Liên quan đến vấn đề đang gây tranh luận: Người đã khuất nên đem chôn (địa táng) hay hỏa táng, VietNamNet trích đăng ý kiến của độc giả Phạm Thông:
'Mấy hôm nay, tôi rất chăm chú theo dõi các ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề: Người chết nên đem chôn (địa táng) hay đem hỏa táng?
Theo tôi, không có ai đúng hay sai trong hai cách chọn lựa nói trên. Vấn đề chúng ta cần bàn là nên nhìn nhận sự việc một cách thật thấu đáo để góp phần xây dựng một xu hướng cho phù hợp.
Còn việc lựa chọn là quyền của mỗi người, mỗi gia đình…! Và điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: phong tục tập quán, nhận thức, điều kiện của gia đình, điều kiện của địa phương (đất dành cho việc chôn cất có nhiều không, có gần không, mua có đắt không…?).
Riêng cá nhân tôi, tôi ủng hộ phương án hỏa táng và xin được nêu suy nghĩ riêng của mình về vấn đề này như sau :
Trước hết, nói về phong tục, tập quán: Đã là phong tục, đương nhiên sẽ có mỹ tục và hủ tục.
Phong tục, suy cho cùng là thói quen được hình thành, củng cố và tích lũy trong quá trình phát triển của cộng đồng, của một nhóm người hay của một dân tộc. Như vậy, phong tục cũng là do con người lựa chọn, xây dựng nên. Mà đã do con người tạo nên, thì con người cũng có thể thay đổi nó tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và nhận thức của từng giai đoạn!
Ví dụ: Trước kia, ngày Tết Nguyên đán, nhà nào cũng đốt một vài bánh pháo khi đón giao thừa. Nhưng sau khi có lệnh cấm đốt pháo dịp Tết, mọi người không đốt nữa. Ban đầu, có thể nhiều người không thích, nhưng lâu dần thành quen.
Dân tộc Việt Nam mình có nhiều người theo đạo Phật. Mà đức Phật khi qua đời cũng đem hỏa táng. Các vị cao tăng tu tại các chùa, khi tạ thế cũng hỏa táng.
Các nước như: Ấn Độ, Trung Quốc…, việc hỏa táng khá phổ biến. Hơn nữa, mọi người ai cũng nghe câu: ‘Hồn lìa khỏi xác’, có nghĩa theo quan niệm về tâm linh, con người ta có hai phần, phần xác và phần hồn. Khi chết, phần hồn đi về chốn khác (thiên đàng, cõi Niết Bàn, địa ngục…), còn phần xác nằm lại. Việc đem phần xác đi chôn hay hỏa táng, theo tôi không còn quan trọng.
Xung quanh việc này, nhiều thầy bói, thầy cúng… phản đối và cho rằng, đem xác đi thiêu, người chết thấy nóng.
Tôi không phủ nhận là có nhiều thầy rất giỏi, nhưng cũng không thiếu người chỉ là lợi dụng để mưu lợi. Sở dĩ, các thầy nói với thân chủ là: đem hỏa táng thì người chết bị nóng, theo tôi, có thể các thầy đó muốn giữ nguồn thu của họ thôi. Bởi nếu ai đã từng phải đi xem thầy khi có người nhà mất: xem giờ liệm, giờ ra cửa, giờ hạ huyệt, xem đất, hướng mộ, giờ động thổ…, thì khi chuẩn bị bốc mộ cũng phải xem các nội dung trên một lần nữa. Nhưng nếu hỏa táng, việc xem các nội dung trên chỉ cần một lần duy nhất.
Ở quê tôi, rất nhiều trường hợp, trước khi bốc mộ, người nhà đi xem, mỗi thầy phán một kiểu, thậm chí ngược nhau: cùng một ngày, có thầy bảo ngày đẹp, có thầy bảo ngày xấu. Hai chị em đi xem hai thầy khác nhau để chuẩn bị bốc mộ, thầy thì bảo đã sạch, bốc được rồi, thầy lại nói chưa sạch, chưa bốc được mộ. Thậm chí, có nhà tin lời thầy phán là đã sạch, bốc được rồi, nhưng khi đào lên, xác chưa phân hủy hết.
Quê tôi (Thái Thụy - Thái Bình), do gần biển, có nhiều mạch nước ngầm bị mặn. Nếu chôn xuống, không may gặp phải mạch nước mặn, xác rất lâu phân hủy.
Đã có trường hợp, khi bốc mộ, thi thể chưa phân hủy hết, người nhà phải mua quan tài khác, mua vải liệm lại rồi đem chôn lại, có nhà gọi đài hóa thân đến đem đi thiêu, chi phí mất thêm vài chục triệu nữa.
Nếu xảy ra các trường hợp trên, con cháu rất thương tâm khi chứng kiến, chưa kể nếu theo yếu tố tâm linh con cháu sẽ cảm thấy lo sợ, áy náy…!
Lại có rất nhiều trường hợp, chuẩn bị bốc mộ cho người này thì trong nhà lại có người ruột thịt chết, việc bốc mộ đành phải hoãn lại chờ hết tang người chết sau mới được bốc mộ người chết trước. Vì vậy, nhiều người dù đã đủ điều kiện bốc mộ, nhưng vì phải chờ đợi mà chưa bốc được, con cháu rất áy náy, lo nghĩ không yên tâm. Nhưng nếu hỏa táng thì không có cảnh éo le trên.
Nhà tôi đây cũng nằm trong trường hợp đó. Mẹ tôi mất tháng 2/2008 (âm lịch). Bố tôi mất tháng 10/2013 (âm lịch). Tại thời điểm đó, nếu muốn hỏa táng, chúng tôi phải đưa lên Hà Nội, hoặc đưa ra Hải Phòng, rất xa nên không tiện, đành phải địa táng.
Trước lúc chết, bố tôi có tâm nguyện muốn bốc mộ cho mẹ tôi trước khi ông nhắm mắt xuôi tay. Nhưng thời điểm đó, mẹ tôi mới mất được hơn 5 năm, chưa thể bốc mộ được. Vậy là ông ra đi mà trong lòng chưa toại nguyện.
Tháng 1/2016 (âm lịch), anh cả của tôi mất. Nhà tôi đưa anh sang Nam Định hỏa táng, tính từ lúc đưa quan tài đi thiêu đến khi đưa bình tro về nhà, chỉ mất độ 5 tiếng, rất tiện. Trong khi đó, đến năm ngoái, gia đình chúng tôi mới bốc được mộ cho cả bố và mẹ.
Quê tôi lại còn phong tục: Bốc mộ phải làm ban đêm; những năm nào nhuận thì kiêng không bốc mộ.
Thú thật với các bạn: Ngay từ đầu năm 2019, khi quyết định sẽ bốc mộ cho các cụ vào cuối năm, tôi luôn canh cánh một nỗi lo, nhiều đêm mất ngủ, chỉ sợ các cụ chưa sạch. Chỉ đến khi nhìn thấy các cụ đã sạch, tôi như cất được tảng đá đeo ở trong lòng.
Với tất cả các tình huống, hoàn cảnh mà tôi đã trải qua, tôi cho rằng: Hỏa táng vẫn là phương án tối ưu, tránh cho thân nhân trong gia đình những lo âu, phiền muộn không đáng có mà vẫn trọn vẹn nghĩa tình và đảm bảo yếu tố tâm linh.
Và cũng xin đừng có bạn nào nghĩ rằng, con cháu lựa chọn việc mai táng cho thân nhân theo hướng đơn giản, thuận tiện là bất hiếu, bất nghĩa. Ở đây, chúng ta đang cùng nhau đi tìm một giải pháp để vẫn đảm bảo được các yêu cầu về đạo lý, về tâm linh, nhưng cũng thuận tiện cho những người đang sống.
Hy vọng rằng, qua những dòng tâm sự của tôi, sẽ có nhiều bạn suy nghĩ, cân nhắc và đưa ra được những quyết định phù hợp nhất.
Riêng tôi, sau dịp bốc mộ cho bố, mẹ mình, tôi cũng đã làm sẵn một số huyệt mộ để trống. Chắc chắn sau này, khi vợ chồng tôi về với tổ tiên, tôi sẽ yêu cầu con mình hỏa táng và đưa tro cốt về chôn cạnh các cụ (hiện tại, tôi đang 57 tuổi).
Xin gửi tới các bạn lời chào trân trọng!