Cung nữ chính là những người phục vụ các sinh hoạt hằng ngày của Hoàng đế và phi tần của Hoàng đế, nói đơn giản thì họ là những người đảm nhận các công việc nặng nhọc nhất trong cung. Tuy nhiên, không phải nữ nhân nào cũng có thể trở thành cung nữ, dù là ở triều đại nào thì quá trình tuyển chọn cung nữ cũng rất khắt khe.
Nếu cung nữ không phạm bất kỳ sai lầm lớn nào thì sau một thời gian hầu hạ chủ tử người ấy có thể xuất cung. Nhưng không phải rời khỏi hoàng cung là có nghĩa họ được giải thoát. Ngược lại, cơn ác mộng trong đời họ chỉ mới bắt đầu.
Từ ngày xa xưa, triều đình thường tuyển chọn những thiếu nữ 13 - 14 tuổi vào cung qua nhiều bài kiểm tra. Đến khoảng 25 - 30 tuổi, họ sẽ được xuất cung. Độ tuổi này đã là quá lứa lỡ thì bởi vì người xưa lấy chồng sinh con khi vào khoảng 15 tuổi. Chính vì vậy, khi các cung nữ xuất cung thì khó có thể tìm được 1 nam nhân độc thân, họ chỉ có 2 lựa chọn là trở thành vợ lẽ của người khác hoặc là không lấy chồng.
Vì đã quen với những mưu mô chốn thâm cung, những nữ nhân này luôn cảm thấy cuộc sống chông chênh như đang đi trên một lớp băng mỏng. Và những tâm lý này vẫn theo họ đến khi xuất cung, khiến cuộc sống của họ thêm mệt mỏi.
Quá trình làm việc nặng nhọc, phải hầu hạ chủ tử ngày đêm khiến sức khỏe thể chất của những nữ nhân này ngày càng kém đi, hầu như họ sẽ không sống quá lâu và rất khó có con. Đây cũng là một trong những lý do khiến họ khó lấy chồng. Trung Hoa cổ đại rất xem trọng việc nối dõi tông đường, không nam nhân nào chấp nhận cưới một người vợ không thể sinh con.
Một số cung nữ kém may mắn hơn sẽ phải trở thành kỹ nữ thanh lâu để có thể sống qua ngày. Hầu hết các cung nữ sau khi xuất cung đều cô độc cả đời.
Cũng có nhiều trường hợp đặc biệt khi các phi tần chủ động tìm chồng tốt cho cung nữ của mình trước khi họ xuất cung. Tuy nhiên các trường hợp này rất hiếm, bởi vì phi tần dành thời gian toan tính cho bản thân của mình còn không đủ, nói chi là tính toán cho người khác.