Chuyện lạ về hai vị vua đánh hổ nổi danh sử Việt

Google News

(Kiến Thức) - Khi nhắc tới chuyện đánh hổ, người đời thường nghĩ đến nhân vật Võ Tòng trong tác phẩm Thuỷ Hử  mà không biết rằng ở nước ta chuyện đánh hổ không phải là hiếm. Truyền tụng về hai vị vua nước Việt đánh hổ là một minh chứng rõ nhất cho điều đó.

Mai Thúc Loan đánh hổ cứu mẹ
Mai Thúc Loan tên thật là Mai Phượng, tự là Thúc Loan, quê ở làng Mai Phụ, xứ Thiên Lộc, thuộc Hoan Châu (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau gia đình ông di cư về vùng Ngọc Trường, đất Sa Nam, cũng thuộc Hoan Châu (nay là làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, Nghệ An) và sinh ra Mai Thúc Loan ở đây.
Ông xuất thân trong một gia đình nghèo làm nghề muối ở ven biển; theo dã sử cha của Mai Thúc Loan tên là Mai Sinh, thân mẫu là Vương Thị. Hai người mất đi khi ông mới hơn 10 tuổi.
Truyền rằng vì nhà nghèo nên từ thuở nhỏ Mai Thúc Loan đã phải làm việc giúp cha mẹ đỡ đần việc nhà. Một lần cùng mẹ vào rừng kiếm củi, bất ngờ có một con hổ lớn lông vàng chồm ra ngoạm lấy cổ bà mẹ định tha đi; cậu bé họ Mai nghe tiếng thét của mẹ liền lao đến dang tay chém mạnh một nhát rìu vào đầu hổ, con hổ dữ tuy bị chém đòn thí mạng phải buông mồi nhưng vẫn nhảy tới tát mạnh vào kẻ tấn công. Mai Thúc Loan nhanh nhẹn tránh được rồi dồn sức dùng rìu chém tiếp một nhát, con hổ bạt vía cụp đuôi bỏ chạy vào rừng với vệt máu từ vết thương lớn trên người.
Chuyen la ve hai vi vua danh ho noi danh su Viet
 Đánh hổ cứu mẹ. (Hình minh họa – Nguồn: truyentranh). 
Người mẹ thoát khỏi nanh vuốt của hổ nhưng vì vết thương trên cổ quá nặng nên đã qua đời, Mai Thúc Loan trước đã mồ côi cha nay mất cả mẹ, may mắn là một người bạn của cha tên là Đinh Thế đã cưu mang, nuôi dạy ông, đến khi Mai Thúc Loan trưởng thành đã gả con gái là Đinh Thị Ngọc Tô. Chính người vợ này và gia đình bà sau này đã giúp đỡ Mai Thúc Loan rất nhiều trong việc chuẩn bị lực lượng dấy cờ khởi nghĩa.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn cho biết: “Năm Nhâm Tuất [722] (Đường Huyền Tông, Khai Nguyên năm thứ 10),… Mai Thúc Loan chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế”, hoặc như sách Việt sử tiêu án viết ngắn gọn: “Người châu Hoan là Mai Thúc Loan giữ châu, xưng là Hắc Đế”, …
Châu Hoan xưa là một vùng đất rộng lớn, tương ứng với hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay; sau khi cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, vị vua đánh hổ Mai Thúc Loan thiết lập chính quyền độc lập, xây dựng kinh đô ở vùng Sa Nam (nay thuộc Nam Đàn, Nghệ An), đặt tên kinh đô là Vạn An như một cách đối chọi lại với kinh đô Trường An của nhà Đường rồi xưng làm hoàng đế.
Sử sách viết về Mai Thúc Loan thường gọi ông là Mai Hắc Đế (vua đen họ Mai) nguyên do là ông có nước da màu đen. Nhiều tài liệu dã sử, truyền thuyết, thần tích đều viết tương tự như vậy, thí dụ như trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục có đoạn chép: “Người Mai Phụ, huyện Thiên Lộc, thuộc Hoan Châu, bây giờ thuộc huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ, Hà Tĩnh. Thúc Loan người đen lắm nên người Hoan Châu gọi là Hắc Đế”. Riêng sách Tân đính hiệu bình Việt điện u linh thì viết: “Mai Thúc Loan bèn đem quân chiếm châu thành, chia quân đóng giữ. Quân thần đến mừng đều xin Mai Thúc Loan lên ngôi báu. Mai Thúc Loan bèn lên ngôi hoàng đế ở phía nam Hương Lãm, tự cho mình là đức “thủy”, xưng là Hắc Đế”. Theo thuyết Ngũ hành, Dịch lý thì màu đen tượng trưng cho nước, mà Mai Thúc Loan vốn xuất thân ở gia đình nấu muối vùng ven biển nên có thể ông tự cho là mang tính chất của nước.
Chuyen la ve hai vi vua danh ho noi danh su Viet-Hinh-2
Lăng mộ Mai Hắc Đế ở xã Vân Diêm, huyện Nam Đàn, Nghệ An. (Hình minh họa – Nguồn: vanhoaxunghe).  

Trong thời kỳ chống ách đô hộ thời Bắc thuộc, Mai Thúc Loan là người thứ ba sau Lý Bí (Lý Nam Đế) và Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế) xưng đế. Về sau tuy cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo bị thất bại, nhưng công tích và danh tiếng vẫn còn vang mãi, đúng như sách Việt giám thông khảo tổng luận viết năm Giáp Tuất (1514), đã đánh giá như sau: “Mai Hắc Đế nổi lên từ châu Hoan, căm giận ngược chính của Sở Khách, cất quân để đánh, phía Nam giữ đất Hải Lĩnh, phía Bắc chống lại nhà Đường, có thể gọi là bậc vua hào kiệt”.
Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn tóm lược rằng:
Quan Đường lắm kẻ tham tài,
Binh dân hàm oán, trong ngoài hợp mưu.
Mai Thúc Loan ở Hoan Châu,
Quân ba mươi vạn ruổi vào ải xa.
Hiệu cờ Hắc Đế mở ra,
Cũng toan quét sạch sơn hà một phương.
Đường sai Tư Húc tiếp sang,
Hợp cùng Sở Khách hai đàng giáp công.
Vận đời còn chửa hanh thông,
Nước non để giận anh hùng nghìn thu.
Phùng Hưng diệt hổ giúp dân lành
Phùng Hưng, tên tự là Công Phấn, tên hiệu là Cự Lão, quê ở xã Cam Lâm, thuộc huyện Phúc Lộc, xứ Đường Lâm (nay thuộc làng Đường Lâm, TX. Sơn Tây, Hà Nội). Ông xuất thân từ gia đình dòng dõi cự tộc, nhiều đời làm hào trưởng đất Đường Lâm, cha tên là Phùng Hạp Khanh; thân mẫu tên Sử Thục Nương là người đảm lược, có chí lớn.
Đến tuổi trưởng thành, Phùng Hưng nối nghiệp cha làm hào trưởng Đường Lâm; ông cùng hai em là Phùng Hải (tự là Tư Hào) và Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt), âm thầm nuôi chí lớn đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại giang sơn.
Phùng Hưng là một người có sức khoẻ khác thường, rất chuộng nghĩa khí, thường hay giúp đỡ kẻ khó; một dạo ở vùng Đường Lâm bỗng xuất hiện một con hổ dữ gây hại rất nhiều cho người và gia súc; phường săn đã được huy động tìm cách diệt hổ nhưng không được bởi đó là con hổ rất tinh khôn. Để diệt hổ dữ cứu dân lành, Phùng Hưng đã nghĩ ra kế hay, ông làm một bù nhìn bằng rơm rồi đặt ở nơi hổ thường xuất hiện. Khi thấy có dáng người, con hổ liền lao đến cắn xé nhưng đó chỉ là rơm với rơm. Tiếp đó Phùng Hưng lại đặt một bù nhìn rơm khác ở đúng chỗ đó; sau nhiều lần bị mắc lừa, con hổ không còn chú ý đến người rơm nữa.
Một hôm Phùng Hưng cởi trần, đóng khố, trát bùn kín khắp người để làm mất đi mùi hơi người; sau đó ông tới nơi thường đặt bù nhìn rơm. Khi con hổ xuất hiện, lúc nó đi qua thì bất ngờ Phùng Hưng xông tới quặp chặt lấy cổ hổ, sau một hồi vật lộn, lựa thế thuận lợi ông đã giáng một cú đấm cực mạnh làm vỡ sọ con hổ.
Danh tiếng vị hào trưởng Đường Lâm một mình đánh chết hổ dữ ngày càng bay xa khiến anh hùng, nghĩa sĩ khắp nơi nô nức tìm đến tỏ lòng khâm phục và kết thân. Đây chính là cơ hội thuận lợi để Phùng Hưng liên kết, chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa lật đổ ách đô hộ của nhà Đường.
Năm Tân Mùi (791) cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng giành được thắng lợi, ông lấy phủ đô hộ Tống Bình đổi làm kinh đô triều đại của mình và được dân chúng suy tôn là Bố Cái Đại Vương. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca viết rằng:
Đường Lâm mới có Phùng Hưng,
Đã tài kiêu dũng, lại lưng phú hào.
Cõi Tây nổi việc cung đao,
Đô quân tôn hiệu, Tản Thao hiệp tình.
Đem quân thẳng đến vây thành,
Đại La thế bức, Chính Bình hồn tiêu.
Nhân phủ trị mở ngôi triều,
Phong Châu một giải nhiếp điều mấy niên.
Đế hương phút trở xe biền,
Đại vương Bố Cái tiếng truyền muôn thu.
Cầm quyền được mấy năm thì Phùng Hưng qua đời, các sách sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên đều ghi rằng vua “đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết”; sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Phùng Hưng vào ở trong phủ lị, được ít lâu thì mất”. Trong khi đó sách Việt điện u linh dẫn lại sách Giao Châu ký lại cho biết: “Phùng Hưng vào phủ Đô hộ coi việc nước được 7 năm thì mất”; sách Việt Nam tiền cổ vĩ nhân liệt truyện cũng viết là ông làm vua được 7 năm.
Chuyen la ve hai vi vua danh ho noi danh su Viet-Hinh-3
Biển chỉ dẫn vào lăng mộ Phùng Hưng. (Ảnh: Lê Thái Dũng).  
Thần tích làng Thịnh Hào (nay thuộc khu vực Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) nơi thờ Phùng Hưng làm Thành hoàng viết: “Phùng Hưng vào thành, chiếm cứ phủ trị mà xưng vương, không được bao lâu Phùng Hưng ốm chết”…Sau khi ông qua đời, thi hài được an táng tại phía Tây đô thành Tống Bình (lăng mộ nay vẫn còn, nằm trên khu vực đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội).
Đánh giá về công lao, sự nghiệp của Phùng Hưng, sách Việt giám thông khảo tổng luận bình rằng: “Phùng Bố Cái là người anh hào ở Đường Lâm, ghét sự tàn ngược của Chính Bình, anh em thừa thời trỗi dậy, cứu dân dẹp loạn, ban đức lập công, có thể gọi là vị vua nhân hậu”.
Mối quan hệ ít biết giữa Mai Hắc Đế và Bố Cái Đại vương
Không chỉ lưu danh với câu chuyện đánh hổ mà hai vị vua Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan) và Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng) còn để lại dấu son trong lịch sử dân tộc; và một điều thú vị ít ai biết rằng giữa họ có những mối quan hệ nhất định.
Cha của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế, sau khi triều Mai tan vỡ, ông trở về quê chăm chú công việc điền viên, trở thành một người có thế lực lớn.
Theo thần tích ở đình làng Hòa Mục (nay thuộc phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) thờ Thành hoàng là bà Phạm Thị Uyển, quê ở trang Thọ Xương, quận Nam Xương, đất Đại La (nay thuộc khu vực nhà Thờ Lớn, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).
Chuyen la ve hai vi vua danh ho noi danh su Viet-Hinh-4
Tượng thờ bà Phạm Thị Uyển tại đền Dục Anh (Q. Cầu Giấy, TP Hà Nội). (Hình minh họa – Nguồn: diendanlichsu).  
Cha của Phạm Thị Uyển là Phạm Huyên còn gọi là Phạm Khuyên, hiệu là Minh Dực, mẹ hiệu là Diệu Hoa, tên thật là Phùng Thị Thảo (bà còn có tên là Phùng Thị Thạo Hoa), chị gái của Phùng Hưng. Truyền rằng khi Mai Thúc Loan đem quân ra đánh phủ đô hộ, Phùng Hạp Khanh cùng nhiều hào kiệt xứ Bắc đã dẫn theo thuộc hạ tiếp ứng, hạ thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Qúy trọng người anh hùng đã cứu đất nước thoát khỏi ách nô lệ, Phùng Hạp Khanh đã đem cháu gái gả cho Mai Thúc Loan; bấy giờ Phạm Thị Uyển vừa tròn 18 tuổi. Như vậy nếu theo tư liệu này thì Phùng Hưng là cậu vợ của Mai Thúc Loan.
Ngoài ra bà Phạm Thị Uyển còn có hai người em trai là Phạm Miện và Phạm Huy; hai người sau này đều là các danh tướng trong cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng. Và cuối cùng, cuộc khởi nghĩa do Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng) lãnh đạo được coi là sự tiếp nối sự nghiệp của Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan); có câu đối ca ngợi ơn đức, uy vũ và công tích của ông có nội dung như sau:
Thanh chấn Lý Đường, Thuận Đức niên gian uy Bắc khẩu,
Vận thừa Mai Đế, Phong Thành phủ lỵ thái Nam bang.
Nghĩa là:
Rung động nhà Đường, năm Thuận Đức lừng oai kinh giặc Bắc,
Nối vận vua Mai, giữ Phong Thành sở trị vững trời Nam.
Lê Thái Dũng

>> xem thêm

Bình luận(0)