Thời kỳ Tam Quốc đã qua cả ngàn năm nhưng những câu chuyện xung quanh thời kỳ này vẫn được lưu truyền trong hậu thế, chẳng hề lỗi thời. Có thể nói, đây là một vở kịch lớn xoay quanh năm nhân vật anh hùng:
Tào Tháo, Gia Cát Lượng, Chu Du, Lưu Bị, Tôn Quyền, giúp người đời sau hiểu rõ được thế nào là "nghĩa", như nghĩa trị quốc theo mệnh trời, nghĩa quân thần chân thành, nghĩa anh hùng kết bái, trọng nghĩa khinh lợi, xả thân vì nghĩa, quân khởi nghĩa, hưng nghĩa sư...
Bài viết này kể về câu chuyện Tào Tháo chiêu hiền đãi sĩ, khóc thương người tài: Một lần Tuân Du, hai lần khóc Điển Vi, ba lần khóc Quách Gia.
Khóc Tuân Du
Theo "Tam quốc chí. Nguỵ thư. Tuân Du truyện" có ghi chép: "Du làm việc vô cùng cẩn thận, thường giúp bày mưu tính kế từ thời Thái Tổ đi chinh phạt."
Tào Tháo vô cùng tín nhiệm Tuân Du, thường xuyên khen ngợi ông trước mặt mọi người, còn từng dạy bảo con trai Tào Phi của mình rằng: "Tuân Công Đạt là tấm gương cho người khác, con phải đối xử thật lễ phép với ông ta."
Sau này, trên đường theo Tào Tháo chinh phạt Tôn Ngô, Tuân Du bất hạnh qua đời, Tào Tháo rất xót thương. Trong sách sử có viết rằng, trong thời gian ấy, hễ nhắc đến Tuân Du là Tào Tháo lại đau lòng rơi nước mắt.
Khóc Điển Vi
Điển Vi dùng hai ngọn kích sắt, dũng mãnh hơn người, là một dũng tướng trong tay Tào Tháo.
Lần đầu Tào Tháo khóc Điển Vi là lúc Điển Vi chết. Khi ấy Tào Tháo đem quân thảo phạt Trương Tú, lỡ mắc phải gian kế của Trương Tú, bị rơi vào lớp lớp vòng vây.
Điển Vi gắng sức xông lên bảo vệ Tào Tháo thoát khỏi nguy hiểm, liều mình không chịu lùi bước. Cuối cùng ông chết vì trúng quá nhiều vết thương.
Sau khi Tào Tháo đánh lui Trương Tú, lập tức cho lập đàn tế Điển Vi, Tháo đích thân khóc tế, ngoảnh lại nói với các tướng rằng: "Ta mất đi con cả, mất đi cháu yêu đều chẳng đau đớn tới nhường này; chỉ khóc vì Điển Vi thôi!" Mọi người nghe vậy đều vô cùng cảm động
Năm sau, Tào Tháo lại đưa quân đến Uyển Thành tấn công Trương Tú, tức cảnh sinh tình, Tào Tháo đột nhiên khóc lớn, mọi người không biết lý do tại sao.
Tào Tháo khóc xong bèn giải thích rằng: "Năm trước ta đã mất đại tướng Điển Vi ở đây, không khỏi muốn khóc!"
Lần thứ hai Tào Tháo khóc tế Điển Vi, làm chấn động toàn quân, từ binh lính đến tướng lĩnh, không ai không cảm động vì tình cảm chân thành của Tào Tháo.
Khóc Quách Gia
"Vô tình chưa chắc là hào kiệt chân chính, có lòng thương xót sao lại không phải bậc trượng phu?"
Hàng trăm ngàn năm qua, kiêu hùng một thời Tào Tháo ba lần khóc Quách Gia, không biết đã khiến biết bao anh hùng trong thiên hạ sóng lòng trào dâng, cảm khái muôn phần!
Lần đầu tiên Tào Tháo khóc Quách Gia là vào lần ông tiếp nhận đề xuất của Quách Gia, trên đường thống lĩnh đại quân viễn chinh tại sa mạc Liêu Tây.
Suốt hành trình gió cát mịt mù, người ngựa tiến lên phía trước vô cùng gian nan, Quách Gia ốm liệt giường vì không hợp thời tiết. Tào Tháo vô cùng xót xa, ghé đến thăm Quách Gia, chảy nước mắt nói rằng: "Đều tại ta muốn bình định sa mạc, khiến ngươi phải lặn lội đường xa vất vả, đến mức nhiễm bệnh, lòng ta sao yên được?"
Vài lời quan tâm và yêu mến khiến Quách Gia vô cùng cảm động, ông nói rằng: "Ta cảm ơn đại ân của Thừa tướng, dù chết cũng không thể báo đáp một phần vạn."
Sau khi Quách Gia chết, Tào Tháo đến tế đã khóc rằng: "Phụng Hiếu chết, đúng là trời hại ta!" Ông quay đầu lại nói với các quan rằng:
"Các vị ở đây đều đồng vai phải lứa với ta, chỉ có Phụng Hiếu là trẻ tuổi nhất, ta vốn định ký thác việc sau này. Ai ngờ mới trung niên đã chết trẻ, khiến lòng ta như rạn vỡ!" Đây là lần thứ hai Tào Tháo khóc vì Quách Gia.
Mất đi một anh tài như Quách Gia, Tào Tháo quả thật vô cùng thương tiếc và đau đớn.
Lần thứ ba Tào Tháo khóc Quách Gia là sau trận Xích Bích.
Năm Kiến An thứ 13 (208), Tào Tháo thống lĩnh trăm vạn đại quân thuỷ chiến lục chiến, "thừa cơ phá tan thế lực của Viên Thiệu để đoạt Kinh, Ngô", ý định tiêu diệt Lưu Bị và Tôn Quyền ở Giang Đông, thống nhất thiên hạ chỉ trong một lần này, không ngờ kết quả lại bại trận ở Xích Bích, gần như toàn quân đều bị tiêu diệt.
Tào Tháo thất bại bỏ chạy ở đường Hoa Dung, Quan Vũ đã tha ông một con đường sống.
"Tam quốc diễn nghĩa" có miêu tả như sau:
"Tháo kiểm tra lại các tướng thấy rất nhiều người bị thương, bèn ra lệnh nghỉ lại. Tào Nhân mở tiệc rượu để Tào Tháo giải sầu. Các mưu sĩ đều có mặt đủ cả. Tháo bỗng ngẩng mặt lên trời khóc thảm thiết. Các mưu sĩ hỏi:
- Khi Thừa tướng thoát nạn từ trong hang hổ còn chẳng sợ hãi gì; nay đã về thành, người đã được dùng bữa, ngựa đã được ăn cỏ, đang là lúc cần chỉnh đốn quân mã để báo thù, cớ sao lại khóc?
Tháo nói:
- Ta khóc Quách Phụng Hiếu đó! Nếu Phụng Hiếu còn sống, chắc chắn sẽ không có trận thua lớn này!
Nói rồi Tháo đấm ngực và khóc rằng:
- Thương thay Phụng Hiếu! Đau thay Phụng Hiếu! Tiếc thay! Phụng Hiếu!
Các mưu sĩ ai nấy đều hổ thẹn, nín lặng chẳng ai nói gì cả."
Có thể nói, không có cảnh nào thê lương, bi tráng hơn như vậy, không có lần khóc nào bi thương và đau xót hơn lần khóc này của Tào Tháo!
Nếu như nói năm xưa Lưu Bị "khóc" một lần có được Ích Châu, là niềm vui lớn trong cuộc đời, còn ba lần "khóc" khi mất đi Quách Gia của Tào Tháo, oán trời thương dân, lại là nỗi buồn lớn của nhân gian. Bởi thế, lần khóc này của Tào Tháo càng có thể xưng là "lần khóc thiên cổ".