Trời đất Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) mưa như trút nước. Nhà nghiên cứu sử địa phương Hoàng Hùng đeo cặp kính lão trễ nải, lật từng trang tài liệu in từ bản dập Viện Viễn Đông Bác cổ, phân tích về dấu tích các lăng mộ, đền miếu, bia đá khi xưa.
Những cánh đồng lúa bát ngát, những làng mạc trù phú, những quả đồi trọc... ngoài ông ra, mấy ai biết rằng, xưa kia là những “cung vàng điện ngọc”, những công trình kỳ vĩ, những lăng tẩm đền đài đổ nát không xa lắm, bởi người Pháp vẫn còn chép lại, tả kỹ, thậm chí lưu giữ những bản dập chữ Hán.
“Nghiên cứu từ dân gian chỉ là một phần, còn những tài liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ thực sự là quý giá. Họ mô tả kỹ lưỡng từng chi tiết hoành phi, câu đối, bia đá, cột kèo... Giờ, căn cứ vào tài liệu ấy, có thể dựng lại được các công trình cổ” – ông Hoàng Hùng gỡ cặp kính lão nói.
|
Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng tin rằng, ngôi mộ trong vườn nhà Chủ tịch UBND xã Xuân Hưng là mộ vua Lê Thần Tông. |
Những năm tháng lang bạt khắp làng trên xóm dưới, góc núi bìa rừng, núi cao đồi thấp, nhà sử học địa phương Hoàng Hùng rất để tâm đến mồ mả của các vua Lê. Vùng Thọ Xuân là Lam Kinh khi xưa, nơi các đời vua Lê xuất thế, rồi về với đất, nên những bí ẩn phần mộ của các vua thực sự là những câu chuyện hấp dẫn.
Nhiều năm nghiên cứu, từ tài liệu cổ, đến thực địa, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng tiết lộ, nắm trong tay nhiều vị trí, nhiều ngôi mộ cổ, còn nằm nguyên vẹn dưới lòng đất, với niềm tin, là mộ vua. Nếu thông tin này thực sự chính xác, thì nhà nghiên cứu Hoàng Hùng đang có những thông tin vô cùng quý báu.
60 năm qua, việc phát hiện mộ vua Lê Dụ Tông, lúc nào cũng là vấn đề thời sự, nhận được sự quan tâm không chỉ của giới khảo cổ, mà của nhân dân cả nước. Từ một ngôi mộ vô danh người dân quật lên, các nhà khoa học đã khẳng định là thi hài vua Dụ Tông, tiếp đó là việc bảo quản xác tại Hà Nội, rồi táng ông về Thọ Xuân là câu chuyện dài đầy liêu trai kỳ bí.
“Việc tiết lộ ngôi mộ cổ, có thể là mộ vua Lê, là việc cần thiết, nên làm, bởi không chỉ thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu bài bản, mà còn là cách bảo vệ tốt nhất những ngôi mộ cổ” – tôi nói với nhà nghiên cứu Hoàng Hùng như vậy.
Suy ngẫm một hồi, rồi ông Hoàng Hùng bấm điện thoại gọi, nói chuyện một lúc. Trời mưa tầm tã, chúng tôi lên xe tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Thoa, Chủ tịch UBND xã Xuân Hưng.
Chúng tôi ngồi uống trà trong căn nhà nhỏ, rậm rì cây cối, một lát thì anh Nguyễn Văn Thoa đội mưa đi về.
|
Anh Nguyễn Văn Thoa, Chủ tịch UBND xã Xuân Hưng kể về ngôi mộ cổ trong vườn nhà. |
Tôi cầm ô, đứng giữa sân nhà anh Thoa, nhìn mãi không thấy quả đồi nào. Anh Thoa chỉ ra phía trái nhà, mô đất cao hơn nền nhà một chút và bảo rằng, đó vốn là quả đồi, đã bị san ủi lấp đi, nên mới bằng phẳng như vậy. Ngôi nhà gia đình anh đang ở, dựng từ mấy chục năm trước, vốn ở chân quả đồi nhỏ.
Theo lời anh Thoa, hồi ông nội anh còn sống, là ông Nguyễn Văn Vả, gặp một thầy địa lý giỏi nhất vùng, tham khảo nơi đặt mộ, thì thầy địa lý bảo táng ở đồi Ông Công, thuộc thôn Xuân Tân.
Khi đó, trên quả đồi có một ngôi miếu, có bia đá rất cổ, chữ mờ, không ai dịch được nội dung bia đá nói gì. Sau miếu bị phá, bia đá biến mất, không rõ ai lấy, ai phá.
Người dân trong vùng gọi đó là đồi Ông Công. Ngôi miếu trên đỉnh đồi là miếu Ông Công, thờ ông Công, còn ông Công là ai, thân thế sự nghiệp thế nào thì chẳng ai biết. Các cụ xưa kia gọi vậy, rằm lễ lên thắp hương ở miếu.
Năm 1962, ông Nguyễn Văn Vả qua đời, theo lời dặn, gia đình đã táng ông lên đồi Ông Công.
Năm 1978, mẹ đẻ anh Nguyễn Văn Thoa đang bình thường, bỗng dưng như người hoang tưởng, bà cứ luôn mồm đòi chuyển mộ cụ Vả đi “vì không được đặt mộ cụ ở đất vua”.
Suốt 10 năm trời, bà cứ nằng nặc đòi gia đình phải chuyển mộ cụ đi. Thậm chí, đêm hôm, bà bỗng dưng múa hát, với những lời lẽ câu chữ rất khó hiểu.
|
Anh Nguyễn Văn Thoa đã xây quây ngôi mộ lại bằng gạch mộc, hương khói thường xuyên. |
Thời điểm đó, mọi người trong gia đình nghĩ bà có vấn đề, nên cứ kệ bà nói nhảm. Có lần, người chị dâu cả của anh Thoa đi xem bói, thầy bói bảo mộ cụ Vả bị kết (nguyên xác), nên không ai dám chuyển mộ.
Năm 1987, khi anh Thoa còn nhỏ, khi ngôi miếu không còn nữa, thì gia đình nhờ người phá đồi, san bằng lấy đất trồng mía.
Sau cả tháng đào phá, san đất, độ sâu vài mét, thì chạm một khối hợp chất gần giống như bê tông, rõ ràng là một ngôi mộ cổ. Lúc này, mọi người mới giật mình với những lời nói “luyên thuyên” của mẹ anh Thoa.
Nhiều người kéo đến xem ngôi mộ. Một số người đồn thổi rằng, đó là am giấu vàng, chứ không phải mộ. 4 người làm công việc san đồi liền dùng búa đập quách "bê tông". Tuy nhiên, đập mãi mà chỉ vỡ được vài miếng to bằng ấm tích. Khi việc đập mộ chưa xong, thì xuất hiện nhiều hiện tượng lạ, khiến nhóm người dừng tay.
Điều kinh dị, là cả 4 người xâm phạm ngôi mộ đều qua đời một cách khó hiểu. Người vào Đắk Nông đi làm gỗ trong rừng, bị cây đổ đè chết. Cậu cháu của người đó đi theo vào Đắk Nông, ăn phải cây độc cũng qua đời khi tròn 18 tuổi. Một người ở quê bị điện giật chết. Một người qua đời do ung thư, dù còn rất trẻ. Cả 4 người đều là thân thích với anh Thoa.
|
Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng bên ngôi mộ cổ. |
Dù không tin chuyện tâm linh, nhưng anh Thoa cũng thờ cúng cẩn thận. Ngày rằm, mùng một, anh đều thắp hương ở mộ. Anh xây quây ngôi mộ lại, tính xây một cái miếu để thờ, nhưng nhà nghiên cứu Hoàng Hùng bảo không được xây xướng gì cả, cứ để đó bảo tồn, nghiên cứu đã.
Tìm thấy tài liệu của Louis Bezacier (nhà nghiên cứu người Pháp, say mê ghi chép các công trình cổ Việt Nam thời Pháp thuộc), hiện lưu trữ ở Viện Viễn Đông Bác cổ, thì nhà nghiên cứu Hoàng Hùng có được một số thông tin quý giá.
Louis Bezacier mô tả khá kỹ một số lăng mộ, đền miếu, bia đá của các vua Lê ở đất Lam Kinh, trong đó có mộ vua Lê Thần Tông. Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng tin rằng, rất nhiều khả năng ngôi mộ ở trái nhà anh Nguyễn Văn Tho chính là mộ vua Lê Thần Tông.
Louis Bezacier mô tả: Vua Lê Thần Tông được mai táng ở làng Quần Đội. Làng Quần Đội ở phía bên phải đường từ Thanh Hóa đi Bái Thượng, đúng cây số 43. Phía bắc làng và cách rìa đường khoảng 200m có một thửa đất hình hơi vuông, mỗi cạnh khoảng 190m, có cây to che chở, dấu vết xưa của một cánh rừng thiêng. Ở giữa thửa đất đó, trên một cái gò cao khoảng 1,5m, có cạnh 12m, có nhiều bụi rậm, người ta dựng một cái bia để đánh dấu phần mộ của vua Lê Thần Tông, mang tên là Quần Ngọc lăng.
Ngôi mộ hoàn toàn bị hủy hoại, chẳng còn một vết tích gì. Cái bia đá ở đây cũng giống như hầu hết các bia đương thời (thời Minh Mạng), không được dựng lên trên lưng rùa như các bia ở Lam Sơn. Nó chỉ được dựng đơn giản trên một mô đất đắp, một chiều 0,7m, một chiều 0,41m và cao 0,88m. Bia chôn thẳng xuống đất.
Bia được cấu tạo bằng một tấm sa thạch cao 0,9m, rộng 0,45m và dày 0,11m, trên chóp có hình tam giác 3 lá. Trên bia còn rõ dòng chữ ngày dựng bia: Ngày 25, tháng tư, năm Minh Mạng thứ 21 (26 tháng 5 năm 1840).
Tài liệu của Louis Bezacier còn mô tả, về phía tây nam của cái bia và cuối hướng tây làng Quần Đội, có một cánh rừng khác, và chính giữa cánh rừng có ngôi mộ của Trần Hoành, bố của Trần Thị Ngọc Trần, vợ của vua Lê Lợi, mẹ của vua Lê Thái Tông.
Theo chân anh Nguyễn Văn Thoa, chúng tôi tìm ra gò đất ngay chái nhà. Ngôi mộ đã được xây quây tạm bằng gạch mộc và có cây hương từ năm 2014. Trên ngôi mộ vẫn còn vài mảnh hợp chất mà những người tham gia san đồi đục ra từ hơn 30 năm trước. Những miếng hợp chất đục từ quách ra, phơi nắng mưa từ năm 1987, tức 32 năm, nhưng vẫn giữ nguyên màu sáng pha vàng nhạt, không hề bị rêu mốc.
|
Những miếng hợp chất đục ra từ mộ. |
“Căn cứ vào mô tả của Louis Bezacier về vị trí ngôi mộ, lăng Quần Ngọc, cùng với việc bia một nẻo, mộ thật của vua một nẻo, thường bia đá đặt cách mộ khoảng 150m, để tránh đào trộm, tôi tin rằng, ngôi mộ ở thôn Xuân Tân, xã Xuân Hưng, khả năng rất cao là của vua Lê Thần Tông” – nhà nghiên cứu Hoàng Hùng cho biết.
Hiện ngôi mộ được bảo quản, trông nom nguyên vẹn trong vườn nhà Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thoa, tuy nhiên, đây có phải mộ vua Lê Thần Tông hay không, thì cần sự vào cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học. Nếu ngôi mộ này, cùng với một số ngôi mộ đã lộ diện khác, được xác định là mộ vua Lê, thì đây sẽ là những thông tin khảo cổ cực kỳ quan trọng.
Lê Thần Tông tên húy là Lê Duy Kỳ, là vị hoàng đế thứ sáu của nhà Lê Trung hưng và thứ 17 của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Ông cũng là vị Vua Việt Nam duy nhất hai lần lên ngôi, có đến 4 người con đều làm vua và là vị vua Việt Nam đầu tiên lấy vợ phương Tây cũng như là vua có nhiều vợ là người các dân tộc khác.
Lê Thần Tông sinh năm Đinh Mùi (1607), là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái thứ của chúa Trịnh Tùng. Như vậy ông là cháu nội của Lê Thế Tông và cháu ngoại của Trịnh Tùng. Ông được sử sách mô tả là người có mũi cao, mặt rồng.