Xin trích lại một số câu chuyện cảm động về Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười qua lời kể của những người từng sống và làm việc với ông, được in trong cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử (Nxb Chính trị Quốc gia - 2012)".
|
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. Ảnh: TTXVN. |
Ông Nguyễn Thọ Chân (Lão thành cách mạng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động):
"Gia đình anh Đỗ Mười rất nghèo. Bố anh tên là Nguyễn Duy Trinh, sinh được bảy người con (bốn trai, ba gái).
Tôi và bố anh Đỗ Mười là con chú con bác. Gia đình tôi có cụ Tú làm thông phán ở huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình). Cụ đưa anh Đỗ Mười theo để học, nhờ vậy anh Đỗ Mười thi được sơ học yếu lược (cấp I), có biết một ít tiếng Pháp.
Anh Đỗ Mười vào Đảng sau tôi khoảng 5 tháng nhưng sinh hoạt cùng chi bộ. Anh là một người hiếm có, trải qua từ chi bộ, ở tù, kháng chiến tham gia nhiều cấp ủy từ tỉnh tới trung ương.
...
Tôi còn nhớ, hồi tôi đi công tác nước ngoài về, là Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng. Họ xếp cho tôi ở nhà khách số 7 Nguyễn Cảnh Chân. Khi gặp Đỗ Mười, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, tôi bảo: "Anh xếp nhà cho tôi".
Đỗ Mười nói: 'Chú cứ ở đấy đi, nhà khách cũng là nhà, cháu xếp nhà cho chú, người ta bảo vì quan hệ chú cháu'.
Nghe anh nói như vậy, tôi đành ở nhà khách suốt 20 năm. Anh lo cho người khác được, nhưng không giúp chú mình.
Anh Đỗ Mười có nhược điểm hay nói lớn, ít giữ gìn nhưng một lòng vì công việc. Anh sống giản dị, quần áo, đồ đạc xuềnh xoàng. Có lần ông Phạm Văn Đồng than: 'Nhà ông Mười chẳng có đồ đạc gì đáng giá'.
Anh không có phòng ngủ riêng, chỉ có cái giường nhỏ cạnh bàn bàn việc. Có hôm, anh mời tôi ăn cơm rồi ngủ lại buổi trưa, anh mời tôi nằm giường, còn anh ngồi ghế.
...
Trong gia đình anh rất giữ lễ, tôi là chú, anh gọi chú xưng cháu lễ độ. Vào nhà thờ tổ, anh để tôi khấn, anh không dám khấn".
Ông Nguyễn Tiệp (Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50 - Khu Tả Ngạn):
"Từ cuối năm 1950, tình hình địa bàn tả ngạn sông Hồng còn rất khó khăn do địch chiếm hoàn toàn khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tại cuộc họp bất thường, Ban Thường vụ Liên khu ủy III đã có nghị quyết về việc thành lập Ban Cán sự Tả Ngạn.
...
Đồng chí Đỗ Mười là người có tinh thần rất kiên định và lối sống rất trung thực. Trong hoàn cảnh rất ác liệt của Khu Tả Ngạn, ngày đêm địch hoành hành trắng trợn, cái sống và cái chết gần nhau trong gang tấc, có cán bộ đã dao động bỏ đất, bỏ dân chạy về vùng tự do, đồng chí Đỗ Mười đã cùng Ban Thường vụ Khu ủy, các đồng chí trong Bộ Tư lệnh khu kiên trì bám đất bám dân suốt cuộc kháng chiến.
Một hình ảnh in đậm trong tâm trí tôi, khi được tin đồng chí bị cảm thương hàn, tôi đến thăm, đồng chí ngồi dậy nói chuyện với phong cách hết sức sôi nổi, nhiệt tình, với ý chí tiến công địch. Đồng chí trăn trở với câu hỏi làm sao để gây thiệt hại lớn cho địch và bảo toàn, phát triển lực lượng của ta?
Hình ảnh đồng chí vóc dáng cao to nhưng bị cảm thương hàn nặng, sức khỏe sút rất nhanh, trông rất thương tâm nhưng nghĩ đến công việc vẫn sôi nổi, tinh thần cách mạng tiến công rất cao, đã gây cho tôi và những cán bộ, chiến sĩ ấn tượng không phai mờ về một chiến sĩ cộng sản kiên cường, vì sự nghiệp độc lập dân tộc và giải phóng Tổ quốc, đi lên chủ nghĩa xã hội".
|
Tổng bí thư Đỗ Mười thăm trường PTTH dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 2/1992. Ảnh: TTXVN. |
Ông Phan Trọng Kính (Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười):
"Trở về Bộ Xây dựng (trước đây gọi là Bộ Kiến trúc), tôi được bộ phân công về Cục Quản lý thi công chuyên theo dõi và kiểm tra thi công các công trình đang xây dựng. Ít tháng sau, tôi lại được bộ điều động lên giúp việc cho đồng chí Đỗ Mười - Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng, với danh nghĩa là thư ký riêng.
...
Có thể nói, từ ngày được phục vụ đồng chí Bộ trưởng, tôi thấy đồng chí có cường độ làm việc rất phi thường: một ngày làm việc của đồng chí không phải là 10 tiếng mà thường xuyên là 16 - 17 tiếng. Bốn giờ sáng đồng chí đã dậy ngồi vào bàn đọc sách; đến 6 giờ nghe tin tức các đài trong và ngoài nước; 7 giờ sáng tập thể dục; ăn sáng xong là lên xe đến công sở làm việc.
Nhiều hôm, đồng chí làm việc đến quá 12 giờ trưa mới nghỉ. Trưa về, ăn cơm xong là đồng chí ngồi vào ghế tựa nghe tin tức trong nước và thế giới qua băng cát xét mà Thông tấn xã Việt Nam thu để phục vụ các đồng chí lãnh đạo. Buổi chiều không những về muộn mà nhiều hôm đồng chí còn nói với Văn phòng triệu tập các cuộc họp tối, có khi mãi đến quá 11 giờ mới nghỉ. Hầu như tuần nào cũng có hai, ba cuộc họp như vậy".
Nhà văn Chu Lai:
"Với những yếu nhân của một quốc gia, lâu nay người ta hay đặt cho họ những biệt danh cao quý về tư tưởng hoặc tác phong, nhưng riêng với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi được biết nhiều người nhớ đến ông ở góc độ phong cách.
Đó là một phong cách bình dân ấm áp mà ở ông luôn được toát ra đậm nét ở bất cứ chỗ nào. Có lẽ ông là một trong số rất ít người có thể nói vo cả 3 - 4 tiếng đồng hồ, mà lại toàn là những vấn đề lớn lao, vĩ mô. Ông luôn biết biến những điều phức tạp thành ra đơn giản, biết biến cái "trúc trắc" trong chính trị, trong các phạm trù văn hóa, triết học thành những từ dân gian, ông ví Liên Xô sau chính biến năm 1991 như con voi bị bệnh hiểm nghèo.
...
Lại nhớ trong những trang sử hào hùng chống phong tỏa thủy lôi Mỹ ở khu cảng chiến lược Hải Phòng năm 1972, khi ông là Phó Thủ tướng kiêm đặc trách mặt trận xung yếu này. Người ta kể, có đêm đã khuya lắm rồi, ông vừa bế cháu vừa quát vào điện thoại hỏi xem mật độ thủy lôi Mỹ thả dày đến đâu, ở những cửa biển cửa sông nào, ta có ai hy sinh không và các nhà khoa học, bên hải quân, bên hàng hải đã chế ra thiết bị rà phá được con thủy quái đó chưa?… Tiếng ra lệnh cùng với tiếng trẻ thơ khóc ngằn ngặt trong điện thoại đã vang trên sóng nước chiến tranh một thời và có lẽ còn vang tiếp nhiều thời".
Nhà văn - Nhà báo Minh Chuyên:
"Bác Đỗ Mười là một trong những người có nhiều tri kỷ, tri âm với mảnh đất Thái Bình quê tôi. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã lan rộng khốc liệt ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, bác Đỗ Mười đã về hoạt động ở vùng Quỳnh Côi - Thái Bình. Đó là những năm 195l –1953. Những người dân được sống gần bác kể: Bác Đỗ Mười rất mưu trí và làm việc hết mình Bác đã từng đóng vai người nông dân qua hết làng này sang làng khác hoạt động để che mắt địch.
Ông Nguyễn Lộc xã Quỳnh Sơn là một gia đình cơ sở của bác nói: 'Hồi đó đi ra khỏi làng, bác Đỗ Mười thường gánh hai bó rọ cá rô để che mắt bọn mật thám. Hôm thì bác vác các đòn càn, có đeo cái hái, đầu đội nón lá, trông như một lão nông tri điền'. Bà Phấn ở xã Quỳnh Nguyên là một gia đình cơ sở cưu mang bác Đỗ Mười trong nhiều năm. Khi bác Đỗ Mười về thăm, và hỏi: 'Bác còn nhớ mùa hè năm 1952 không? Hồi đó bác bị ốm nặng mà vẫn cứ làm việc. Sau ốm nặng hơn không đi được, chú Khâm, chú Chiến cần vụ phải cõng bác mà bác vẫn không chịu nghỉ'.
Bà cảm động nói tiếp: 'Sau vận ốm đó, tóc bác trùm gáy, mẹ em (bà Hựu) đi tìm chú Mộc là đảng viên trung kiên đến cắt tóc cho bác. Bác Thảo một người bạn của bác đến thăm, bác Thảo vừa gội đầu cho bác vừa nói mãi bác mới chịu nghỉ ít ngày'".
Ông Nguyễn Duy Toàn (Trưởng ban liên lạc chi giáp dòng họ Nguyễn Duy làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội):
Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Ông nội tôi và ông nội anh Mười là hai anh em ruột. Chính vì vậy, mặc dù cách xa nhau về tuổi tác và địa vị, tôi vẫn gọi nguyên Tổng Bí thư là anh Mười và anh vẫn gọi tôi là em một cách thân tình.
...
Anh Mười sống rất giản dị trong một ngôi nhà vừa vặn, xinh xắn. Sinh hoạt hằng ngày của anh khá đạm bạc, tiết kiệm tối đa từ điện nước đến đồ ăn, thức uống. Món ăn anh và gia đình ưa thích nhất, thật bất ngờ lại chỉ là dưa cà và su hào muối. Anh bảo tôi lên nhà anh chơi đừng mang quà cáp hay đồ cao lương mỹ vị, anh đi nhiều trải nhiều, nhưng chỉ thích su hào muối. Món ăn đậm đà giản dị như chính tấm lòng của một người luôn hướng tới dân, sống hòa mình cùng đời sống của nhân dân.
Người xưa có câu "một người làm quan, cả họ được nhờ", nhưng với anh, điều đó không hoàn toàn đúng. Anh chăm nom và lo cho họ hàng thân quyến hết sức có thể, nhưng anh dạy con cháu đi lên bằng năng lực và sự không ngừng phấn đấu. Anh hướng cho con cháu con đường đi chứ không cho một vị trí để dựa dẫm vào đó. Mỗi người, dù là họ hàng thân thuộc, cũng phải cống hiến và đi lên bằng khả năng của chính mình.
Tư liệu tham khảo:
- Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử (Nxb Chính trị Quốc gia - 2012).
- Trích bài viết "Trong gia đình anh rất giữ lễ" của ông Nguyễn Thọ Chân (Lão thành cách mạng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động).
- Trích bài viết "Những kỷ niệm sâu sắc về anh Đỗ Mười" của ông Nguyễn Tiệp (Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 50 - Khu Tả Ngạn).
- Trích bài viết "Một tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" của ông Phan Trọng Kính (Trợ lý nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười).
- Trích bài viết "Đỗ Mười, một phong cách" của nhà văn Chu Lai.
- Trích bài viết "Bác Đỗ Mười với quê tôi" của nhà văn, nhà báo Minh Chuyên.
- Trích bài viết "Những bài học nhỏ thể hiện nhân cách lớn" của ông Nguyễn Duy Toàn (Trưởng ban liên lạc chi giáp dòng họ Nguyễn Duy làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội).