mà kiêu ngạo với đại sĩ phu, Phi yêu kính người quân tử mà không thương xót kẻ tiểu nhân”.