Quân vương cổ đại ngoài việc đứng trên hoàng vị chí cao vô thượng ra, hậu cung 3000 giai lệ cũng là một tượng trưng của hoàng quyền. Hậu cung diễm lệ xa hoa thường khiến người ta có nhiều ảo tưởng rằng nếu vào được nơi đây thì sẽ có được cuộc sống sung sướng.
Thế nhưng, trong hậu cung đa phần là những người cả đời cũng chẳng được nhìn thấy dung nhan của thiên tử bao giờ, cũng đa phần các nữ tử đều u uất mà qua đời trong chốn lãnh cung lạnh lẽo. Huống hồ, cho dù là phi tử được sủng ái cũng có ngày dung nhan già nua, ai có thể đảm bảo được nhan sắc của mình mãi mãi như bông hoa mới nở?
Điều đáng sợ hơn cả là sau khi Hoàng đế qua đời, số phận của họ cũng chẳng hề vì thế mà có được kết thúc có hậu. Đa số các cung nữ và những phi tử hậu cung không có con sẽ bị sắp xếp tới thủ lăng cho Hoàng đế sau khi ông qua đời, điều này cũng có nghĩa là bi kịch của họ vẫn tiếp tục diễn ra.
Có lẽ đối với nhiều người mà nói, không bị tuẫn táng đã là may mắn rồi, thủ lăng cũng coi như là một đãi ngộ khá tốt rồi. Nhưng trên thực tế, hậu phi thủ lăng còn thê thảm hơn trong tưởng tượng của chúng ta rất nhiều, thậm chí rất nhiều cung nữ, phi tần đã dứt khoát tự kết liễu sinh mệnh của chính mình sau khi biết mình bị đưa đi thủ lăng.
Hậu phi thủ lăng thê thảm đến mức nào? Phải coi hoàng đế đã chết như người còn sống, còn hậu phi thủ lăng sẽ là thứ để làm vui lòng ông, cho dù là sau khi Hoàng đế đã qua đời cũng không có quyền tự do lựa chọn. Sau khi họ tới hoàng lăng, tuy đãi ngộ không khác mấy so với trong hoàng cung, cũng coi như là được ăn ngon mặc đẹp nhưng mức độ bị dày vò về tinh thần còn kinh khủng hơn ở chốn thâm cung.
Đầu tiên là điều vô lý nhất, cung nữ và hậu phi vẫn phải coi tiên đế như người còn sống mà hậu hạ tận tình. Không những phải chuẩn bị ngày 3 bữa cơm, dọn dẹp tẩm điện nơi ở cho tiên đế, bưng nước tắm rửa, chuẩn bị giường đệm, chăn gối. Lúc tiên đế còn sống như thế nào thì sau khi chết vẫn phải tiến hành như thường.
Nếu như tất cả những gì họ làm là đối diện với người sống thì ít nhất còn có thể an ủi được bản thân. Nhưng ngày này qua ngày khác phải đối diện với một thi thể mà hầu hạ thành khẩn, ngày này qua ngày nọ lặp đi lặp lại công việc như nhau là một việc hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần như thế nào?
Không chỉ có vậy, họ đôi lúc còn bị bắt phải biểu diễn tiết mục trước tiên đế. Thành quả sau khi luyện tập tốt, không phải để lấy lòng hoàng đế lúc còn sống để được chút sủng ái mà là để biểu diễn trong lăng mộ u ám, lạnh lẽo, mọi công sức của bản thân coi như đổ sông đổ biển. Cho dù xung quanh là tiếng nhạc vui tươi, hoan hỉ nhưng tai họ chỉ nghe thấy tiếng cảm thán vô tận của số phận bi thương.
Người phụ trách quét dọn hậu cung được đưa tới lăng mộ, không chỉ coi đó là người hầu tùy tùng của Hoàng đế mà còn là một thủ đoạn tiết kiệm chi tiêu của cung đình. Mỗi khi đổi một đế vương đều sẽ tìm một nhóm người mới cho hậu cung, có người trở thành hậu phi, có người trở thành nô tì. Vậy thì hậu phi được tiên đế sủng hạnh nhiều như vậy, không lẽ đều được ở lại trong cung nuôi không sao? Thế nên những hậu phi không có con cái sẽ bị đưa tới lăng mộ để thủ lăng.
Một mặt, hoàng lăng rất lớn, nhưng không có nhiều người phụ trách trông nom, dọn dẹp như trong cung. Các phi tần tới đây trở thành công cụ lao lực quét dọn hoàng lăng miễn phí. Mặt khác, cung nữ và hậu phi thủ lăng cũng đã giữ thể diện cho tiên đế sau khi chết, về bề ngoài thì cũng coi như là tận nhân tận nghĩa của tiên đế.
Điều này quả thực đã làm khổ rất nhiều cung nữ và phi tần. Cho dù là cung nữ, trong cung cũng có rất nhiều chức vụ, rất nhiều việc nặng nhọc, bẩn thỉu có khi còn chẳng tới tay họ làm, huống hồ là các phi tần. Cho dù không được sủng ái thì cũng là người phụ nữ của Hoàng đế, là thân phận người chủ, sao có thể làm những việc nặng nhọc như vậy? Còn có những phi tử dù từng được sủng ái nhưng lại không có con thì lại càng thích hợp để tới nơi này làm việc.
Ngày ngày sống và làm việc trong nơi lạnh lẽo, u ám này khiến thời gian của họ trở nên chậm hơn, dường như dài vô tận không thấy điểm cuối. Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Tuyệt vọng và cô đơn vô tận chính là từ để hình dung hoàng lăng. Khi còn ở trong cung, trong những ngày tháng không được hoàng đế sủng ái, họ còn có thể trò chuyện với người khác để giết thời gian.
Nhưng sau khi tới hoàng lăng, họ không những không được có bất kỳ biểu cảm vui vẻ nào, chỉ có thể bị ép buộc dùng tâm trạng bi thương để đối đãi với người đã mất. Quãng đời còn lại phải sống những ngày tháng như vậy, làm sao họ có thể chịu đựng nổi?
Bị cấm đoán suy nghĩ, bị cắt đứt liên hệ với bên ngoài, từng vui vẻ cười đùa như oanh yến trong cung, nay lại chẳng còn tìm thấy chút tông tích nào.
Điều chờ đợi họ chỉ có sự cô đơn không nói lên lời và quãng đời còn lại không thể nhìn thấy một vệt sáng nào trong hoàng lăng lạnh lẽo. Trong một hoàn cảnh như vậy, làm sao mà họ có thể không phát điên lên được? Vì thế, rất nhiều người sau khi tới hoàng lăng không lâu đã lựa chọn kết liễu sinh mạng của mình, coi như tự giải thoát cho chính mình.
Cuộc đời thủ lăng này so với tuẫn táng mà nói thì còn đau khổ hơn nhiều, chẳng khác nào lăng trì xử tử.
Những hậu phi tuẫn táng cùng tiên đế, tuy trong lòng không cam tâm nhưng cũng được coi như là một cái kết nhanh gọn, cũng là một sự giải thoát. Nhưng những người bị sắp xếp đi thủ lăng, tuy vẫn có thể sống với thân phận phi tử của tiên đế, nhưng không chỉ đã mất đi đãi ngộ từng có mà còn phải chịu đựng sự hành hạ về tinh thần. Điều này đối với họ mà nói chẳng khác nào một thứ thuốc độc mãn tính dần gặm nhấm, dày vò họ.
Những người phụ nữ trong hoàng cung, ngoài số ít được hưởng vinh hoa, hào nhoáng ra thì đa phần đều lãng phí thời gian trong chờ đợi và dày vò bản thân. Còn những người bị đưa đi thủ lăng lại phải đối mặt với sự hủy diệt tinh thần vô cùng vô tận, ngày ngày chỉ sống với nỗi tuyệt vọng. Cuộc sống như vậy còn chẳng bằng tuẫn táng!