Có lẽ giống như cái tên của mình, tập tản văn có một không khí tản mác riêng biệt, vừa lành lạnh hơi sương, lại xen một chút u buồn hoài niệm của một người thơ nhẹ nhàng.
Với 34 tản văn nhỏ xinh, quyển sách mang lại cảm giác vừa vặn khiến những người lười đọc cũng không thể có cơ mà thoái thác những tản mạn nên thơ để bắt đầu ngẫm ngợi.
Những khoảnh khắc giao mùa đẹp đến nao lòng hiện ra trong mùa lá rụng, mùa sương giăng, mùa dã quỳ rực rỡ, đến những con dốc nhỏ đầy bụi đỏ cũng hiện ra với biết bao cung bậc cảm xúc. Không chỉ vậy, những điều bé mọn, dễ lãng quên như bậc thềm nhỏ cũng được khắc họa kỹ càng, như tái hiện lại cả một khoảng thời gian rực rỡ, trong trẻo của nhiều người khi mà nhớ lại và nó sẽ rung lên khe khẽ.
Miền sương tản phố sẽ dẫn dắt người đọc đi theo một dòng cảm xúc dịu dàng của một thiếu nữ yêu miền đất đỏ bazan như là một duyên nợ. Đó là những tình cảm về hàng cây, về mùa hoa, về con đường quen thuộc, về sương lạnh, về loài hoa dã quỳ đặc trưng của cao nguyên đất đỏ, về tuổi thơ vừa thiếu thốn nhưng lại đầy ấm áp và yêu thương và còn về cả một tình yêu day dứt. Dường như đây là những trang viết để nhà thơ thổ lộ lòng mình, để tri ân miền đất mình sinh sống, những cảm xúc cứ tự nhiên tuôn trào theo mùa, theo cảnh, theo thời gian, theo những vệt ký ức vui buồn lẫn lộn. Những yêu thương cứ thế tuôn trào thành một mạch dài, nối tiếp nhau, hòa quyện vào nhau, đôi lúc chập chờn rồi trùng lẫn vào nhau như một cách nhấn mạnh những ấn tượng sâu sắc của người viết.
Nhưng nếu có ai đó đã từng đến phố núi một lần sẽ thấy phố núi của mình gặp và phố núi trong tập tản văn có sự khác biệt rõ rệt. Bởi những sương giăng đó là từ ký ức của những ngày xưa lắc, trải dài trong tiềm thức của tác giả đến tận bây giờ. Phố xá đã không còn nhỏ như ngày xưa ấy nhưng vẫn thân tình và chậm rãi, như cách nhấp một ngụm cà phê ở một quán vỉa hè mà thảnh thơi ngắm lá rụng, lặng nhìn sương mờ để trôi đi trong lặng lẽ. Ngắm cảnh mà sinh tình, mà ngẫm về những xôn xao ngoài phố cũng là một đặc trưng trong những tản văn của Ngô Thị Thanh Vân, vừa thấy nhẹ nhàng phố đó, hoa kia mà đã cảm khái, ngẫm ngợi đến phận người mà trăn trở.
Tập tản văn không mênh mang dàn trải mà chỉ tập trung vào tình cảm của tác giả đối với quê hương thứ hai của mình, những chi tiết khắc sâu vừa lãng mạn, lại vừa hiện thực khiến người đọc dường như có thể chạm vào một miền sương sâu thẳm. Không quá sức trau chuốt hay thổi thêm những lãng đãng cho miền sương thêm mơ hồ khiến người đọc lạc lối, nhà thơ Ngô Thị Thanh Vân tự chọn cách tách bạch những ký ức mơ mộng của người thơ với cuộc sống thường nhật của người lao động nơi đây, bởi miền sương lãng đãng đó gieo vào lòng du khách, vào lòng những người thơ như tác giả biết bao cảm thán đẹp về “em Pleiku mắt đỏ môi hồng”.