Nằm bên Quốc lộ 9, thuộc địa phận TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là công trình đền ơn đáp nghĩa quy mô lớn, có tính nghệ thuật cao, thể hiện sự tri ân với những người đã hi sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.Nghĩa trang này là nơi yên nghỉ của khoảng một vạn anh hùng, liệt sĩ, gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.Trong số những mộ phần liệt sĩ ở nơi đây, có 3.227 mộ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành; 785 mộ xác định chưa đầy đủ; còn lại chưa rõ tên tuổi. Một số mộ trong Nghĩa trang Đường 9 là mộ tập thể.Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường 9 là một con đường chiến lược nối liền từ biên giới Việt – Lào về tới Đông Hà. Dọc trục đường số 9, quân đội Mỹ - Sài Gòn đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công oanh liệt, đỉnh cao là chiến thắng lẫy lừng Đường 9 – Nam Lào, đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của kẻ thù năm 1971.Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 được khởi công xây dựng ngày 2/9/1995 trên cơ sở nâng cấp từ nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà (có từ năm 1983 – 1984) và khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/1997).Tại đây, 16 hạng mục công trình lớn nhỏ được thi công, trong đó có hai hạng mục công trình lớn, mang tính nghệ thuật cao, xứng tầm với vai trò lịch sử của nghĩa trang là Tượng đài chiến thắng và Khu hành lễ.Tượng đài chiến thắng cao 18 mét gồm bệ và tượng. Bệ tượng tái hiện sự đổ nát của Thành cổ Quảng Trị và dãy Trường Sơn che chắn cho bộ đội. Phần tượng thể hiện hình ảnh người bộ đội giải phóng quân Việt Nam với cô thiếu nữ và em bé người Lào mừng ngày chiến tranh kết thúc.Khu hành lễ có nhà tưởng niệm ở trung tâm, ba bức phù điêu và bốn cụm tượng ở xung quanh. Trong đó, nhà tưởng niệm mang hình ảnh của ngôi sao vàng thiêng liêng trên lá quốc kỳ Việt Nam, bên trong đặt một lư hương lớn.Ngày nay, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là một điểm về nguồn quan trọng vào những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, đặc biệt là ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7. Nhân dân mọi miền sẽ không bao giờ quên ơn những anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đất nơi đây...Mời quý độc giả xem video: Những Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Nguồn: Truyền hình Nhân Dân.
Nằm bên Quốc lộ 9, thuộc địa phận TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là công trình đền ơn đáp nghĩa quy mô lớn, có tính nghệ thuật cao, thể hiện sự tri ân với những người đã hi sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nghĩa trang này là nơi yên nghỉ của khoảng một vạn anh hùng, liệt sĩ, gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trong số những mộ phần liệt sĩ ở nơi đây, có 3.227 mộ được xác định đầy đủ tên tuổi quê quán, được mai táng theo từng tỉnh thành; 785 mộ xác định chưa đầy đủ; còn lại chưa rõ tên tuổi. Một số mộ trong Nghĩa trang Đường 9 là mộ tập thể.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường 9 là một con đường chiến lược nối liền từ biên giới Việt – Lào về tới Đông Hà. Dọc trục đường số 9, quân đội Mỹ - Sài Gòn đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công oanh liệt, đỉnh cao là chiến thắng lẫy lừng Đường 9 – Nam Lào, đập tan cuộc hành quân Lam Sơn 719 của kẻ thù năm 1971.
Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 được khởi công xây dựng ngày 2/9/1995 trên cơ sở nâng cấp từ nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà (có từ năm 1983 – 1984) và khánh thành vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/1997).
Tại đây, 16 hạng mục công trình lớn nhỏ được thi công, trong đó có hai hạng mục công trình lớn, mang tính nghệ thuật cao, xứng tầm với vai trò lịch sử của nghĩa trang là Tượng đài chiến thắng và Khu hành lễ.
Tượng đài chiến thắng cao 18 mét gồm bệ và tượng. Bệ tượng tái hiện sự đổ nát của Thành cổ Quảng Trị và dãy Trường Sơn che chắn cho bộ đội. Phần tượng thể hiện hình ảnh người bộ đội giải phóng quân Việt Nam với cô thiếu nữ và em bé người Lào mừng ngày chiến tranh kết thúc.
Khu hành lễ có nhà tưởng niệm ở trung tâm, ba bức phù điêu và bốn cụm tượng ở xung quanh. Trong đó, nhà tưởng niệm mang hình ảnh của ngôi sao vàng thiêng liêng trên lá quốc kỳ Việt Nam, bên trong đặt một lư hương lớn.
Ngày nay, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là một điểm về nguồn quan trọng vào những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, đặc biệt là ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7. Nhân dân mọi miền sẽ không bao giờ quên ơn những anh hùng liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng đất nơi đây...
Mời quý độc giả xem video: Những Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình. Nguồn: Truyền hình Nhân Dân.