Có một cây hoàng mai xứ Huế

Google News

“Với cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai, tôi muốn viết để mọi người hiểu đúng hơn về Huế, hiểu nhiều hơn về Huế và hiểu hay hơn về Huế”. Đó là chia sẻ của tác giả cuốn sách - nhà báo Minh Tự.

Cuốn tùy bút, phóng sự Trước nhà có cây hoàng mai của Minh Tự bản in của NXB Trẻ, tôi được tác giả kí tặng vào tháng 5/2016, cách nay vừa tròn 8 năm. Đã tùy bút còn phóng sự, thỏa sức tung tẩy, đọc mà cứ dè chừng sợ…hết!

Co mot cay hoang mai xu Hue

Bộ sách song ngữ Trước nhà có cây hoàng mai. Ảnh: Phan Thành.

Để rồi, với tôi những con chữ ấy như những hạt mưa xứ Huế mà tôi từng cảm nhận từ gần 40 năm trước, thời khoác áo sinh viên Văn khoa tổng hợp cùng lứa với Minh Tự “tạnh mưa thì đã ướt rồi/ hạt mưa xứ Huế suốt đời không khô”.

Tôi vẫn nói vui, xứ Huế mà tôi quen biết có hai người có thể phong là ‘thần cây’. Đó là cố nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng - thần Ngô đồng và Minh Tự - thần Hoàng mai.

Không tin các bạn cứ đến trước cổng nhà của hai người, sẽ thấy. Trước cổng nhà Xuân Hoàng là cây Ngô đồng vạm vỡ thẳng vút mấy chục thước lên trời xanh. Còn trước nhà Minh Tự từ lâu đã xanh ngun ngút gốc Hoàng mai - rất - Huế.

Và dĩ nhiên cả Ngô đồng lẫn Hoàng mai đều đã sống và đồng vọng trong những thiên tùy bút, bút ký trác tuyệt của họ rồi. Ngồi dự từ đầu tới cuối cuộc giới thiệu sách, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư thường trực Thừa Thiên Huế chia sẻ “Sách của anh Minh Tự đã cho tôi cảm hứng xây dựng đề án ‘mai vàng trước ngõ’ cho thành phố Huế”.

“Đào hoa lưu thủy bận tâm làm gì” - Hoàng Phủ Ngọc Tường - nhặt được câu thơ tiên giáng ấy trên đỉnh ngọn núi ảo ảnh Bạch Mã năm nào, ngụ ý rằng giữa chốn bồng lai tiên cảnh như này thì bận tâm tới chuyện nước chảy hoa trôi mà chi.

Minh Tự, trong tùy bút lấy chính câu thơ trên làm tựa in trong cuốn sách này, trong lần lạc bước lên Bạch Mã Sơn tròn 20 năm trước, ngồi đốt lửa uống rượu cũng ám ảnh với ý tưởng mang cây hoa đào lên trồng nơi đây, để rồi buông ra câu kết “âu cũng chỉ là cái chuyện đào hoa lưu thủy, nhưng sao lòng dạ vẫn cứ bận tâm…”.

Mối bận tâm ấy theo suốt hơn 200 trang sách, từ Đi tìm lão mai, Cái chết của một lão mai, Trước nhà phải có cây hoàng mai, Còn ai đội nón, Không ai ăn hai lần trên một tô bún bò Huế, Vẻ đẹp giết chết thi sĩ, Đêm cuối năm dưới chân Tràng Tiền, Nỗi niềm chi rứa, Chỉ một cơn mưa là đã thành mùa đông, Khu rừng mưa nhiều nhất Việt Nam, Mây lành đã bay trong ta…

Đọc vào lâu lâu lại phải buông sách thừ người ra, để ngẫm, để soi vào tâm can mình đang còn nhiều vọng động.

Một điều đặc biệt, dù là tản văn, tùy bút, nhưng trong cuốn sách này tác giả luôn chú trọng viết câu ngắn. Những câu ngắn như kiểu nói chuyện chậm rãi, thủng thỉnh của người Huế, phải lắng kỹ mới thấm. Ở bản in lại, tác giả lại càng dụng công chỉnh sửa để câu văn ngắn và sâu hơn.

Sách viết về Huế nhiều vô cùng, đủ thể loại, nhưng với tôi, Trước nhà có cây hoàng mai đã cho tôi sự ngân rung đồng vọng hiếm hoi về đời sống và lẽ sống. Minh Tự gọi là Lối - Huế, còn tôi gọi đó là Sống - Huế. Sống không phải đối lập với chết, cũng không chỉ là tồn tại. Mà là sự giao hòa bất tận mọi cung bậc uyên nguyên. Sống - Huế, có lẽ như câu thơ tôi từng viết “hít vào kiếp trước - thở ra kiếp sau”. Nơi đó muôn kiếp, muôn cõi giao hòa…

Và một điều nữa từ cuốn sách này, đó là những câu chuyện phần lớn được viết từ 15-20 năm trước, nhưng ngạc nhiên là đến nay gần như vẫn không cũ. Đó phải chăng là điều mừng cho Huế, phát triển mà không mất đi chất Huế?

Lại nói về cái câu "nước chảy hoa trôi". Có lẽ Hoàng Phủ lấy từ đôi câu này trong bài thơ Sơn trung vấn đáp của Lý Bạch: “Đào hoa lưu thủy diểu nhiên khứ/Biệt hữu thiên địa tại nhân gian”. Dịch nghĩa là “Hoa đào theo dòng nước chảy trôi đi xa/Riêng có tất cả trời đất ở giữa chốn nhân gian này”.

Thì vậy, chốn đời sống đẹp đẽ và lao lung này, mừng thay vẫn còn kẻ trăn trở và duy mĩ đến mức cực đoan như Minh Tự.


Theo Trần Tuấn/Tiền Phong

>> xem thêm

Bình luận(0)