Ông Trịnh Cần Chính, con trai thứ 6 của thương gia Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, cho biết: “Cha mẹ tôi rất coi trọng chữ tín trong kinh doanh. Đó là bí mật và cũng là bí quyết vàng trong mọi giao dịch làm ăn”.
Ông nói tiếp: “Khi kế thừa sản nghiệp của đời trước, cha mẹ tôi đã sở hữu không chỉ số vốn 30 ngàn đồng Đông Dương mà còn là uy tín do đời trước để lại. Thời đó, nhắc đến tiệm vải Phúc Lợi, người Hà Nội ai cũng biết”.
Cũng theo lời ông Chính, thương gia Trịnh Văn Bô và vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ đã khéo léo dùng uy tín của thương hiệu vải Phúc Lợi và các mối làm ăn của cha mẹ để lại, từ đó tiếp tục sản xuất và buôn bán tơ lụa.
|
Trịnh Văn Bô (bên trái) và con trai Trịnh Lương (ảnh chụp năm 1956). Ảnh: Gia đình cung cấp |
“Nhiều thương gia nước ngoài sang Hà Nội làm ăn đã nghe tiếng vải Phúc Lợi và về nước họ chia sẻ với bạn làm ăn. Từ đó, uy tín của gia đình tôi lan rộng ra các nước trong khu vực.
Tôi từng nghe kể, cha tôi nhận được phiếu nhận hàng của bưu điện. Ông ra bưu nhận hàng mà không hề biết ai gửi cho mình. Lúc mở kiện hàng, cha mẹ tôi mới biết người gửi là thương gia ở nước ngoài.
Gia đình chúng tôi chưa bao giờ gặp họ cũng chưa có bất cứ giao dịch làm ăn nào nhưng họ vẫn gửi vải cho Phúc Lợi bán vì nghe tiếng từ bạn bè.
Họ nhắn cha mẹ tôi bán hàng của họ trong vòng nửa năm, sau đó bên Phúc Lợi mới cần hoàn tiền. Cha mẹ tôi chỉ bán số hàng đó trong vòng 3 - 4 tháng. Nếu như người khác, trong thời gian đó, họ có thể gửi tiền vào ngân hàng để tranh thủ lấy lãi nhưng cha mẹ tôi bán được hàng là gửi ngay cho bên kia”.
Nhờ thế, uy tín của họ Trịnh ngày càng tăng. Gia đình thương gia Trịnh Văn Bô liên tục được các thương gia nước ngoài tín nhiệm, mong muốn được làm ăn cùng.
Con trai của thương gia Trịnh Văn Bô cũng chia sẻ thêm một câu chuyện khác. Có giai đoạn Cách mạng cần tiền, nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình ông. Vợ chồng thương gia họ Trịnh đồng ý giúp đỡ, tuy nhiên họ là nhà buôn, sở hữu nhiều hàng hóa trong kho nhưng tiền mặt lại không quá lớn. Ông bà đã nhờ thương lái Trung Quốc mua hàng là các kiện vải, sợi với giá gốc để lấy tiền mặt.
Uy tín của họ lớn đến nỗi nhà buôn Trung Quốc đồng ý mua hàng. Không cần xem xét số vải, họ chuyển tiền luôn cho ông Bô.
Nguyên tắc buôn bán là “tiền trao cháo múc” nhưng sau khi chuyển tiền, lái buôn vì tin tưởng gia đình ông nên thông báo, kiện hàng hóa cứ để ở kho của gia đình ông Bô. Họ chưa cần thiết nên chưa mang về.
Vợ chồng ông Bô cũng rất cẩn thận trong việc đảm bảo chữ tín của thương hiệu Phúc Lợi bằng cách chăm chút cho mỗi đơn hàng. “Nhiều tối, ăn cơm xong, mẹ tôi vẫn cần mẫn thức tới khuya để kiểm duyệt các đơn hàng. Có nhiều đơn hàng phải giao cho khách vào ngày mai, bà không muốn xảy ra sự sai sót nào”, ông Chính kể.
Tới đầu những năm 1940, Phúc Lợi đã trở thành một thương hiệu uy tín và có quy mô lớn nhất Hà Nội trong lĩnh vực kinh doanh vải sợi.
Từ 30 nghìn đồng Đông Dương được cha mẹ cho làm vốn, vợ chồng thương gia Trịnh Văn Bô đã tạo dựng được một xưởng dệt lớn, nhiều bất động sản và một chuỗi cửa hàng ở Thủ đô.
Bà Minh Hồ từng trải lòng: "Lúc đó tôi mới 20 tuổi nhưng say sưa với công việc để chiếm lĩnh thị trường. Gia đình buôn bán có uy tín, hàng hóa nhiều, đồng tiền vững giá và không có chuyện khách nợ nần. Do vậy, chỉ từ số vốn nhỏ lúc khởi nghiệp, khối tài sản gia đình đã tăng lên hàng trăm lần, giàu có nhất nhì Thủ đô”.
Trong một bài phỏng vấn với báo chí, bà từng nói: “Tơ lụa của chúng tôi bán cả sang các nước ở khu vực. Chúng tôi cũng có giao dịch buôn bán với Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tôi giao dịch, chồng tôi làm thông ngôn (phiên dịch)...
...Tư sản ngày ấy có bốn nhà thương gia lớn được Nhà nước tặng thưởng là Bạch Thái Bưởi, Sơn Hà, Lương Văn Can và Trịnh Văn Bô".
|
Ông Trịnh Cần Chính trong căn nhà ở Hoàng Diệu. Ảnh: Diệu Bình |
Sở hữu gia sản lớn nhưng bà rất gần gũi với người giúp việc và gia nhân trong gia đình.
Theo lời ông Chính, các gia nhân trong nhà được bà nuôi cơm ăn, áo mặc, cuối năm họ được lĩnh một khoản tiền để về quê. Gia đình họ có đám cưới, đám ma cũng đều được mẹ ông giúp đỡ tận tình.
Có người học việc ở tiệm vải Phúc Lợi sau khi tay nghề vững ông bà cũng tạo điều kiện, cho vốn để đứng ra làm ăn riêng. Đã có rất nhiều nhà buôn thành danh nhờ sự đào tạo từ gia đình bà Hồ.
Bởi vậy, nhiều gia nhân trung thành với vợ chồng ông Bô. Có người nấu bếp ở với họ suốt 36 năm. Khi gia đình hiến tài sản cho các mạnh và đi sơ tán, cũng nhiều gia nhân xin được đi theo đến cùng.
Sự lèo lái gia đình của vợ chồng ông còn thể hiện ở khi đất nước khó khăn. Sau khi hiến tài sản cho nhà nước, gia đình ông Bô tản cư lên Tuyên Quang, Thái Nguyên…, số tiền còn lại vơi dần.
Họ rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề ở vùng đất mới. Ông Chính kể: “Với chút vốn còn lại, mẹ tôi quyết định buôn bán nông sản. Bà mua chè búp, măng tươi rồi sao tẩm, sấy khô, bán lại cho thương nhân miền xuôi…
Sau đó, bà mở rộng kinh doanh ra một số địa phương vùng Việt Bắc, lên cả Bắc Cạn, Cao Bằng. Nhanh nhẹn, chịu khó, mẹ tôi lo cho chúng tôi cuộc sống đầy đủ ngay cả khi đất nước còn khó khăn…”.