"Phủ Khai Phong có Bao Thanh Thiên, thiết diện vô tư xử án nghiêm". Đó là hai câu hát quen thuộc trong bộ phim "Bao Thanh Thiên" kể về vị quan họ Bao nổi tiếng thanh liêm và nghiêm minh vào thời nhà Tống.
Về cuộc đời nhiều truyền kỳ của Bao Chửng, có không ít giai thoại vẫn còn được hậu thế lưu truyền cho tới ngày nay.
Trong số đó, có giả thuyết cho rằng vị quan ấy đột ngột qua đời không phải do bạo bệnh mà thực chất lại bị chính Hoàng đế hạ độc.
Liệu rằng đó có phải là sự thật hay không? Nếu đúng là như vậy thì lý do nào đã khiến cho một vị vua nổi tiếng nhân nghĩa như Tống Nhân Tông lại nhẫn tâm xuống tay với cận thần chính trực như Bao Chửng?
Giai thoại ly kỳ về cái chết của Bao Thanh Thiên: Bị Hoàng đế trừ khử vì phạm phải 1 điều tối kỵ?
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Bao Chửng (999 – 1062), thường được gọi là Bao Thanh Thiên hay Bao Công. Ông làm quan cho nhà Bắc Tống, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều và đồng thời cũng nổi tiếng vì sự chính trực, liêm khiết cùng tài xử án công chính của mình.
Bao Thanh Thiên làm quan dưới thời kỳ trị vì của Hoàng đế Tống Nhân Tông – vị vua thứ tư của nhà Bắc Tống.
Sử cũ ghi lại, Tống Nhân Tông nổi tiếng là người nhân đức, cũng bởi vậy nên các sử gia luôn ưu ái dành cho vị Hoàng đế này không ít những lời tán dương.
Thậm chí vào thời điểm ông qua đời, ngay tới Hoàng đế nước Liêu cũng không khỏi tiếc thương đến rơi lệ.
Tuy nhiên theo Qulishi, Tống Nhân Tông lúc sinh thời lại có một thiếu sót không thể bù đắp. Đó chính là không có con trai nối dõi.
Đối với đàn ông thời cổ đại, đặc biệt là đối với một bậc đế vương như ông mà nói, đây quả thực là một chuyện có phần hổ thẹn và đáng tiếc.
Thế nhưng sau cùng, nhà vua vẫn phải đối mặt với một vấn đề hết sức khó khăn. Đó là lựa chọn người kế vị.
Vì không có con trai nối dõi, ông chỉ có thể thu nhận người con thứ 13 của Bộc An Ý vương làm trữ quân.
Tuy nhiên giai thoại về việc nhà vua hạ độc Bao Chửng có nói rằng, vị quan họ Bao đã có phần bất mãn đối với việc làm này của Hoàng đế.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo đó, ông đã công khai phản đối việc Tống Nhân Tông chọn con của Bộc vương làm người kế nghiệp. Bao Chửng cho rằng nếu nhà vua đã không có con trai, vậy thì nên đem ngai vàng trả lại cho dòng dõi của Hoàng đế khai quốc nhà Tống là Triệu Khuông Dận.
Năm xưa sau khi Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận qua đời, ngai vàng đã được truyền lại cho người em trai ruột của ông là Triệu Quang Nghĩa. Và cả Tống Nhân Tông lẫn Bộc An Ý vương đều thuộc dòng dõi của Triệu Quang Nghĩa.
Do đó, nếu Tống Nhân Tông chọn con trai của Bộc An Ý vương làm người kế thừa thì ngai vàng đương nhiên sẽ tiếp tục truyền lại cho dòng tộc của ông.
Trong khi đó, Bao Chửng lại muốn nhà vua trả lại ngai vàng cho hậu duệ của Triệu Khuông Dận. Điều này đã chạm đến ranh giới cuối cùng của Hoàng đế.
Xuất phát từ sự nghi ngờ và lo sợ, Tống Nhân Tông đã thừa dịp Bao Chửng sinh bệnh mà phái ngự y tới ban thuốc cho ông.
Kết quả là chỉ một thời gian ngắn sau khi uống thuốc vua ban, Bao Chửng đã nhanh chóng qua đời. Khoảng thời gian từ khi phát bệnh tới lúc vị quan này ra đi chỉ vẻn vẹn có 13 ngày.
Cũng bởi vậy nên những người ủng hộ giả thuyết này tin rằng, chính Tống Nhân Tông là người đứng sau cái chết của Bao Thanh Thiên chứ không phải một thứ "bạo bệnh" nào đó như chính sử vẫn thường ghi chép.
Kết quả khám nghiệm di cốt tiết lộ sự thật về cái chết của Bao Thanh Thiên
Tranh vẽ chân dung Bao Thanh Thiên và hình tượng được xây dựng trong một bộ phim truyền hình.
Vậy nguyên nhân thực sự dẫn tới cái chết của Bao Chửng liệu có phải xuất phát từ nhà vua?
Trên thực tế, theo ghi chép của các tài liệu chính sử, Bao Chửng đối với việc chọn người kế vị quả thực có đưa ra lời can gián.
Thế nhưng lúc bấy giờ, ông không hề đề cập tới việc nhà vua nên truyền ngôi cho ai mà chỉ đơn thuần thúc giục Tống Nhân Tông mau chóng tìm người nối ngôi mà thôi.
Từ đó có thể thấy, Bao Chửng không thể vì việc này mà bị nhà vua nghi ngờ rồi hạ độc như trong những lời kể của giai thoại nói trên.
Nếu đã không có động cơ trừ khử Bao Công, vậy thì một người nổi tiếng nhân nghĩa như Tống Nhân Tông hẳn sẽ không thể nhẫn tâm hạ độc một trung thần đắc lực bên mình như vậy.
Trong trường hợp giả thiết Bao Chửng bị hạ độc là sự thật, vậy thì người muốn trừ khử ông cũng không thể là Hoàng đế mà rất có thể là những thế lực khác từng đem lòng thù ghét.
Tuy nhiên thực tế là kết quả phân tích di cốt của vị quan này đã cho thấy, hàm lượng thạch tín được tìm thấy trong xương của ông ở mức bình thường.
Hàm lượng thủy ngân tuy có cao hơn, thế nhưng theo lý giải của các chuyên gia thì đây rất có thể bắt nguồn từ thói quen dùng chu sa để bảo quản thi thể người chết của cổ nhân xưa.
Kết quả phân tích di cốt này cũng đã đưa ra lời giải đáp cho nghi vấn của hậu thế suốt nhiều thế kỷ qua: Đó là Bao Cong quả thực qua đời do bạo bệnh chứ không phải bị đầu độc.