Theo Ancient Origins, báu vật có sự xuất hiện "hai lần vô lý" được tìm thấy ở làng Rupinpiccolo thuộc tỉnh Trieste, vùng Friuli-Venezia Giulia nước Ý.
Nhà khảo cổ học Federico Bernardini và nhà thiên văn học Paolo Molaro tại pháo đài Rupinpiccolo và báu vật mà họ đã phát hiện - Ảnh: INAF
Ngôi làng này từng tọa lạc một pháo đài kiên cố được xây dựng từ những năm 1800-1650 trước Công nguyên, tức giữa thời đại đồ Đồng ở nơi đây.
Từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên, tức 2.600 năm trước, pháo đài Rupinpiccolo bị bỏ hoang.
Báu vật mà Viện Vật lý thiên văn quốc gia Ý (INAF) vừa công bố là hai tảng đá hình tròn bí ẩn được tìm thấy ở khu vực pháo đài cổ.
Một tảng đá là biểu tượng của Mặt Trời, trong khi viên đá còn lại là bản đồ thiên thể.
Kết quả giám định niên đại gây bối rối: Chúng được chạm khắc vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, tức 2.500 năm trước.
Đó là khi pháo đài đã bị bỏ hoang 100 năm. Vì vậy, không thể biết ai, vì sao đã chạm khắc và để lại cặp đá tròn này vào thời đại đó.
Hình tượng Mặt Trời được coi trọng bên cạnh bản đồ thiên thể như lời gợi ý mơ hồ về thuyết Nhật Tâm cũng là điều đáng để bối rối, dù rằng chúng không thể hiện hiểu biết chính xác là Mặt Trời là trung tâm các hành tinh của nó, chứ không phải trung tâm các thiên thể khác.
Người nêu ra hình thức hiện đại đầu tiên của thuyết Nhật Tâm là nhà thiên văn Nicolas Copernicus, sống vào thế kỷ thứ XV sau Công nguyên.
29 hình khắc riêng lẻ trên tảng đá hình bản đồ vũ trụ đã là những thiên thể đã được khắc có chọn lọc, bao gồm chòm sao Thiên Yết, Lạp Hộ, Tiên Hậu, cụm sao Thất Nữ (Tua Rua).
Một ngôi sao khác không hiện diện ngày nay nhưng được nghi ngờ Theta Scorpil, có thể quan sát từ ngọn đồi nơi pháo đài tọa lạc khoảng năm 400 trước Công nguyên trở về trước.
Điểm không trùng khớp với bản đồ vũ trụ ngày nay này cho phép các nhà khoa học xác định một siêu tân tinh mới, có thể đã hóa thành lỗ đen trên bầu trời. Nếu tìm thấy lỗ đen từ Theta Scorpil, giả thuyết tảng đá là bản đồ thiên thể càng được xác thực.
Tuy vẫn gây tranh cãi vì thiếu một số ngôi sao sáng trên bầu trời, nhưng các nhà khoa học lập luận rằng các ngôi sao được chạm khắc được chọn lựa theo một ý đồ nào đó, chứ không phải khắc toàn bộ bầu trời.
Các kết quả phân tích cũng cho thấy các hình chạm khắc được thực hiện bằng búa và đục. Tuy vậy, câu đố lớn nhất là ai đã tạo ra chúng và với mục tiêu gì vẫn bị bỏ ngỏ.
Các báu vật 2.500 tuổi này vẫn đang được nghiên cứu thêm. Nếu xác nhận được toàn bộ các lập luận nói trên, giá trị của chúng càng được nâng tầm bởi sẽ trở thành bản đồ thiên thể cổ nhất từng được phát hiện trên thế giới, đại diện cho những hiểu biết "vượt thời gian".