“Lời nguyền” đoản mệnh vô sinh
Theo lẽ thường tình, bậc quân vương đứng đầu thiên hạ, sở hữu quyền lực có thể “hô mưa gọi gió”, trăm ngàn kẻ hầu hạ phải là những người có cuộc sống sung sướng, tuổi thọ cao nhất. Thế nhưng thực tế trong lịch sử đã chứng minh, tuổi thọ của các Hoàng đế lại không hề cao như ta tưởng.
Trong lịch sử nhà Minh, có 16 vị Hoàng đế, song chỉ có một người là Minh Thái Tổ chạm được đến ngưỡng “thất thập cổ lai hy” (70 tuổi), Minh Thành Tổ thọ hơn 60 tuổi, vua Gia Tĩnh thọ 60 tuổi và vua Vạn Lịch thọ 58 tuổi. Còn lại, các vị Hoàng đế Minh triều đa số đều chết khi chưa đến 40 tuổi.
Vị Hoàng đế đoản mệnh nhất phải kể đến là Minh Hy Tông qua đời khi mới 23 tuổi. Không thọ hơn Minh Hy Tông là bao, vua Minh Võ Tông cũng chỉ thọ tới 31 tuổi.
|
Thậm chí, tuổi thọ của nhiều Hoàng đế còn thấp hơn cả tuổi thọ trung bình của người dân Trung Hoa. (Ảnh minh họa). |
Trường hợp của vua Minh Thành Tổ, tuy có tuổi thọ khá cao song các con của ông, ngoại trừ Thái tử thì chỉ có hai người con trai sống thọ được tới tuổi trưởng thành. Con trai của Minh Thành Tổ là Minh Nhân Tông có 9 người con thì một người chết non và có tới bốn người không có con nối dõi.
Vua Tuyên Tông có 7 người con trai được phong vương thì 3 người không con nối dõi. Minh Anh Tông chỉ có duy nhất một con trai chính là vua Hiến Tông. Vua Hiến Tông sau đó có 10 người con trai được phong vương thì tới 6 người không có con nối dõi. Những người còn lại không qua đời sớm vì tai nạn thì cũng bệnh tật mà chết.
Rất nhiều hoàng đế Minh triều khác cũng có số phận đoản mệnh như vậy. Thậm chí, tuổi thọ này còn thấp hơn cả tuổi thọ trung bình của người dân Trung Hoa.
Thế nhưng, các quan trong triều đình thời này lại có tuổi thọ cao hơn bậc quân vương rất nhiều. Cụ thể, theo thống kê của các nhà nghiên cứu, quan lại thời Minh – Thanh, số người sống tới tuổi 60, 70 rất nhiều. Trường hợp thọ khoảng 50 tuổi là rất phổ biến, thậm chí việc có người 70 tuổi vẫn làm quan cũng không phải chuyện lạ gì.
Căn bệnh di truyền bí ẩn phía sau
Kỳ lạ một điều, cùng là con cháu họ Chu nhưng dòng dõi của Minh Thái Tổ lại sinh ra những người vô cùng trường thọ. Các thân vương, quận vương này đều sống tới 70, 80 tuổi, thậm chí còn có tới trăm con. Điều này chứng minh giả thiết hoàng thất Minh triều vốn trời sinh đã có thể chất yếu ớt là không chính xác.
Cuộc sống trong hoàng cung xa hoa phú quý, thân là người đứng đầu một nước được ăn ngon, kẻ hầu người hạ, thái y ngày đêm chăm sóc nhưng tại sao tuổi thọ lại thấp như vậy. Từ đó, các học giả Trung Quốc đã đặt ra giả thiết về một căn bệnh di truyền quái ác được xem là "lời nguyền" với các Hoàng đế Minh triều khiến họ chết khi còn rất trẻ.
Không chỉ đoản mệnh, lịch sử còn cho thấy rất nhiều hoàng đế thời Minh có ít con, thậm chí là tuyệt tự. Từ thời vua Minh Hiếu Tông, dòng trưởng của hoàng thất đều thưa thớt hậu duệ. Vua Hiếu Tông, Thái Tông đều độc đinh, Võ Tông không con, Mục Tông cũng chỉ có hai người nối dõi.
Từ đời Minh Thành Tổ Chu Đệ tới Sùng Trinh, có tới 14 phiên vương bị tuyệt tự. Số người chết non hay qua đời trước tuổi thành niên nhiều không kể hết.
Để giải thích cho việc này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một giả thiết về việc có khả năng họ đã mang một căn bệnh di truyền bí ẩn. Việc Hoàng đế Chu Đệ từng đột tử trên đường xuất chinh khiến nhiều người cho rằng căn bệnh ám ảnh triều đại này rất có thể là bệnh về tim mạch. Không chỉ có khả năng di truyền, các chứng bệnh về tim mạch còn ảnh hưởng tới sinh lý nam giới và gây ra đột quỵ.
Giả thiết này cũng là lời lý giải hợp lý cho những cái chết đột ngột của các vị vua sau này như Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và sự đoản mệnh của hoàng thất Minh triều sau này.