Cô gái Tày mang tên Thanh Xuân
Bà Đàm Thị Loan tên thật là Đàm Thị Nết, sinh ngày 26/8/1926, trong một gia đình cơ sở cách mạng tại xóm Ảng Giàng, xã Bình Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Ở tuổi 14 -15, người thiếu nữ dân tộc Tày đã thoát ly đi hoạt động cách mạng bí danh là Thanh Xuân.
|
Nữ giải phóng quân Đàm Thị Loan. |
Cô gái người Tày gan dạ là một trong số 34 đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân trong lễ tuyên thệ (22/12/1944). Bà là một trong 3 đội viên nữ đầu tiên của đội.
Tháng 5 năm 1945, Việt Nam Giải phóng quân được thành lập, cô gái trẻ tham gia chi đội Giải phóng quân với tên mới là Đàm Thị Loan.
Đến giữa tháng 8/1945, chiến tranh thế giới có những biến chuyến lớn với sự thất bại của phát xít Đức, cùng với đó Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, quân Nhật ở Đông Dương trở nên rệu rã. Nắm bắt thời cơ ngàn năm có một, ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ban bố "Quân lệnh số 1", chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong cả nước.
Chiều 16/8, một đơn vị Giải phóng quân xuất phát từ Tân Trào (Tuyên Quang) tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên. Đội tuyên truyền của bà Đàm Thị Loan vừa làm công tác dân vận, vừa làm công tác tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa của đoàn thể và Việt Minh. Đến chiều 20/8, sau nhiều trận đánh dữ dội, thị xã Thái Nguyên hoàn toàn được giải phóng. Rời thị xã Thái Nguyên, nữ giải phóng quân Đàm Thị Loan và đoàn quân tiến về Hà Nội trong sự vui vừng, hân hoan của người dân Thủ đô.
Giây phút thiêng liêng mang tên ngày Độc lập
Theo lời kể của ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ, để chuẩn bị cho lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945, riêng việc kéo cờ trên lễ đài, Bác gợi ý Ban tổ chức nên chọn thành phần nữ tiêu biểu, như vậy càng thêm ý nghĩa của ngày Độc lập.
|
Vợ chồng nữ giải phóng quân Đàm Thị Loan- Đại tướng Hoàng Văn Thái |
Lĩnh hội ý kiến của Bác, tối mồng 1/9/1945, tại địa điểm đóng quân của Chi đội ở trại Bảo an binh của Pháp (nay là phố Hàng Bài, trước Rạp tháng Tám), đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) là người phụ trách Chi đội có gọi bà Đàm Thị Loan đến và giao nhiệm.
Trong hồi ký “Từ Việt Bắc đến Tây Ninh” bà viết: “Tôi lặng người. Điều đồng chí vừa nói làm tôi xúc động. Lại một đêm không ngủ. Hạnh phúc đến thật bất ngờ. Những năm tháng hoạt động lại lướt nhanh trong đầu óc tôi. Trước đây ở Việt Bắc mỗi lần giương cao lá cờ đỏ sao vàng năm cánh lên trong các cuộc mít tinh là chúng tôi lại mơ ước có ngày lá cờ thiêng liêng này sẽ tung bay tự do trên nền trời của Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng đã thực sự trở thành Quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập".
2 giờ chiều ngày 2/9/1945, Lễ Tuyên ngôn Độc lập bắt đầu. Bà Đàm Thị Loan trong bộ trang phục giản dị của Quân Giải phóng, đầu đội mũ calô có đính quân hiệu sao vàng, túc trực dưới chân cột cờ trước lễ đài.
Cùng kéo cờ với bà Đàm Thị Loan hôm ấy là bà Dương Thị Thoa (GS. Lê Thi) đại diện cho nữ sinh Hà Nội với chiếc áo dài tha thướt. GS. Lê Thi làm nhiệm vụ kéo cờ còn bà Đoàn Thị Loan được phân công làm động tác nâng cờ. Hai tay của hai người phụ nữ nắm chắc dây, từ từ kéo, nhịp nhàng với bài nhạc "Tiến quân ca" hùng tráng. Lá cờ càng lên cao càng phất mạnh.
Bà Đàm Thị Loan nhớ lại, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến đến lễ đài, Người nhận ra bà là một trong những đội viên của Việt Nam Giải phóng quân liền dừng lại hỏi: - Cô Loan Giải phóng quân phải không?
Bà Loan xúc động, nước mắt như muốn trào ra, giọng líu ríu thưa lại với Bác: - Vâng ạ! Thưa Bác cháu là Loan đây ạ!
Duyên kỳ ngộ
Buổi lễ thượng cờ thành công, hai người phụ nữ chia tay khi chưa kịp biết tên nhau.
Năm 1998, bà Đàm Thị Loan viết hồi ký "Từ Việt Bắc đến Tây Ninh" kể lại cuộc đời hoạt động của mình, trong đó có nhắc đến cô thiếu nữ Hà Nội cùng tham gia thượng cờ với bà tại Lễ Độc lập.
Thời gian đó, bà GS. Lê Thi cũng có bài đăng trên nội san của cơ quan có kể về "cô du kích người Tày" cùng thượng cờ.
Ban biên tập tạp chí Lịch sử Quân đội đã phát hiện sự trùng hợp này, nên nhân dịp buổi họp mặt của Trung đoàn 102 tổ chức ở Viện Bảo tàng Quân đội năm 1999 đã tổ chức cho hai người gặp nhau sau lễ thượng cờ.
Những năm sau đó, hai bà thường gặp nhau vào ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình để kỷ niệm buổi kéo cờ lịch sử.
Bà Đàm Thị Loan qua đời năm 2010 hưởng thọ 84 tuổi. 10 năm sau, GS. Lê Thi mất (năm 2020) thọ 94 tuổi.
Ít ngày sau khi nước Việt Nam mới được ra đời, bà Đàm Thị Loan xây dựng gia đình với người đồng đội là Đại tướng Hoàng Văn Thái (khi đó là Tổng Tham mưu trưởng của Quân đội nhân dân Việt Nam). Có một sự trùng hợp của lịch sử, 2 ông bà cùng là đội viên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam). Trong ngày khai sinh tổ chức vũ trang này, ông là người cầm cờ, còn bà về sau là một trong hai người kéo lá cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mời độc giả xem video: Đà Nẵng: Đơn vị nào thực hiện không nghiêm túc, bí thư, chủ tịch chịu trách nhiệm. Nguồn: VTVcab Tin tức.