Bao Công (999-1062), tên thật là Bao Chửng, hiệu Hi Nhân, xuất thân từ Lư Châu, Hợp Phì, Trung Quốc, là một chính trị gia kiệt xuất thời Bắc Tống. Ông đỗ tiến sĩ vào năm 1027 dưới triều vua Tống Nhân Tông, và nhờ vào sự liêm chính cùng tài năng xử án xuất sắc, Bao Công được người đời xưng tụng là "Bao Thanh Thiên". Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã trở thành cảm hứng cho nhiều tác phẩm truyền hình nổi tiếng như Bao Thanh Thiên, Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên và Kỳ án Đại Tống.
Bao Công qua đời ở tuổi 64 khi đang giữ chức Khu mật phó sứ, tương đương vị trí Tể tướng trong triều đình. Sự ra đi của ông đã được vua Tống Nhân Tông đích thân chủ trì lễ truy điệu và ban thụy hiệu “Hiếu Túc”. Thi hài của ông sau đó được an táng tại quê nhà Lư Châu, tỉnh An Huy. Hiện nay, khu mộ của Bao Công nằm tại Đại Hưng Tập, ngoại ô thành phố Hợp Phì.
|
Địa cung nơi có quan tài Bao Công
|
Theo sử sách, vào tháng 5 năm 1062, Bao Công lâm bệnh khi đang làm việc và được vua ban thuốc điều trị. Tuy nhiên, chỉ sau 13 ngày từ lúc phát bệnh, ông qua đời, để lại nhiều nghi vấn trong giới sử học. Một số học giả đặt câu hỏi liệu cái chết của Bao Công có liên quan đến sự ghen ghét, đố kỵ của những quan chức triều đình mà ông từng "đắc tội" trong quá trình làm việc hay không.
Cuộc điều tra về cái chết của Bao Công đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Theo ghi nhận từ năm 1973, Phòng nghiên cứu động vật có xương sống và người cổ thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đã tiến hành khai quật và giám định xương của Bao Công tại khu mộ gia tộc ở Đại Hưng Tập. Họ thu thập được 35 mảnh xương của ông cùng với quan tài bằng gỗ quý, và cũng đã nghiên cứu thêm các ngôi mộ của vợ chính, con trai và con dâu của ông.
Dù đã hơn 900 năm trôi qua, cái chết của Bao Công vẫn là một bí ẩn, thu hút sự quan tâm không chỉ của giới sử học mà còn của công chúng yêu thích lịch sử.