Nhắc đến những loài gỗ quý giá bậc nhất trên thế giới, không thể không nhắc đến Kim Tơ Nam Mộc. Loại gỗ này vô cùng quý hiếm, chủ yếu chỉ xuất hiện ở Trung Quốc và nổi tiếng là gỗ hoàng gia - gỗ dành cho giới hoàng tộc, quý tộc hoặc quan lại giàu có thời xưa. Hòa Thân - "đệ nhất tham quan" trong lịch sử Trung Quốc, sở hữu khối tài sản bằng ngân khố nhà Thanh 15 năm cộng lại - từng 68 cây gỗ Kim Tơ Nam Mộc để xây dựng vương phủ của mình.
Loại gỗ này được ví von là gỗ "nhả tơ vàng" vì các thớ gỗ đan xen những sợi tơ vàng óng ả, bắt mắt. Chưa kể gỗ còn cực kì chắc bền, không thấm nước, chống mối mọt, còn tỏa ra mùi thơm thoang thoảng cực kì dễ chịu. Do đó nên thời Minh Thành Tổ, gỗ Kim Tơ Nam Mộc bị khai thác quá mức dẫn đến tình trạng khan hiếm, từ đó giá trị cũng ngày càng tăng, trở thành một trongnhững loại gỗ đắt nhất trên thế giới.
Kim Tơ Nam Mộc đã đắt nhưng Kim Tơ Nam Mộc âm trầm còn có giá trị cao hơn nhiều lần. Loại này làgỗ phát sinh biến dị tự nhiên, bị lũ lụt, động đất cuốn đi rồi nằm sâu trong lòng đất, trải qua hàng nghìn năm ở trong điều kiện thiếu oxy và chịu áp suất nên xảy ra hiện tượng "than hóa mộc". Vào năm 2021, giới mê gỗ từng xôn xao khi tạiQuý Châu, Trung Quốc, có người đã rao bán 1 cây gỗ Kim tơ nam mộc với giá 2,5 tỷ NDT (tương đương 9.000 tỷ đồng).
Quý giá như vậy nhưng Kim Tơ Nam Mộc lại không được trồng nhiều. Nguyên do là vì cây gỗ này yêu cầu điều kiện sống vô cùng khắt khe, như: duy trì nhiệt độ ôn hòa, môi trường xung quanh không được quá nóng hay lạnh. Chưa kể, một cây Kim Tơ Nam Mộc muốn đưa vào sản xuất phải mất tới 50 năm nuôi trồng, muốn cây nhả tơ vàng thì trồng thêm 50 năm nữa. Trồng Kim Tơ Nam Mộc cả đời người không được thu hoạch nên nhiều người từ bỏ ý định trồng cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, Kim Tơ Nam Mộc nằm trong danh sách được bảo vệ cấp quốc gia ở Trung Quốc nên kể cả trồng thì cũng không thể tự ý thu hoạch và làm kinh tế từ nó.