"…Chúng ta tranh cãi, chúng ta vật lộn và chúng ta làm tổn thương nhau, vậy thì sao? Tình yêu là như thế. Tất cả những thứ đó. Nước mắt, giận dữ, niềm vui, đấu tranh. Thường là tình yêu chịu đựng được. Nó bền bỉ. Chưa từng một lần, dù khi bão cát, hạn hán hay khi tranh cãi với con, chưa một lần nào mẹ ngừng yêu con, Ant và trang trại đó", trích Bốn ngọn gió của Kristin Hannah.
Bốn ngọn gió là tiểu thuyết được Kristin Hannah - tác giả của Sơn ca vẫn hót, viết trong những ngày thế giới chống chọi với đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Tác phẩm không viết về đại dịch, nhưng ngập tràn trong nó là những cảm xúc chúng ta từng có vào thời kỳ ấy.
Sự hoảng sợ, tuyệt vọng, lòng can đảm hay chỉ cần vờ tỏ ra can đảm, cảm giác mất mát, bi thương, nhưng vượt lên trên tất cả, là tình yêu, là lòng tin, và một niềm hy vọng không bao giờ tắt vào một tương lai ở phía trước.
Tiểu thuyết lấy bối cảnh ở Mỹ, kéo dài và nằm vắt qua một thời kỳ tồi tệ trong lịch sử nước Mỹ: Hạn hán kinh hoàng, bão cát, "cơn bão đen", và cuộc đại suy thoái.
Elsa là một cô gái sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp thương nhân giàu có trong vùng. Cô được xem là ốm yếu sau một cơn bệnh từ nhỏ, lại còn mang một lời nguyền tồi tệ nhất đối với mọi cô gái: Cô không xinh đẹp.
Gia đình không yêu cô, cha mẹ xem cô như gánh nặng vì nghĩ cô sẽ chẳng bao giờ lấy được chồng, không muốn cho cô tự do ra ngoài và nghĩ rằng việc ngồi trong phòng đọc sách là phù hợp nhất với sức khỏe của cô.
Elsa chấp nhận mình không xinh đẹp, nhưng cô không tin rằng mình chỉ có thể ở trong nhà. Vào một ngày, cô quyết định "nổi loạn", và sự nổi loạn ấy sẽ thay đổi cuộc đời của cô hoàn toàn. Elsa mang thai với Rafe, một anh chàng người Italy trong một gia đình nông dân.
Gia đình cô không hề yêu cô, họ kỳ thị người ngoại quốc, xem trọng danh tiếng bản thân, và chỉ cần những lý do đó là đủ để họ vứt bỏ cô nơi ngưỡng cửa của một gia đình khác. Và đây chính là điều may mắn nhất trong cuộc đời Elsa.
Cuộc sống cô hiện tại tĩnh lặng, nhưng đáng chán, và cô sẽ bước chân và một cuộc sống mới, nghèo túng hơn, thăng trầm hơn, nhưng nhiều màu sắc hơn và ngập tràn tình yêu thương.
Câu chuyện trong Bốn ngọn gió về cuộc đời Elsa, về cái cách mà cô và gia đình chồng chống chọi lại với hạn hán và bão cát, về cái cách mà cô và hai con chống chọi lại với cuộc khủng hoảng kinh tế, về việc cô dần trưởng thành và học được cách yêu thương bản thân mình (tôi mừng là cuối cùng cô đã học được).
Khó lòng mà tóm tắt câu chuyện quá dài này chỉ trong vài dòng. Tôi chỉ có thể nói rằng đây là một câu chuyện dài được cấu thành từ hàng trăm câu chuyện nhỏ mà Elsa đã trải qua, rất nhiều câu chuyện trong đấy khiến tôi phải rưng rưng (đã khá lâu rồi mới có một cuốn sách khiến tôi cảm động nhiều đến vậy, thường thường một cuốn sách chỉ cần có một chi tiết đắt giá là nó đã xứng đáng để đọc lắm rồi).
Cảnh Rose an ủi Elsa sau cái đêm tồi tệ trong cuộc đời cô, cảnh Elsa ở bên cạnh Jean khi chia tay bạn, cảnh vợ chồng người thợ cắt tóc đối xử với gia đình Elsa…, chỉ vài dòng thôi nhưng với cách viết đầy nữ tính và trữ tình của một người phụ nữ, Kristin Hannah đã làm cho chúng trở thành những cảnh vô cùng đắt giá.
Đây là một cuốn sách viết về phụ nữ, về việc họ không ngừng yêu thương và hy vọng, cho dù họ từng bị tổn thương và tuyệt vọng đến như thế nào.
Không chỉ riêng gì phụ nữ, tôi nghĩ trái tim con người nói chung, quả thật là một thứ vô cùng kỳ diệu. Nó có thể trải qua nhiều đau thương, nhiều xước xát, có khi đau đớn tưởng chừng muốn vỡ ra, nhưng nó vẫn đập bền bỉ, vẫn luôn sẵn sàng yêu thương, và sẵn sàng đón nhận yêu thương đến với mình