Bí mật sau những chiếc ấn cổ

Google News

Trong hàng nghìn năm, những chiếc ấn đã được sử dụng để xác định xác thực và quyền lực. Qua nhiều thế kỷ, các vương công quý tộc và dân thường trên toàn thế giới đã dựa vào những chiếc ấn trong mọi giao dịch chính thức.

Những chiếc ấn giúp chúng ta hiểu được cấu trúc xã hội, hệ thống tín ngưỡng và kỹ thuật tạo tác của những thời đại đã qua. Cho đến ngày nay, một số vẫn chưa được giải mã và chứa đựng nhiều bí ẩn lớn.
Những chiếc ấn của người Sumer
Tháng 4/2003, sau cuộc chiến tranh Iraq, một bộ sưu tập những chiếc ấn của người Sumer cổ đã bị đánh cắp khỏi Baghdad. Cho đến nay, các phe phái chịu trách nhiệm và vị trí của những chiếc ấn bị mất vẫn còn là một bí ẩn. Bảo tàng Iraq có một bộ sưu tập 7.000 chiếc ấn hình trụ. Có niên đại từ thiên kỷ thứ 5 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, đây là những dụng cụ cổ để đóng dấu vào các tài liệu. Khi được lăn ra, mỗi chiếc ấn đều mô tả một câu chuyện minh họa thu nhỏ. Thông thường, chúng được làm từ ngọc lưu ly, thạch anh, hematit, cẩm thạch hoặc mã não.
Người Mỹ chiếm Baghdad vào tháng 4/2003. Thật không may, Bảo tàng Iraq lại không được bảo vệ. Theo những lời đồn đại, một cậu bé đã leo qua cửa sổ và mở cửa cho bọn trộm đến với bộ sưu tập vô giá này. Đến nay, gần 5.000 chiếc ấn vẫn còn bị thất lạc.
 Tiểu kiệt tác - một trong những chiếc ấn đá tuyệt vời từng được khai quật.
Tiểu kiệt tác
Phải mất gần một năm để làm sạch, nhưng Pylos Combat Agate (Trận chiến Pylos trên đá mã não) đã chứng tỏ là một trong những chiếc ấn đá tuyệt vời nhất từng được khai quật. Được đào lên vào năm 2015 từ ngôi mộ “Chiến binh Griffin” thuộc kỳ Đồ đồng có niên đại 3.500 năm trước ở Tây Nam Hy Lạp, hiện vật vô giá này mô tả một anh hùng gần như khỏa thân, có mái tóc chảy dài đang đâm thanh kiếm vào hông của một kẻ thù được trang bị đầy đủ và đội mũ.
Các nhà khảo cổ học đã khai quật được Tiểu Kiệt tác tại địa điểm vốn là cung điện của vua Nestor tại Pylos. Sự tinh xảo của Pylos Combat Agate buộc các nhà nghiên cứu phải nhìn nhận lại không chỉ sự phức tạp của nghệ thuật trong thời kỳ mà còn cả về công nghệ chế tác ra nó. Các nhà nghiên cứu đã phải sử dụng một ống kính camera chụp ảnh hiển vi để xem được đầy đủ các chi tiết. Tác phẩm “nhỏ đến mức khó hiểu”, như nhận xét của Jack Davis, Đại học Cincinnati cho thấy, người nghệ sĩ bậc thầy phải sử dụng một chiếc kính lúp cổ. Tuy nhiên, không có dụng cụ phóng đại nào như vậy được tìm thấy ở thời đại này.
Chiếc ấn Samson
Tháng 8/2013, các nhà khảo cổ Israel đã phát hiện được một chiếc ấn cổ tại Beth Shemesh có vẻ mô tả về Samson trong Kinh thánh. Có niên đại từ thế kỷ 12 trước Công nguyên, chiếc ấn có kích thước bằng đồng xu khắc hình một người đàn ông đang chiến đấu với sư tử. Theo sách Các Phán quan, người lực sĩ huyền thoại đã rời khỏi quê hương thuộc bộ lạc Dan để tìm kiếm người vợ trong số những người Philistines. Trong chuyến du hành của mình, Samson gặp một con sư tử và người anh hùng đã đánh bại nó như thể đó là một con “dê non”.
Trong khi câu chuyện về Samson tồn tại ở Beth Shemesh vào thời kỳ của chiếc ấn, điều đó không có nghĩa là người khuất phục sư tử này là có thật. Cuộc chiến với con sư tử được xem như là một câu chuyện ngụ ngôn về những nguy hiểm mà người cổ xưa gặp phải khi vượt qua biên giới giữa các nền văn minh. Nhà nghiên cứu nổi tiếng Zvi Lederman giải thích: “Vùng Beth Shemesh là nơi giao thoa giữa các nền văn hoá, nơi mà người Philistines, Canaanites và Israelites sống gần nhau, duy trì nền văn hoá và bản sắc riêng biệt.
Chiếc ấn của vua Solomon
Theo truyền thuyết, chiếc ấn của vua Solomon được ban cho những sức mạnh kì bí như nói chuyện với muông thú và ra lệnh cho quỷ dữ. Tháng 10/2017, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố họ đã thu giữ được một chiếc ấn đồng của Vua Solomon từ một tay buôn lậu ở tỉnh Amasya. Cùng với chiếc ấn của vị vua trong Kinh thánh, mười hiện vật khác cũng đã được phát hiện, bao gồm năm chiếc bảng bằng vàng, một bức tượng bò đực bằng vàng và một chiếc bùa hộ mệnh bằng đồng khắc chữ Do Thái.
Theo truyền thuyết trong Kinh Thánh, chiếc ấn của Vua Solomon có hình trong khắc tên Chúa và một ngôi sao sáu cánh. Kinh Cựu Ước của Solomon được cho là đặt theo tên của nó đã đề cập đến sức mạnh kỳ diệu của chiếc ấn. Chiếc ấn huyền diệu này cũng nổi tiếng trong những người theo thuyết huyền bí ở phương Tây và Hồi giáo. Một trong những chủ đề trung tâm đằng sau biểu tượng của chiếc ấn là tính hài hòa của sự đối lập. Nó thể hiện mối liên hệ giữa ma thuật và lý trí. Làm thế nào mà tên buôn lậu lại mua được những hiện vật cổ xưa này vẫn còn là một bí ẩn.
Mật mã trên những chiếc ấn Indus
Nền văn minh Thung lũng Indus phát triển rực rỡ từ năm 2600 đến năm 1900 trước Công nguyên. Với cách quản lý nước tiên tiến, cơ sở hạ tầng đô thị và thậm chí hệ thống ống nước, đây là một trong những thành tựu văn hoá vĩ đại của thế giới cổ đại. Tuy nhiên, phần lớn nền văn minh này vẫn còn là một điều bí ẩn đối với chúng ta, vì các biểu tượng của chúng còn chưa được giải mã.
Năm 1872, viên tướng người Anh Alexander Cunningham đã khai quật được một chiếc ấn cổ bí ẩn ở miền Bắc Ấn Độ. Hòn đá đen có chạm khắc những hình bầu dục, đường kẻ và những hình giống như con cá. Chưa ai có thể diễn giải được các biểu tượng này. Trong những năm tiếp theo, hàng ngàn chiếc ấn khác đã được khai quật ở Ấn Độ, Pakistan và Iraq. Chúng thường mang hình ảnh của những con vật, cả có thật và tưởng tượng. Những đoạn văn bản ngắn và sự thiếu hiểu biết về phương ngữ hoặc nhóm ngôn ngữ ẩn chứa trong đó đã cản trở mọi nỗ lực dịch thuật. Các nhà khảo cổ học hy vọng tìm được một văn bản đa ngôn ngữ như hòn đá Rosetta, thứ đã giúp chúng ta giải mã được những chữ tượng hình Ai Cập.
Theo BS. Cẩm Tú/Suckhoedoisong

>> xem thêm

Bình luận(0)