Quan Hóa là một huyện miền núi nghèo của Thanh Hóa, trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, vùng đất Mường Ca Da này vẫn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, nhiều di tích, danh lam thắng cảnh hiện vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”, trường tồn mãi mãi theo thời gian. Hang Phi chính là một minh chứng.
Những cỗ quan tài đặc biệt
Theo khảo sát, ở xã Hồi Xuân, hiện có một số hang động nằm trên những vách đá dựng đứng cạnh dòng sông Mã, sông Lò, sông Luồng huyền thoại, ở những nơi đó người xưa đã sử dụng để chôn cất, treo những cỗ quan tài người đã khuất.
Thông qua một số tài liệu hiện còn lưu giữ, cách đây trên một vạn năm đã xuất hiện người tiền sử, đến nay những vết tích của người xưa hiện vẫn còn tồn tại trong hệ thống các hang động, vách đá. Trong đó, không thể không nhắc đến những cỗ quan tài được chôn, treo (người chết) trên những hang động hiểm trở.
Vượt qua hơn 4 giờ đi xe máy, có mặt tại huyện Quan Hóa, được sự chỉ dẫn của một cán bộ văn hóa huyện, chúng tôi lần lượt khám phá các hang động Lũng Mu, Ko Phày, Pha Ké. Đứng trên độ cao 1.000m, một cảm giác sợ hãi chạy dọc sống lưng, đường lên hang vô cùng hiểm trở, nguy hiểm.
|
Một số quan tài gỗ được phát hiện tại hang Ma.
|
Những hang động này được xác định là khu động táng của người Thái cổ, với rất nhiều cỗ
quan tài treo bằng gỗ. Theo một số nhà khảo cổ, khu động táng này ra đời vào thời đại kim khí, trước - sau Công nguyên một thế kỉ, kéo dài đến thời Trần - Lê. Tục động táng, đưa quan tài người chết vào những hang động trên vách núi cao phổ biến, mang tính truyền thống tại nhiều tộc người của vùng Đông Nam Á, một số tộc người khu vực phía nam Trung Quốc.
Tại hang Lũng Mu, trên địa bàn bản Khằm, xã Hồi Xuân, cách trung tâm huyện Quan Hóa 3km, bên dòng sông luồng thuộc dãy núi Pha Lý. Hang có một cửa rộng, đi sâu phát hiện hang có 3 ngăn. Ngăn chính có trần hang, cao khoảng hơn 20m, được bố trí thành 3 cấp. Trên cùng có 2 giá đỡ đặt 2 cỗ quan tài đủ nắp đậy; ở cấp thứ 2 là sàn ván gỗ rộng 4,45m, dài 4,7m; cấp thứ 3 – cấp cuối cùng đặt gần 30 cỗ quan tài, các tấm thiên, tấm địa bị bật tung.
Ngăn thứ 2 có diện tích nhỏ hơn và cao hơn ngăn chính 2,5m, trong đó có 5 bộ quan tài. Tiếp đó, ngăn thứ 3 lại thấp hơn, chứa 40 quan tài cũng trong tình trạng bị lật nắp thiên. Tổng cộng hang có 75 bộ quan tài.
Sau khi tìm hiểu hang Lũng Mu, chúng tôi tiếp tục khám phá hang Ko Phày, Pha Ké phát hiện thên 10 bộ quan tài. Đặc biệt tại hang Pha Ké có 5 hang động và mái đá có đặt và treo quan tài trên những vách núi tai mèo dựng đứng.
Những bí mật dần hé lộ
Theo nghiên cứu của Hội khoa học lịch sử Thanh Hóa cùng nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ trong và ngoài tỉnh, tại hang Pha Ké, phát hiện một số mảnh gốm thô, ốc núi và mảnh xương có dấu đẽo, mài thuộc văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn. Ngoài ra còn có một số hạt mã não, 1 dao sắt, 1 đồng tiền có chữ “ Khai nguyên thông bảo”.
|
Một số quan tài gỗ được phát hiện tại hang Ma. |
Ở hang Pha Ké 3, nằm ở lưng chừng núi, trong hang có đặt 2 quan tài đặt trên giá treo. Một đầu giá tựa vào vách núi, còn đầu kia tựa trên cột gỗ cao 1,5m – 2m, dài 4,2m. Hang Pha Ké 4 đặt 4 quan tài; hang Pha Ké 5 cao hơn 100m so với mặt nước sông Mã, có đặt 5 quan tài, cùng một số xương, răng cùng gốm, sứ… ở giai đoạn muộn.
Đáng chú ý, tất cả quan tài táng trong các hang động đều được chế tác từ những thân cây gỗ lớn, đục khoét rỗng thân. Ở hai đầu của tấm thiên và tấm địa để lại tay khiêng dài 0,02m. Về kích thước, quan tài lớn thường có chiều dài 3,3m, rộng 0,50m, sâu lòng 0,20m – 0,25m.
Về niên đại, qua những dị vật được phát hiện ở hang Pha Ké 1, Pha Ké 2, các nhà khảo cổ, dân tộc học, nghiên cứu bảo tàng, di tích đều cho rằng tục treo, đốt quan tài trên các hang đá có thể bắt đầu từ thời văn hóa Đông Sơn. Chủ nhân của kiểu táng thức này có thể của tộc người Thái – một tộc người từng có một quá trình cư trú lâu dài ở đây.
Có một điều lạ, trong tất cả hang đặt, treo quan tài ở Hồi Xuân, Quan Hóa, phần lớn nằm trên độ cao lớn ven sông. Đường lên hang cheo leo, vách đá dựng đứng. Đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. Với địa hình phức tạp như vậy, người xưa đã dùng cách nào để có thể di chuyển những cỗ quan tài lên hang? Một số bậc cao niên địa phương lý giải, chỉ có cách dùng dây kéo, đẩy dần lên mới có thể di chuyển được bộ quan tài nặng hàng tạ từ dưới lên đến hang. Tuy nhiên, điều này mới trên giả thuyết, chưa ai kiểm chứng.
Với trọng lượng nặng như vậy, người xưa đã đưa những cỗ quan tài lên trên hang bằng cách nào, trong khi đường đi lại vô cùng nguy hiểm, điều này đến nay vẫn làm đâu đầu các nhà nghiên cứu.