Hiện nay, những bộ phim cung đấu triều Thanh được nhiều người yêu thích. Bên cạnh cốt truyện hấp dẫn thì trang phục cũng khiến người ta thích thú. Ngoài màu sắc bắt mắt thì trên trang phục của các cung tần thời Thanh luôn có một dải lụa nhỏ màu trắng cuốn quanh ổ.
Nguồn gốc và ý nghĩa của dải lụa trắng này là gì? Bên cạnh việc làm đẹp thì nó còn bí mật giúp ích cho các hoàng đế.
Trong “Lễ nghi Đại Thanh” có quy định rõ ràng trang phục của các phi tần, cung nữ trong cung. Màu sắc, hoa văn và thậm chí là độ dài khác nhau đều thể hiện địa vị khác nhau của mỗi người. Nếu mang trên mình trang phục sai với địa vị có thể mất đầu như chơi. Dải lụa trắng này cũng không ngoại lệ, bản thân nó sẽ mang vai trò thể hiện địa vị.
Người Hán cai trị hầu hết các vùng của Trung Nguyên, chỉ khi quân Thanh chiếm đóng thì người Mãn mới trở thành người thống trị. Trong trang phục của người Mãn Châu trước kia không hề có cổ áo, hoặc nếu có thì phần cổ áo và thân áo không gắn liền với nhau.
Sau khi nhà Thanh thống trị Trung Nguyên, để có thể thuận lợi trong việc cai trị, đã bắt đầu có sự giao thoa văn hóa với người Hán, đặc biệt là các quy tắc xã giao và nghi thức trang phục. Phụ nữ người Hán không để lộ da thịt quá nhiều nên nhà Thanh cũng yêu cầu trang phục nữ giới cần kín đáo, và dải lụa trắng này ra đời nhằm giải quyết vấn đề này.
Nhưng tại sao lại chọn màu trắng cho dải lụa? Đối với nhiều người, màu trắng thường dùng trong tang lễ và không may mắn. Tuy nhiên, đối với người Mãn Châu, màu trắng lại là biểu tượng của sự trong trắng. Người phụ nữ mặc trang phục trắng được coi là ngây thơ, trong sáng.
Trên mỗi dải lụa trắng sẽ có những hình thêu khác nhau thể hiện địa vị của người đeo. Ví dụ như những phi tần có địa vị thấp hơn chỉ được thêu hình hoa mận, lan, trúc, cúc hoặc những loại hoa thanh nhã. Nhưng đối với Hoàng hậu hoặc phi tần được sủng ái có thể thêu lên những loài hoa lộng lẫy, thể hiện sự sang trọng và quyền uy.
Đặc biệt, chỉ hoàng hậu mới có thể thêu hoa mẫu đơn biểu tượng cho sắc đẹp và quyền lực của quốc gia, một loài hoa mà các phi tần khác không thể thêu. Nếu có phi tần nào vì không hiểu quy tắc này mà thêu lên hoa mẫu đơn thì có thể bị coi là kiêu ngạo. Nhẹ thì bị phạt đánh mà nặng thì cả gia đình phải chịu tội.
Không chỉ vậy, những hình thêu trên chiếc khăn này cũng giúp hoàng đế thuận lợi hơn. Ai cũng biết Hoàng đế có “Tam cung, Lục viện”, vậy làm thế nào để ghi nhớ từng người? Hơn nữa, Hoàng đế bận trăm công nghìn việc, ngày ngày ngập chìm trong tấu chương, làm sao có thể biết rõ được từng phi tần, phân biệt cấp bậc của họ? Tất cả đều nhờ dải lụa trắng này. Từ chúng có thể thấy được địa vị, thậm chí xác định nơi ở và biết đã từng được sủng hạnh hay chưa.
Dải lụa trắng mà nhiều công dụng đến vậy khiến chúng ta không ngừng cảm thán trước những lễ nghi trong cung. Nhưng đồng thời cũng thở dài thương thay cho những nữ nhân chốn thâm cung này. Mọi suy nghĩ, thái độ thậm chí cả sinh mệnh đều nằm trong tay của kẻ khác. Thực sự đúng với câu: “Cửa cung sâu tựa bể, đều là người đáng thương.”