Tuyệt đại đa số các đầu lĩnh Lương Sơn, qua ngòi bút của Thi Nại Am, thường chỉ nổi bật ở một vế. Dũng thì dũng mãnh vô cùng. Mạnh thì sức mạnh kinh trời lật đất. Trí thì Trí tuệ vượt xa vạn người. Nhưng trí dũng song toàn, võ tướng mà không võ biền, dũng mãnh mà không hung bạo, thì chỉ có một: Đại Đao Quan Thắng.
|
Đại đao Quan Thắng, võ tướng toàn mỹ số 1 Lương Sơn. |
Một Quan Thắng trí – dũng song toàn
Quan Thắng lần đầu được nhắc tới ở hồi 63 Thủy Hử, qua lời tiến cử của Tuyên Tán: “Họ Quan tên Thắng, vốn con cháu Võ Hầu cuối đời nhà Hán. Anh ta tướng người vạm vỡ cũng giống với ông tổ Quan Vân Trường, khiển cây đao Thanh Long Yển Nguyệt, hiện làm Tuần Kiểm ở Phổ Đông. Người đó từ nhỏ đã đọc làu Kinh Sử, rất giỏi võ nghệ, sức khoẻ muôn người khôn địch”.
Vẻ ngoài của Quan Thắng cũng nhận được sự ưu ái của tác gia họ Thi qua các đoạn viết: “Quan Thắng mình cao hơn tám thước, râu nhỏ ba hàng, mày ngài mắt phượng, mặt thuôn môi đỏ, một vẻ tuấn kiệt đường đường” hay “Tống Giang trông thấy Quan Thắng rõ ra vẻ anh tài lẫm liệt, bèn chỉ bảo Ngô Dụng mà khen ngợi luôn mồm. Đoạn rồi quay lại nói to lên với các đầu lĩnh: - Quan Tướng quân một bậc anh hùng, thực là đáng lắm...”
Về mặt võ nghệ, Quan Thắng đúng như tên “Thắng” của chàng, đã ra trận giao đấu là không có chuyện bại. Quan Thắng chỉ đánh vài hiệp đã khiến “Tích lịch Hỏa” Tần Minh luống cuống, rồi sau đó đấu cùng lúc với Tần Minh – Lâm Xung ngang ngửa gần nửa giờ. “Cấp tiên phong” Sách Siêu vốn ngang tài “Cao thủ đại nội” Dương Chí, chỉ đấu 10 hiệp với Quan Thắng cũng núng tay núng chân. Khi gia nhập Lương Sơn, Quan Thắng từng giao chiến với Trương Thanh ở phủ Đông Xương và là đầu lĩnh duy nhất đỡ được đòn ném đá bá đạo của “Một vũ tiễn”.
Nhưng cái nổi trội hơn người của Quan Thắng không phải là chuyện đánh đấm mà là ở tài trí thao lược. Vốn am hiểu binh thư, thuộc làu kinh sử, “Đại đao” chính là võ tướng hiếm hoi của Thủy Hử có thể một mình cầm quân đánh trận. Như trong lần giao chiến với nghĩa quân Lương Sơn, Quan Thắng đã dùng 2 kế trong binh pháp Tôn Tử để bắt sống các đầu lĩnh thủy quân.
|
Quan Thắng, võ nghệ siêu quần, có thể nói là… độc cô cầu bại của Thủy Hử. |
Trong lần bắt Trương Hoành, Quan Thắng dùng kế “Tiểu lý tàng đao”, tức bề ngoài tỏ vẻ bình thường khiến đối phương không đề phòng nhưng ẩn giấu bên trong đã sắp đặt mưu kế kín kẽ. Cụ thể như sau: “Bấy giờ khoảng quá canh hai, Trương Hoành vào đến trại Trung Quân, thấy trong trướng đèn nến sáng choang. Quan Thắng đương ngồi vuốt râu xem sách. Trương Hoành mừng thầm trong bụng, sấn vào trong trướng. Chợt đâu tiếng thanh la nổi lên, rồi thấy quân sĩ reo hò quát tháo chẳng khác gì trời long đất lở. Trương Hoành kinh sợ rụng rời, quay đầu toan chạy thì quân phục bốn mặt đổ ra ầm ầm, rồi bắt hết cả mấy trăm người mà giải vào”.
Tiếp đến Quan Thắng triển “Không thành kế” trong lần nhóm Trương Thuận và Nguyễn thị tam Hùng đi giải cứu Trương Hoành. “Ba anh em họ Nguyễn đi trước, Trương Thuận đi sau, ầm ầm kéo nhau đến trại Quan Thắng. Khi tới nơi thấy trong trại đèn nến sáng choang mà vắng tanh vắng ngắt không có ai đi lại… Bỗng đâu trước trướng nổi lên mấy tiếng thanh la, rồi bốn bên tả hữu các quan mã bộ tám đường đổ ra vây chặt lấy. Trương Thuận thấy sự thể nguy cấp liền lui lại nhảy tót xuống nước, rồi ba anh em họ Nguyễn cũng cướp đường để chạy. Bất đồ bị quân lính Quan Thắng thả dây móc bắt được Nguyễn Tiểu Thất”.
Một Quan Thắng chất chứa nhiều suy tư
Đường lên Lương Sơn của các đầu lĩnh có thể chia ra làm 5 nhóm chính: người thường chịu cảnh áp bức tự nguyện gia nhập; các tay thảo khẩu đến từ tứ xứ; nhóm quan (nhỏ) bị gian thần mưu hại cùng đường mà tới; nhóm bị chính các đầu lĩnh Lương Sơn “lừa” về; cuối cùng là các tướng lĩnh từng giao chiến với nghĩa quân Lương Sơn, chịu thất bại và chấp nhận theo về với Tống Giang.
Quan Thắng thuộc nhóm thứ 5. Nhưng trước khi mắc bẫy “trá hàng” của Hô Diên Chước, trúng mai phục quân Lương Sơn và bị bắt, sâu thẳm trong nội tâm của Quan Thắng, đã có sự đồng cảm với các hảo hán nơi “Bến nước”. Đầu tiên, sau khi Quan thắng giao chiến với cặp Lâm Xung – Tần Minh, Thi Nại Am miêu tả suy tư của chàng thế này: “Quan Thắng về đến trại, xuống ngựa cởi giáp, trong lòng nghĩ thầm rằng: “Ta hết sức đánh với hai tướng có lẽ sắp thua họ, thế mà Tống Giang vội khua chiêng thu quân, không biết là ý tứ làm sao”.
Một người đọc sách Thánh hiền từ nhỏ như Quan Thắng khi thấy những anh tài chốn quan trường Lâm Xung, Tần Minh đều đứng trong hàng ngũ Lương Sơn, nhất mực tuân lệnh Tống Giang, trong bụng sao tránh khỏi khúc mắc: “Nghĩ đoạn liền sai đẩy xe tù Trương Hoành, Nguyễn Tiểu Thất ra hỏi rằng: - Tống Giang chỉ là anh tiểu lại ở Vận Thành, sao các ngươi lại phục hắn như vậy? Tiểu Thất đáp: - Ca Ca tôi vốn là một người có tiếng Sơn Đông, ai cũng gọi là Cập Thời Vũ Tống Công Minh. Các ngươi không biết trung nghĩa, thì hiểu sao nổi mà hỏi... Quan Thắng nghe nói, chỉ cúi đầu suy nghĩ”.
Tiếp đó, Thi Nại Am có một đoạn viết có thể nói là kỳ bút về những tranh đấu trong nội tâm họ Quan: “Tối hôm đó Quan Thắng đứng ngồi vơ vẩn không yên, bèn bước ra sau trại nom quanh nom quẩn một mình. Ngẩng trông lên thấy mịt mù sương tỏa, khí lạnh đầy trời, một bóng trăng suông khi mờ khi tỏ. Giang sơn cảnh sắc trông ra đều có vẻ thương cảm bồi hồi. Chàng thấy vậy lại càng ngao ngán, thở dài mà đứng mãi không đi”.
Quan Thắng, hơn ai hết hiểu rằng nhà Tống đang ở vào một giai đoạn hủ bại, Hoàng đế nhu nhược, gian thần lộng hành, lòng dân oán thán. Chính bản thân chàng dù dòng dõi Võ Thánh, trí dũng toàn tài nhưng cũng chỉ là tay Tuần kiểm phẩm cấp hạng bét ở phủ Phổ Đông, chứ chẳng hề có cơ hội tiến thân. Khi phụng mệnh triều đình đánh dẹp Lương Sơn, Quan Thắng một lòng báo quốc lập công. Nhưng đến khi giao chiến với các hảo hán Lương Sơn, Quan Thắng đã nhận ra một chân lý quan trọng: trong thời loạn, vì dân vì nước vẫn còn một con đường khác thay vì nhất mực ngu trung.
Sự đồng cảm và trân trọng các hảo hán Lương Sơn từng được Quan Thắng thể hiện ra ngoài trong lần đối ẩm với Hô Diên Chước: “Quan Thắng nghe nói cả mừng, mời Hô Duyên Chước vào trong trướng để thiết rượu. Hô Duyên Chước đem chuyện Tống Giang là người hết lòng trung nghĩa, chẳng may bị hãm vào chốn bất nhân, để thuật cho Quan Thắng nghe. Quan Thắng nghe chuyện, lại vuốt râu uống rượu, rồi vỗ đùi mà ta thán vô cùng”.
Một Quan Thắng Đại nhân – đại nghĩa
Không phải đầu lĩnh nào của Lương Sơn cũng thực hiện đúng tôn chỉ “Thế Thiên hành đạo”, hay trước sau nhất mực Nhân – Nghĩa. Và chính vì thế, cái Đại Nhân – Đại Nghĩa ở Quan Thắng càng thêm nổi bật. Khi bị quân Lương Sơn Bắc, là một Quan Thắng như thế: “Quan Thắng nom thấy các Đầu Lĩnh đều nghĩa khí trân trọng, liền quay lại hỏi Tuyên Tán, Hắc Tư Văn: - Chúng ta bị bắt tới đây, nên như thế nào thì phải? Hai người nói rằng: - Xin tùy tướng lệnh của ngài... Quan Thắng nói: - Bây giờ cũng không còn mặt mũi nào trở về kinh nữa, xin cho chết sớm là hơn”.
|
Quan Thắng xứng đáng được coi là đệ nhất Đại Nhân – Đại Nghĩa của Thủy Hử. |
Rồi lúc Tống Giang một mực khuyên giải mong Quan Thắng nhập hội Lương Sơn thì chàng thở dài mà rằng: “Người ta sống ở trên đời, vua biết thì đền ơn vua, bạn biết thì đền ơn bạn. Ngày nay đã biết lòng Tống Công Minh nhân huynh trung nghĩa, thì xin ở đây làm đứa tiểu tốt để đền ơn tri ngộ”.
Khi khuyên hàng Đan Đình Khuê – Ngụy Định Quốc cho Lương Sơn, cái sự Nhân – Nghĩa ở Quan Thắng thêm một lần nữa được đặc tả: “Hiện nay Chúa Thượng hôn mê, gian thần lộng hành, không phải người thân không dùng, không phải kẻ thù không tránh. Vậy Tống Công Minh Ca Ca tôi là người trung tín nhân nghĩa, thay Trời hành Đạo, sai Quan mỗ đến đây để mời hai vị Tướng quân quy thuận”.
Đối với huynh đệ đồng liêu là một Quan Thắng đề cao Tín Nghĩa, như trong lần chàng một mình đi gặp Ngụy Định Quốc: “Nói đoạn liền từ biệt mọi người, rồi một mình một ngựa một đao đi vào trong thành. Lâm Xung can rằng: - Huynh trưởng hãy thư thả, tâm địa người ta biết đâu mà chắc, phải nghĩ kỹ mới được. Quan Thắng đáp: - Chỗ anh em cũ cả, có can chi mà sợ”.
Đối với quân lính dưới quyền, Quan Thắng là một tướng soái đáng trọng: “Quan Thắng rằng: - Làm đại tướng trong đám muôn quân vạn lính, nếu không nhất đức nhất tâm, làm sao sai khiến cho được? Trong trại đây, bất cứ trong trướng ngoài trướng, kẻ trên người dưới, đều là tâm phúc của tôi cả”.
Thi Nại Am tả Quan Thắng trong đám hảo háo Lương Sơn Bạc hệt Như Mẫu đơn nổi bật giữa trăm hoa kheo sắc vậy! Một đại tướng toàn mỹ. Một nhân cách cao đẹp!
Thanh Xuân Tường và Tôn Thất Thuyết dâng biểu lên bà Từ Dũ, vạch ra 4 tội của vua, trong đó có tội cố tình sửa di chiếu của vua Tự Đức. Vậy là chỉ sau 3 ngày làm vua, chưa kịp đặt niên hiệu, Dục Đức đã trở thành kẻ trọng tội, bị đình thần phế bỏ.