Nguồn gốc Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7
Ngày những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, hy sinh một phần xương máu trên các chiến trường. Với truyền thống đạo lý "uống nước, nhớ nguồn", "đền ơn, đáp nghĩa", Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà hy sinh hoặc bị thương.
|
Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pôn bị mù hai mắt nhưng đã có sáng kiến cải tiến nông cụ. Nguồn: Ảnh tư liệu. |
Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó ít lâu đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.
Ngày 28/5/1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức buổi nói chuyện quan trọng tại Nhà hát Lớn-Hà Nội, kêu gọi mọi người gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.
Ngày 17/11/1946, cũng tại Nhà hát Lớn-Hà Nội, Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong "Mùa đông Binh sĩ", mở đầu cuộc vận động "Mùa đông Binh sĩ" trong cả nước để giúp chiến sĩ trong mùa đông giá rét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và Người đã cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sĩ.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều quyết định với những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ.
Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
|
Bác Hồ viếng nghĩa trang liệt sĩ. Nguồn: Ảnh tư liệu. |
Tháng 6/1947, đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Thái Nguyên) bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch, chọn một ngày nào đó làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Tại cuộc họp các đại biểu nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là Ngày Thương binh toàn quốc.
Từ đó, hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sĩ.
Tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước quyết định đổi Ngày Thương binh toàn quốc thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ của cả nước.
Từ đó, mỗi năm cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ, nhất là vào dịp kỷ niệm năm tròn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức trọng thể kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) với lòng biết ơn vô hạn những người con đã hy sinh cả cuộc đời, một phần xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc.
Liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Sau khi đã giành thắng lợi trong hai trận Nà Ngần và Phay Khắt, đêm ngày 4/2/1945, theo kế hoạch, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiến đánh đồn Đồng Mu. Đồn này nằm trên đồi cao, giữa cánh đồng thôn Nà Đoỏng, xã Ân Quang, châu Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, là một vị trí hết sức quan trọng đối với địch.
|
Xuân Trường có mặt trong hàng ngũ 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, thành lập ngày 22/12/1944. Ảnh tư liệu: Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam. |
Trấn giữ được Đồng Mu, người Pháp kiểm soát toàn vùng Bảo Lạc, Thông Nông, cắt đứt liên lạc sang "thủ phủ cách mạng" Sóc Hà của Hà Quảng, đường xuống Pác Lung đi Ba Bể của Bắc Kạn. Đối với ta, diệt được đồn, Giải phóng quân gây được thanh thế, đánh lạc hướng, khiến Pháp nhầm tưởng Đội hoạt động ở cả phía nam Nguyên Bình lẫn biên giới Việt-Trung.
Pháp xây đồn Đồng Mu với công sự kiên cố, tường dày có lỗ châu mai, giao thông hào, dây thép gai bao bọc. Ta xác định Đồng Mu "rắn" hơn Phai Khắt, Nà Ngần cả về công sự lẫn hỏa lực nên không thể cải trang đột nhập như những trận trước, Đội quyết định hành động trong đêm theo phương án mới.
Tiểu đội trưởng Xuân Trường được phân công dẫn đầu một tổ; các mũi đột nhập chiếm vị trí chỉ huy, rồi cùng nội ứng tiêu diệt lính trong đồn.
Gần 23 giờ, hai tổ xung phong vượt qua hàng rào thép gai, đến sân đồn trước cửa trại lính. Một tổ đang đột nhập thì bị phát hiện. Lính khố xanh lập tức ném lựu đạn và bắn ra. Xuân Trường dẫn một tốp trèo qua cửa sổ, diệt 2 lính gác.
Khẩu tiểu liên hết đạn, anh chuyển sang dùng kiếm ngắn tiếp cận vị trí chỉ huy. Quân lính lui vào trong cố thủ. Nhưng ngay lúc đó, một viên đạn bay xuyên qua ngực, Xuân Trường gục xuống. Những người còn lại vẫn tiếp tục xông lên.
Trận đánh đồn Đồng Mu kéo dài 3 tiếng, từ đêm mùng 4 đến rạng sáng ngày 5/2. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân diệt 20 lính, bắt 3 tù binh, thu 5 súng trường Mousqueton. Phía Quân giải phóng, tiểu đội trưởng Xuân Trường hy sinh.
Trận đánh không diễn ra như "kế hoạch đã định". Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau này viết trong hồi ký "Những chặng đường lịch sử" cho hay, sau khai thác tù binh mới biết, buổi trưa hôm tập kích, đồn trưởng người Pháp bắt được lá thư của thổ phỉ biên giới dọa tối ấy sẽ kéo đến hạ đồn. Vì vậy, quân Pháp báo động cho binh lính đối phó; thức đề phòng, không cho bất kỳ ai ra vào. Nội ứng không thể báo tin ra ngoài.
Đồng đội chôn cất Xuân Trường ở cánh đồng dưới chân đồn Đồng Mu. Sau này, hài cốt anh được đưa về nghĩa trang huyện Bảo Lạc, rồi một lần nữa chuyển về quê nhà xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Anh hy sinh lúc 35 tuổi, chưa có gia đình và cũng không hề để lại một bức di ảnh trên đời.
Những ghi chép về người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội ta rất ít. Trên bia danh sách đội viên ở khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, ghi tên Hoàng Văn Nhủng, bí danh Xuân Trường ở vị trí thứ 25. Tấm bằng Tổ quốc ghi công Chính phủ cấp năm 1961, công nhận ông là liệt sĩ.
|
Đồn Đồng Mu, nơi diễn ra trận đánh đêm 4/2/1945. Ảnh: Thái Mạc. |
Theo những thông tin được biết, Hoàng Văn Nhủng tức Xuân Trường, sinh ngày 4/11/1909. Trong những năm 1930, được cán bộ cách mạng thuyết phục, Hoàng Văn Nhủng và Hoàng Văn Vân (em trai Hoàng Văn Nhủng) đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng.
Năm 1936, phong trào thanh niên phản đế lên cao ở vùng Cao - Bắc - Lạng. Anh thanh niên Hoàng Văn Nhủng 26 tuổi, người dân tộc Tày ở xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, châu Hà Quảng thoát ly gia đình đi cách mạng, trở thành liên lạc viên với bí danh Xuân Trường.
Khoảng năm 1939, cả hai anh em bị mật thám bắt, tra tấn dã man, nhưng hai người nhất định không khai. Cuối cùng chúng phải thả hai anh em ra.
Giữa năm 1940, Xuân Trường được cử đi học quân sự ở Liễu Châu, Trung Quốc và trở về 4 năm sau. Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, Xuân Trường cùng 33 đội viên khác tuyên thệ dưới cờ trong lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân...
Xã Ân Quang sau trận đánh đồn Đồng Mu trở thành vùng đất Việt Minh quản lý. Sau đổi tên thành Xuân Trường để tri ân liệt sĩ.
Đồng Mu trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1995. Đường lên di tích đi qua một cánh đồng, giữa rừng cây sau sau lá biếc. Công trình được tôn tạo, xây mới nhà bia tưởng niệm năm 2014. Quanh bia đá có hàng chục nấm mồ gió được người dân đắp tượng trưng cho liệt sĩ các thời kỳ kháng chiến.
Trước khi tu sửa, nơi ấy chỉ là gò đất cao có tấm bia cũ khắc ghi "Tại đây, đồng chí Hoàng Văn Nhủng, tức Xuân Trường đã hy sinh trong trận chiến diệt đồn Đồng Mu, đêm 4/2/1945. Đồng chí là người hy sinh đầu tiên sau ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân".
Đặc biệt, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, quê hương của liệt sĩ Xuân Trường đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp”.
Ngày 19/8/1961, liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng được Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công (Quyết định số 337/TTg của Thủ tướng Chính phủ) và là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tên của Xuân Trường đã được đặt cho bản Đồng Mu, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng và con đường dài 19,2 km từ Lũng Phán về Đồng Mu để đời đời ghi nhớ công lao của anh.
Người thương binh đầu tiên
Người đầu tiên nhận Thẻ Thương binh (mang số hiệu 01TT) là đồng chí Hoàng Cầm; bị thương ngày 23/9/1947 khi đang chỉ huy đơn vị chiến đấu tại mặt trận Đà Bắc (Hòa Bình). Sau khi điều trị, đồng chí Hoàng Cầm tiếp tục tham gia chiến đấu.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Trung đoàn trưởng. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Hoàng Cầm xung phong vào chiến trường miền Nam, trở thành Sư đoàn trưởng đầu tiên của Sư đoàn 9, một trong những sư đoàn thành lập đầu tiên ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.
|
Thượng tướng Hoàng Cầm (trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh tư liệu QĐND). |
Khi Quân đoàn 4 mang tên Binh đoàn Cửu Long được thành lập ngày 20/7/1974, Thiếu tướng Hoàng Cầm là Tư lệnh đầu tiên. Sau này đồng chí Hoàng Cầm là Phó Tư lệnh Bộ đội Việt Nam tại Campuchia, cùng với quân đội cách mạng Cam-pu-chia giải phóng đất nước Chùa Tháp khỏi họa diệt chủng, Từ tháng 4/1982 đến tháng 8/1987 đồng chí là Tư lệnh Quân khu 4.
Tháng 9/1987, đồng chí Hoàng Cầm được điều động về Tổng Thanh tra Quân đội và được Chính phủ bổ nhiệm Tổng Thanh tra Quân đội (nay là Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng). Năm 2013, ông qua đời trong niềm tiếc thương của đồng bào, đồng chí.