Đặng Thị Huệ là người đàn bà nổi tiếng tài sắc và đầy tham vọng quyền lực giàu sang dưới thời chúa Trịnh thứ 9 thời Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam. Chính vì đầy tham vọng nên Đặng Thị Huệ đã gây sóng gió trong phủ chúa Trịnh, song kết cục cuối đời lại thật bi thảm.
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (1739 - 1782) là vị chúa Trịnh thứ 9 thời Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam, cai trị từ năm 1767 đến 1782. Ông người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Ông là con trưởng của Minh Đô Vương Trịnh Doanh. Năm Ất Sửu (1745), ông được lập làm Thế tử. Trịnh Doanh tỏ ra cẩn trọng việc nuôi dạy con, bổ dụng 2 tiến sĩ là Dương Công Phú và Nguyễn Hoàn làm tư giảng cho Trịnh Sâm.
|
Ảnh minh họa. |
Tháng 10/1758, Trịnh Doanh phong cho ông làm Tiết chế thủy bộ chủ quân, Thái Úy Tĩnh Quốc Công mở phủ Lượng Quốc và hết thảy công việc triều chính được giao cho Trịnh Sâm làm. Mùa xuân năm Đinh Hợi (1767), Trịnh Doanh qua đời, Trịnh Sâm lên nối ngôi, tiến phong là nguyên Soái Tổng Quốc Chính Tĩnh Đô Vương.
Trịnh Sâm là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán. Từ nhỏ, ông đã học được đến nơi đến chốn: có đủ tài văn võ, đã xem khắp kinh sử và biết làm thơ. Lên ngôi chúa, từ kỷ cương triều nội đến chính sự cả nước, Trịnh Sâm cho sửa đổi lại vì cho rằng phép tắt triều trước là nhỏ hẹp, nay Trịnh Sâm muốn làm to rộng hơn, nên nhiều phần tự quyết đoán, không theo lệ cũ. Thế nhưng đối với các bà vợ trong hậu cung thì ông lại không cai quản được vẹn toàn cho lắm, để rồi cuối đời cũng gánh lấy cái kết bi kịch.
Sử sách chép rằng, người chi phối đến chúa Trịnh Sâm là bà phi Đặng Thị Huệ có nguồn gốc xuất thân nghèo khổ, là cô gái hái chè quê ở làng Phù Đổng, huyện Đông Anh, Bắc Ninh (nay là Hà Nội). Vì có nhan sắc, nói năng nhanh nhẹn, làm việc hoạt bát nên Thị Huệ được phủ Chúa chọn vào làm thị tỳ cho một trong những bà Tiệp Dư của Trịnh Sâm là Trần Thị Vinh. Xét về thứ bậc, Tiệp Dư chỉ là vợ thứ của Chúa, cho nên thị tỳ của vợ thứ chẳng danh giá gì. Tuy nhiên, Đặng Thị Huệ lại khôn khéo tận dụng mọi cơ hội để mở lối tiến thân và đã thành công.
Sau khi vào phủ Chúa, Đặng Thị Huệ vốn khéo ngon ngọt yêu chiều, được Trịnh Sâm coi như báu vật, ngọc ngà. Tình cảm của Chúa đối với Huệ không hề nhạt phai, mà trái lại ngày càng tha thiết, sâu đậm, đắm say. Chúa phong cho Huệ làm Tuyên phi, ban cho bà bao nhiêu thứ quý giá và sẵn sàng chiều theo mọi ý thích của bà, dù nhỏ nhặt nhất. Đặng Thị Huệ rất hay vật vã, giận hờn, kêu khóc khi gặp chuyện trái ý, nhưng Chúa Trịnh Sâm đầy quyền lực thì ngày càng chịu lép vế trước người con gái xinh đẹp quá sắc sảo này.
Sách Hoàng Lê Nhất thống chí chép: "Ả được đặc ân ở chung với chúa, cứ y như một cặp vợ chồng những nhà thường dân. Mọi vật dụng như xe, kiệu, áo quần... đều được sắm hệt như của Chúa. Thậm chí, để chiều lòng người đẹp, Chúa không ngừng dùng ngân khố để làm nên những trò vui mới. Cứ đến dịp trung thu hằng năm, Chúa cho lấy những vật liệu quý trong kho ra làm đèn lồng mỗi cái ước tính khoảng vài chục lạng, và dựng hàng trăm cây phù dung ven hồ Long Trì tại Bắc cung để treo đèn.
Trịnh Sâm còn cho quan lại và phi tần, cung nữ trong phủ chúa mặc sức vui chơi, nhưng cũng không quên phục vụ Chúa và Tuyên phi. Tích này được ví giống Ngô Phù Sai cho xây cung Quán Khuê làm từ châu báu để Tây Thi chơi; rồi còn cho làm Hưởng Điệp Lang - là chiếc guốc có thể kêu leng keng theo mỗi bước chân của Tây Thi.
Có giai thoại rằng, Chúa Trịnh Sâm có ngọc dạ quang, đây là chiến lợi phẩm của một trận đánh phương Nam, nên rất quý viên ngọc này. Trong một lần lấy viên ngọc xem, Thị Huệ lấy tay mân mê viên ngọc, Chúa nói: "Nhè nhẹ tay chứ, đừng làm ngọc sây sát!". Thị Huệ bèn ném viên ngọc xuống đất mà khóc rằng: "Làm gì cái hạt ngọc này! Chẳng qua vào Quảng Nam kiếm giả Chúa hạt khác là cùng. Sao Chúa nỡ trọng của khinh người như vậy?". Rồi Thị tự ý bỏ ra ở cung khác, từ chối không gặp Chúa nữa. Chúa phải dùng nhiều cách dỗ dành cho Thị Huệ vui lòng, lúc ấy mới chịu làm lành.
Cũng tương truyền, một lần, có tay truyền giáo người Tây Dương đem theo lọ nước hoa đáng giá mười xe ngọc, Thị Huệ bỏ cơm ba bữa làm Trịnh Sâm phải đồng ý. Lần khác, có người lái buôn mang sang đôi giày đáng giá mười dãy phố, thấy Chúa trù trừ, Thị Huệ leo hẳn lên kỳ đài dọa nhảy xuống tự vẫn, khiến Trịnh Sâm rốt cuộc cũng phải bằng lòng.
Có thể nói, không gì Đặng Thị Huệ không dám đòi, kể cả việc hỏi con gái Chúa là Công nữ Ngọc Lan cho em trai mình là Đặng Mậu Lân, một kẻ nổi tiếng có tính hung bạo, dâm dật và càn rỡ.
Đến âm mưu giành ngôi báu
Khi Đặng Thị Huệ có thai, Chúa Trịnh sai người lễ khắp các chùa để mong sinh con thánh. Năm 1777, Tuyên phi hạ sinh hoàng nam, Chúa yêu dấu khác thường, lấy tên của mình ngày còn nhỏ đặt tên cho đứa bé là Cán, tỏ ra giống mình. Cán được một tuổi đã có tướng mạo khôi ngô và tư chất thông minh. Biết Chúa cưng chiều Cán, Đặng Thị Huệ âm mưu giành ngôi thế tử cho con. Bà tìm được đồng minh là Quận Huy công Hoàng Đình Bảo.
Bấy giờ, Thái phi Ngọc Hoan có con trai là Trịnh Tông. Khi Tông đến tuổi lập phủ, các quan nhắc thì Trịnh Sâm im lặng. Trịnh Tông thấy cha lạnh nhạt với mình và lại biết âm mưu của Đặng Thị Huệ và Quận Huy, liền nhân lúc cha ốm, tìm cách giết Quận Huy, bắt giam hai mẹ con Thị Huệ để tự lập ngôi chúa. Không ngờ Trịnh Sâm lại qua khỏi, việc bại lộ, Trịnh Tông bị biếm truất xuống làm con thứ và bị giam. Từ đó, phe cánh của Đặng Thị Huệ ngày càng lớn mạnh.
Đặng Thị Huệ hối thúc Trịnh Sâm lập Cán làm thế tử và Chúa Trịnh cũng nghe theo, dù Cán mới 5 tuổi. Và nhân thời điểm Chúa Trịnh Sâm bị bệnh trĩ, luôn ở trong cung; Đặng Thị Huệ tự ý xếp đặt công việc, gài tay chân giữ những vị trí then chốt trong phủ Chúa
Cái chết bi thảm của Đệ nhất mỹ nhân phủ chúa Trịnh
Năm Tân Sửu (1781), bệnh tình của Sâm nặng thêm và qua đời. Đặng Thị Huệ thông đồng với Quận Huy lập Cán lên ngôi chúa. Tuyên phi nghiễm nhiên trở thành người điều khiển triều chính giúp con. Lòng người lo sợ, từ phủ Chúa ra kinh thành, thôn dã, ai cũng biết chắc họa loạn sẽ xảy ra. Tháng 10 cùng năm, binh lính Tam phủ nổi loạn, truất ngôi Cán, giáng xuống làm Cung quốc công, đập phá nhà cửa, giết Quận Huy cùng thân thuộc phe cánh. Họ đón Trịnh Tông lên ngôi vương, phong là Nguyên soái Đoan Nam vương. Phe cánh Đặng Thị Huệ bị truy lùng và trả thù.
Lại nói bà Ngọc Hoan bị Trịnh Sâm ruồng bỏ, trở lại nắm ngôi mẫu hậu, đã bắt Đặng Thị Huệ, truất xuống thứ nhân, đánh đập rất tàn tệ, rồi giam vào ngục. Và quãng đời cuối của Đặng Thị Huệ, khi bà đã không còn gì sau cuộc tranh giành quyền lực, điều này có nghi rõ trong sách Hoàng Lê nhất thống chí chép như sau: Khi chúa nhỏ bị bỏ, Thái phi (Dương Ngọc Hoan) liền sai người bắt Tuyên phi hài tội, rồi buộc bà phải lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy, Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất, nhưng bà vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa lời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhỏ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ Tăng ở vườn sau. Tại đây, Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở.
Một bữa, bà trốn ra khỏi cửa Tuyên Vũ, chạy đến bến đò phố Khách thì bị quân lính đuổi kịp... Sau một thời gian giam giữ ngặt, Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Ở đây, bà ngày đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuộc độc mà chết, được táng cách Vọng lăng (lăng Trịnh Sâm) một dặm. Cái chết đau buồn như bài học đắt giá để lại cho lịch sử.