Trên đầu đội mũ miện thể hiện sự tập trung quyền lực, ngay kể cả người thân nhất cũng không thể tin cậy, huống hồ là anh em bằng hữu.
Bởi vậy mà không ít hoàng đế khi nắm trong tay quyền sinh quyền sát, về cơ bản đều trở nên đa nghi hoặc quá nhạy cảm, trong số đó không thể không kể đến hoàng đế Minh triều Chu Nguyên Chương.
Xuất thân của Chu Nguyên Chương
Chu Nguyên Chương xuất thân bần hàn, bố mẹ đều là nông dân, trong nhà vẫn còn anh chị em, cuộc sống vô cùng khó khăn, chỉ đủ ăn để qua ngày. Những năm cuối của triều Nguyên, sự cai trị tàn bạo của Mông Cổ đã không làm lòng dân quy thuận.
Dưới sự thống trị của Mông Cổ, địa vị của nông dân người Hán chỉ cao hơn địa vị của nô lệ. Nếu như người Mông Cổ giết chết một nông dân người Hán, hậu quả đem lại còn không bằng giết chết một con lừa trong dòng tộc của họ.
Quan lại trong triều áp bức nhân dân, những người sống ở vùng nông thôn khó khăn như Chu Nguyên Chương càng khốn khổ.
Khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, quốc khố Mông Cổ trống rỗng, lại thêm hoàng đế ngông cuồng hống hách hưởng lạc trong cung cấm, triều đình thu thuế cao ngất ngưởng, hạn hán liên miên, nhiều nông dân bị bức bách phải rời khỏi quê hương, sống cuộc sống tha phương cầu thực.
Chu Nguyên Chương cũng nằm trong số đó.
Không chỉ phải chịu mức thuế cao, quan lại địa phương còn ăn hối lộ, tham ô tiền lương, dẫn đến quê hương của Chu Nguyên Chương bị chịu mức thuế cao gấp 2, 3 lần ở huyện khác. Bố mẹ ông không còn con đường nào khác, cả gia đình cứ 3 ngày thì có 2 ngày phải nhịn đói.
Khổ sở chưa dừng lại ở đó, quê hương Chu Nguyên Chương còn chịu thêm một trận ôn dịch nghiêm trọng, bố mẹ ông đều chết vì đói, hai người anh trai thì chết trên đường đi chạy nạn.
Thanh niên đang độ tuổi trai tráng như Chu Nguyên Chương tức giận bừng bừng nhưng ông cũng không biết trút giận lên ai, chẳng lẽ là quan huyện lệnh hay sao?
Bấy giờ ông chỉ là một kẻ tầm thường không đồng bạc cắc, làm thế nào có thể tranh đấu với họ được đây? Kể từ đó, Chu Nguyên Chương mang theo sự phẫn nộ bừng bừng và cũng mất niềm tin vào người khác.
Sau đó, vì sinh tồn, ông đã xin vào chùa Hoàng Giác xuống tóc làm một hòa thượng. Nào ngờ chùa này không chính thức thu nhận ông làm đệ tử để truyền đạo mà chỉ sai khiến ông làm những việc cực nhọc.
Chùa Hoàng Giác thắp nhang niệm Phật nhưng lại mưu sinh bằng cách giải lá số cho dân chúng xung quanh, Chu Nguyên Chương khinh miệt vô cùng, cho rằng đây là trò lừa đảo dân chúng.
Sau đó, chiến tranh bốn bề nổi lên, lương thực trong chùa không đủ dùng, trụ trì liền tìm lí do cho Chu Nguyên Chương đi hóa duyên khất thực. Lúc này trái tim của một người lần nữa bị bỏ rơi đã lạnh giá hoàn toàn. Nghe lời người bạn thuở nhỏ Thang Hòa, Chu Nguyên Chương đầu quân cho Quách Tử Hưng.
Trong quân đội, cuối cùng Chu Nguyên Chương cũng tìm được con đường đi cho mình, ông đã gây dựng được thành tích lớn lao, quy tụ được một loạt danh tướng như Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân, Lam Ngọc... và kết giao được với các mưu sĩ như Lý Thiện Trường và Lưu Bá Ôn.
Chuyện về sau thì ai cũng biết, Chu Nguyên Chương đã đánh bại được Trương Sĩ Thành và Trần Hữu Lượng, cuối cùng đã khai sáng ra triều Minh ở Nam Kinh, lên ngôi hoàng đế.
Tính đa nghi khiến hàng ngàn người mất mạng
Tuy rằng đã lên ngôi vua, nhưng trong lòng ông vẫn có sự đa nghi thuở nào, cho rằng những người xung quanh không đáng tin cậy, sẽ có một ngày ám hại và tước đoạt giang sơn trong tay mình.
Một người càng nỗ lực làm điều gì đó, càng cho thấy họ đang không có cảm giác an toàn. Tuy rằng các vị hoàng đế đều xuống tay tàn độc với các công thần, nhưng có thể tuyệt tình như Chu Nguyên Chương, e rằng không có người thứ hai.
Vị hoàng đế này đã lợi dụng vụ án Không Ấn và vụ án Hồ Duy Dung mưu phản, trước sau xuống tay giết chết hàng vạn người trong triều đình, đến mức độ các quan đại thần trước khi lên triều, đều phải nuốt nước mắt từ biệt người thân, bởi tất cả đều sợ rằng có thể đó sẽ là lần cuối họ gặp gia quyến, một khi lên triều có khi sẽ không còn đường về nhà.
Theo cách nhìn của người hiện đại, phản ứng của Chu Nguyên Chương kỳ thực có phần quá khích, có nhiều sự việc rất hợp lí, không đáng bị xử tội nhưng ông ta vẫn xử tội chết.
Điển hình cho việc này là chuyện Chu Nguyên Chương đã hạ xử tử một cung nữ khi người này dâng một bát cháo nóng lên cho ông vì thấy ông có vẻ mệt mỏi khi phải phê duyệt rất nhiều tấu sớ, còn các thị vệ đều bị phạt trượng.
Nguyên nhân dẫn đến quyết định này của Chu Nguyên Chương chính là do tính đa nghi của ông. Vị hoàng đế này cho rằng cung nữ vào cung giữa đêm mà không có người ngăn cản, rõ ràng cô ta có thể tiếp cận với mình và có thể lấy mạng mình.