Bất chấp thủ đoạn
Trong "Thiên long bát bộ", ngoài bộ ba Kiều Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự, điểm khiến độc giả say đắm cuốn tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung còn nằm ở cách xây dựng tuyến nhân vật phụ. Mỗi nhân vật trong "Thiên long bát bộ" đều được ông "gán" cho 1 thử thách. Một trong số nhân vật phụ gây được ấn tượng mạnh nhất chính là Đại luân Minh vương Cưu Ma Trí. Lý do có thể nêu ra không chỉ bởi những màn "khuấy đảo" đặc sắc mà Cưu Ma Trí mang tới mỗi lần xuất hiện, mà còn ở bản lĩnh của ông ta.
Ngay từ lần đầu xuất hiện, Cưu Ma Trí đã khiến người đọc bất ngờ khi ông ta dám một mình đến chùa Thiên Long ở nước Đại Lý để "mượn" Lục mạch thần kiếm (kiếm phổ tổ truyền của Đoàn gia). Tất nhiên, yêu cầu vô lý này của ông ta không được chấp nhận, vì thế, Cưu Ma trí đã thách đấu với 6 vị cao tăng của chùa Thiên Long. Tuy nhiên, Cưu Ma Trí cũng không phải kẻ ngông cuồng, ông ta cũng xin tặng lại cho chùa nhiều bí kíp võ học quý giá của Phật môn.
|
Cưu Ma Trí vì muốn cướp được kiếm phổ Lục mạch thần kiếm mà không từ thủ đoạn. (Ảnh: Baidu) |
Cái cớ mà Cưu Ma Trí đưa ra là "mượn" Lục mạch thần kiếm về đốt trước mộ của Mộ Dung Bác để hoàn thành tâm nguyện của tri kỷ.
Trước đó, Cưu Ma Trí và Mộ Dung Bác tình cờ quen biết nhau rồi cùng trao đổi võ công. Mộ Dung Bác đã hứa nếu Cưu Ma Trí lấy được kiếm phổ Lục mạch thần kiếm thì ông ta sẽ tặng cho vị hòa thượng này 50 môn võ công của các môn phái khác.
Nhưng ẩn sau lý do "mượn đồ" để tế bạn, Cưu Ma Trí thực chất chỉ muốn cướp lấy Lục mạch thần kiếm để tu luyện. Sau đó, ông ta sẽ mang cuốn kiếm phổ này tới nhà Mộ Dung để ép họ giao 50 cuốn bí kíp võ công của các môn phái khác.
Đáng tiếc, các vị cao tăng chùa Thiên Long đã truyền lại Lục mạch thần kiếm cho Đoàn Dự và hủy cuốn kiếm phổ đó. Cưu Ma Trí biết Đoàn Dự đã thuộc lòng kinh thư nên đã bắt cóc và ép anh ta chép lại Lục mạch thần kiếm cho mình.
Tham thì thâm
Ở phần sau của tác phẩm, Cưu Ma Trí vì luyện sai 72 tuyệt kĩ Thiếu Lâm Tự mà bị tẩu hỏa nhập ma suýt chết. Ông ta may mắn được Đoàn Dự dùng Bắc minh thần công hút hết nội công nên đã thoát chết. Dù mất hết tất cả nhưng Cưu Ma Trí đã kịp thời ăn năn và biết sửa chữa những sai lầm của mình.
Cái sai của Cưu Ma Trí ở chỗ thay vì coi võ công là phương tiện thì ông ta lại tự ép mình thành nô lệ của nó. Cưu Ma Trí vốn thông tuệ, từ nhỏ đã gặp kỳ duyên, võ công cực cao nhưng lại quá si mê võ học, muốn trở thành võ sĩ mạnh nhất trong giang hồ. Vì thế, Cưu Ma Trí đã bất chấp mọi thủ đoạn để học được các bí kíp võ công thượng thừa.
|
Tuyệt kỹ Hỏa diễm đao của Cưu Ma Trí có sức mạnh có thể sánh ngang với Lục mạch thần kiếm. (Ảnh: Baidu) |
Điều mà Cưu Ma Trí không ngờ chính là việc tuyệt kỹ Hỏa diễm đao của mình mới là một môn võ công thượng thặng. Hỏa diễm đao vốn là một tuyệt học võ công của Thổ Phiên. Người luyện lấy nội lực ngưng tụ trên bàn tay, vận nội công mà đưa ra rồi lấy kình lực hư vô để đả thương đối thủ. Nếu để ý kỹ, có thể thấy Hỏa diễm đao có nhiều phần giống như Lục mạch thần kiếm, "tuy chỉ nhẹ nhàng hư vô không thể nắm bắt nhưng có thể giết người một cách vô hình, quả thực rất ghê gớm".
Chính Mộ Dung Bác khi kết bạn cùng Cưu Ma Trí đã nhận ra chỗ lợi hại của Hỏa diễm đao mà nguyện ý dùng 72 tuyệt kỹ của Thiếu Lâm Tự để trao đổi. Thậm chí, Cưu Ma Trí cùng Hỏa diễm đao còn tạo nên sự đe dọa lớn tới nỗi đệ nhất cao thủ của Đại lý là hoàng đế Bảo Định phải xuống tóc lấy pháp danh là Vô Trần rồi hợp công với các cao tăng để đối phó với ông ta. Như vậy, có thể thấy rằng Hỏa diễm đao của Cưu Ma Trí thực chất không hề thua kém Lục mạch thần kiếm.
Có lẽ nếu Cưu Ma Trí sớm ngộ ra chân lý mà tu luyện thật tốt Hỏa diễm đao thay vì nuôi tham vọng luyện thêm Dịch cân kinh thì ông ta đã không gặp cái kết tàu hỏa nhập ma tới suýt chết như vậy.