Xã hội Trung Hoa xưa quan niệm “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, vậy việc tái giá – lấy chồng lần hai đối với phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt là các vị công chúa cổ đại trong hoàng cung có phải là một điều bị ngăn cấm?
Chuyện công chúa lấy chồng lần hai
Theo sử sách ghi chép lại thì chuyện tái giá của các công chúa cổ đại trước nhất xuất hiện từ triều Quang Vũ Đế nhà Đông Hán. Lúc bấy giờ, Hồ Dương công chúa, chị của Quang Vũ Đế có chồng vì bệnh mà qua đời, Hồ Dương công chúa vì thế mà trở thành quả phụ, bà có ý định tái giá. Biết vậy, Quang Vũ Đế liền cùng bà ngồi đàm luận, để từ từ thuyết phục bà thay đổi ý định. Hồ Dương công chúa nói:“Tướng mạo và nhân phẩm của Tống Hoằng trên đời này ta thấy ít ai sánh được”. Quang Vũ Đế biết chị mình đã nhất định có ý tái giá với Tống Hoằng – một vị quan đã có vợ, ông đành nhận lời thúc tiến việc này. Vậy là, Quang Vũ Đế triệu kiến Tống Hoằng, cùng nhau nói chuyện, đồng thời bảo Hồ Dương đứng sau tấm rèm che âm thầm nghe chuyện.
Quang Vũ Đế nói với Tống Hoằng: “Ngạn ngữ dân gian nói rằng: người làm quan rồi thì sẽ đổi bạn, người phát tài rồi thì sẽ đổi vợ, đây là chuyện thường tình của thế gian, nhà ngươi thấy sao?”. Tống Hoằng trả lời: “Tống tôi lại nghe nói đến một câu ngạn ngữ như thế này: Bạn từ lúc nghèo không thể quên, vợ từ lúc khó không thể bỏ”. Tống Hoằng nói như thế, Quang Vũ Đế không biết đáp lại thế nào, chuyện tái giá của Hồ Dương công chúa vì thế không thành được. Hồ Dương công chúa bị Tống Hoằng cự tuyệt, buồn tủi và xấu hổ mà xuất gia làm đạo sĩ. Mặc dù chuyện tái hôn với Tống Hoằng không thành, nhưng Hồ Dương vẫn là công chúa đầu tiên chủ động đồng ý tái giá mà sử sách ghi chép lại.
|
Trong cuốn sử “Đường thư” có một biên một chương là “Công chúa liệt truyện”, miêu tả lại việc các công chúa đời Đường Cao Tổ tái giá. (Ảnh minh họa) |
Những công chúa đầu tiên tái giá
Vị công chúa đầu tiên chính thức tái giá được cho là sống ở thời Tam Quốc. Trong Tam Quốc chí ghi chép lại, vị hoàng đế đầu tiên của Đông Ngô – Tôn Quyền có hai cô con gái. Cô gái lớn là Tôn Lỗ Ban, tự Đại Hổ công chúa, con gái thứ là Tôn Lỗ Dục, tự Tiểu Hổ công chúa. Cả hai vị công chúa này lớn lên đều sớm thành quả phụ và đều lên kiệu tái giá. Từ thời Tam Quốc về sau, chuyện tái giá của các công chúa Trung Hoa không còn là chuyện lạ, đặc biệt nhiều nhất là ở đời Đường, nhất là trong khoảng thời gian Đường Cao Tổ, Đường Thái Tông và Đường Huyền Tông tại vị.
Trong cuốn sử “Đường thư” có một biên một chương là “Công chúa liệt truyện”, miêu tả lại việc các công chúa đời Đường Cao Tổ tái giá. Theo đó, Đường Cao Tổ sinh ra mười chín công chúa, thì có cả thảy 4 vị tái giá là Cao Mật công chúa, Trường Quảng công chúa, Phòng Lăng công chúa và An Định công chúa. Đời Đường Thái Tông Lý Thế Dân sinh ra hai mươi mốt công chúa, cũng có đến 6 vị tái giá bao gồm: Tương Thành công chúa, Nam Bình công chúa, Toại An công chúa, Tấn An công chúa, Thành Dương công chúa và Tân Thành công chúa.
Sau đó, từ đời Đường Cao Tông cho đến triều Đường Đại Tông, sử sách ghi chép lại có thêm 19 vị công chúa tái giá. Như vậy suốt triều đại nhà Đường, việc các công chúa tái giá không còn là chuyện hiếm, tổng cộng có 29 trường hợp như vậy. Tuy vậy, từ đời Đường Tuyên Tông trở đi, nhà Đường không có thêm vị công chúa nào tái giá nữa cả. Hoàng đế Đường Tuyên Tông đã hạ thánh chỉ về quy định phu thê, theo đó, phàm là công chúa, chồng mất thì đều trở thành quả phụ, không được phép lấy chồng lần thứ hai nữa…