Cả đời Tần Thủy Hoàng chứa đựng rất nhiều những bí ẩn chưa có lời giải đáp. Một trong những câu hỏi lớn nhất về ông ta chính là ai mới là người vợ đích thực? Trong các vương triều của các hoàng đế, hậu cung đều được ghi chép lại rất chi tiết, đặc biệt là ngôi vị hoàng hậu, vì đây là vị trí đệ nhất phu nhân, mẫu nghi thiên hạ.
Vậy Tần hoàng hậu do sử sách quên không ghi chép hay đã có nguyên do gì đó mà không ghi chép? Điều kỳ lạ hơn nữa là ngoài ngôi vị hoàng hậu ra, cũng không tìm thấy những ghi chép liên quan đến hậu cung của Tần Thủy Hoàng trong sử sách
Nhưng trong suốt cả cuộc đời mình, Tần Thủy Hoàng không lập hoàng hậu, ông cũng là hoàng đế duy nhất không lập hoàng hậu kể từ khi chế độ lập hậu được xác lập, cho nên trong khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng không có mộ của hoàng hậu, đây là một câu đố chưa thể lý giải được của lịch sử.
Theo những tư liệu lịch sử, từ khi lên ngôi hoàng đế vào năm 13 tuổi cho đến tận năm 22 tuổi, trong 9 năm này là khoảng thời gian mà đàn ông thời xưa phải lấy vợ, nhưng Tần Thủy Hoàng không hề lập hoàng hậu.
Phải chăng khi còn sống Tần Thủy Hoàng đã không lập hoàng hậu? Câu hỏi này có rất nhiều giả thiết đưa ra. Xưa nay, việc lập hậu là vô cùng quan trọng vì ảnh hưởng đến trật tự kế tục vượng vị và trật tự của hậu cung.
Có người đoán rằng vì Tần Thủy Hoàng tin lời đạo sĩ theo đuổi thuật trường sinh bất lão vì thế mà đã kéo dài thời gian lập hậu. Nhưng điều này không có cơ sở, vì theo quy định khi hoàng đế chính thức đăng cơ không lâu sau sẽ phải lập hậu. Khi đó, Tần Thủy Hoàng còn rất trẻ, hà cớ gì phải đợi đến 40, 50 tuổi khi già yếu mới tính đến việc lập hậu. Giả dụ Tần Thủy Hoàng có chủ ý như thế thì không chỉ có tông thất nhà Tần không đồng ý mà các đại thần cũng sớm can gián.
Có người lại lập luận rằng do mẫu thân không đoan chính, sinh hai con riêng khi phụ hoàng đã mất nên đã gây chấn động tâm lý rất lớn đối với Tần Thủy Hoàng. Chính việc này đã khiến ông ta oán hận nên đã đuổi mẫu thân xuất kinh, từ đó mà thù hận đàn bà. Đây chính là một trở ngại tâm lý khiến ông ta không tin tưởng ai và không muốn lập ai làm hoàng hậu.
Nhưng sau khi nghe lời khuyên nhủ của đại thần nhằm ổn định chính trị, dẹp yên các mối nên Tần Thủy Hoàng đã cho đón mẹ đẻ hồi cung, khôi phục lại mối mẹ con. Tần Thủy Hoàng lại là người hành sự đều suy tính từ góc độ chính trị. Huống hồ, trong nhà Tần việc Thái hậu sinh con riêng cũng không phải là hiếm.
Cho dù hậu cung đầy giai nhân mỹ nữ của sáu nước, nhưng ông chỉ coi họ là đối tượng để trút hết sự căm ghét phụ nữ, hoặc là công cụ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý mà thôi. Chính hành vi của người mẹ đã gây trở ngại tâm lý trong con người ông, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ông mãi vẫn không lập hoàng hậu.
Có giả thiết cho rằng hoàng hậu của Tần Thủy Hoàng là Sở phu nhân. Thân thế của bà cũng không tìm thấy trong chính sử, chỉ có thể phỏng đoán bà xuất thân trong một vương tộc Sở quốc. Bà là người đã lọt mắt xanh của Hoa Dương phu nhân và có mối mật thiết với Hoa Dương phu nhân, và đương nhiên sẽ có mối mật thiết với Xương Bình Quân và họ đều là những người có cùng huyết thống mật thiết trong một gia tộc.
Trong “Tần Mê” của Lý Khai Nguyên cũng có đoạn đưa ra dẫn chứng và phỏng đoán rất đanh thép về hoàng hậu của Tần Thủy Hoàng. Thời Chiến Quốc, nước Tần và nước Sở vẫn duy trì mối thông gia hàng trăm năm, vương hậu của nước Tần xưa nay vốn vẫn là công chúa của nước Sở. Vì thế nếu giả thiết này đúng, thì vợ đích thực của Tần Thủy Hoàng chính là Sở phu nhân.
Ngoài ra còn hai mỹ nhân mà Tần Thủy Hoàng vô cùng sủng ái là A Phòng, Lê Khương. Nhưng cho dù những giải thiết này có thực hay không thì câu hỏi ai là hoàng hậu của Tần Thủy Hoàng đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng và là một bí ẩn.