Không chỉ là danh lam thắng cảnh, khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa còn có một công trình nắm giữ kỷ lục Việt Nam. Đó là Chính điện Lam Kinh.
Độc đáo Chính điện Lam Kinh
Theo Vietnamnet, sau 12 năm phục hồi, tôn tạo, vào đầu tháng 4/2022, Chính điện Lam Kinh đã chính thức mở cửa đón khách tham quan, chiêm bái. Chính điện Lam Kinh thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Thông tin từ trang Kỷ lục Việt Nam, khu di tích Lam Kinh vẫn còn lưu giữ những hạng mục công trình có giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo. Nối giữa sân rồng và chính điện còn lưu giữ thềm rồng gồm 9 bậc với hai đôi rồng đá được khắc tinh xảo, đặc trưng của kiểu rồng thời Lê.
Phía sau chính điện là dấu vết của 9 tòa Thái miếu, mỗi tòa dài 16m, chạy hình vòng cung ôm lấy khu chính điện. Cạnh vết tích của các công trình kiến trúc xưa, những cây thị, cây đa hàng trăm năm tuổi tỏa tán mát rượi cả khu vực. Nổi bật là tấm bia Vĩnh Lăng sắc sảo từ chất liệu, hoa văn đến nội dung hàm xúc triết lý sâu xa… Đây là tấm bia lớn, với chiều cao gần 3m, chiều rộng gần 2m. Đặc biệt, tấm bia này đuợc đặt trên lưng một con rùa khá lớn, chân có tới 6 móng. Toàn bộ tấm bia khoảng 750 chữ, nội dung chia làm 3 phần. Phần đầu viết về ngày mất của vua Lê Thái Tổ, phần tiếp theo nói về gia tộc Lê Lợi và phần cuối là tóm tắt cuộc khởi nghĩa Lam Sơn 10 năm đánh giặc.
Trong quần thể Lam Kinh còn có lăng của vua Lê Thái Tông (Hựu Lăng), Lê Thánh Tông (Chiêu Lăng), Lê Hiến Tông (Dụ Lăng), Lê Túc Tông (Kính Lăng) và lăng Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ vua Lê Thánh Tông)…
Năm 1962, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2012, khu di tích Lam Kinh tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Còn theo báo Thanh Hóa, Chính điện Lam Kinh được khởi công tu bổ, tôn tạo từ năm 2010. Tòa điện này được dựng trên nền móng cũ có diện tích 1.780m2, với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Đây là một trong những công trình có mức đầu tư lớn và nhiều sự kỳ công trong nghiên cứu khảo cổ học, kiến trúc, nghệ thuật của giới chuyên môn.
Chính điện gồm 3 tòa điện lớn, xây trên nền đất rộng, cao 1,8 m so với sân Rồng. Gồm Tiền điện - Quang Đức (với ý nghĩa là tài cao, đức độ của vua Lê Thái Tổ sẽ muôn đời tỏa sáng); Trung điện - Sùng Hiếu (tôn sùng đạo hiếu) và Hậu điện - Diên Khánh (vun đúc sự tốt lành của vương triều nhà Lê). Điện được xây dựng theo kiểu kiến trúc hình chữ Công, tổng cộng 3 tòa nhà có 19 gian, 4 chái. Công trình có kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột, vì chồng rường giá chiêng; trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng, các linh vật và hoa lá thời Lê chạm trổ tinh xảo.
Theo báo Người lao động, Chính điện Lam Kinh sau khi phục dựng, tu bổ đã trở thành công trình kiến trúc bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam, với lượng gỗ lim lên tới hơn 2.000m3.
Chính điện có 138 cây cột lim nguyên khối, trong đó có 1 cây lim "hiến thân" được hạ từ rừng Lam Kinh. Tương truyền, cây lim "hiến thân" có tuổi đời 600 năm tuổi, cùng thời với người Anh hùng dân tộc Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược.
Đặc biệt, trong Chính điện có nhiều hạng mục nội thất được làm dát vàng có thể khiến du khách tới đây bị choáng ngợp. Số vàng dùng để trang trí nội thất trong Chính điện Lam Kinh trị giá khoảng 40 tỉ đồng.
Tại khu vực Trung điện - Sùng Hiếu, du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng ngai vua và nhiều nội thất dát vàng với khối lượng lớn. Trong khu Hậu điện, một chiếc long sàng được bài trí tại khu vực chính giữa. Long sàng được thiết kế bằng khung gỗ, sơn son, dát vàng.
Ngoài ra, các chân cột đèn, đèn và tủ đựng đồ dùng cá nhân, linh vật Nghê bài trí trong chính điện được dát vàng, được thiết kế cách điệu, với những hoa văn cực kì tinh xảo.
Theo sử sách, Lam Kinh vốn là đất Lam Sơn, quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi, người có công chiêu mộ hiền tài, quy tụ nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược (1418-1427). Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (Lê Thái Tổ), lập nên vương triều Hậu Lê, đóng đô ở Thăng Long, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một vương triều thịnh trị, hưng vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, kéo dài tới 360 năm.
Năm 1430, Lê Thái Tổ đổi tên vùng đất Lam Sơn thành Lam Kinh. Kể từ đó, các kiến trúc điện, miếu... cũng bắt đầu được xây dựng tại đây.
Hiện nay, Tổng cục du lịch, UBND tỉnh Thanh hóa và Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã kết hợp tạo ra sản phẩm du lịch thông minh MobiFone Smart Travel. Ứng dụng này đã tái hiện hình ảnh; thông tin hướng dẫn chi tiết của khu di tích Lam Kinh, giúp du khách, nhà nghiên cứu chiêm ngưỡng và hiểu hơn về di tích, danh lam thắng cảnh này.