Qua phim cổ trang, có lẽ du khách vẫn luôn tưởng tượng về mọi thứ của người phụ nữ Trung Hoa xưa: từ những thói quen sinh hoạt, những vật dụng trong phòng hay những trang sức của các cung tần mỹ nữ. Vậy các phi tần, mỹ nữ trong hậu cung Trung Hoa xưa thường sử dụng các loại phụ kiện trang sức nào:
1. Nhẫn móng tay (hộ giáp)
Dù là fan của dòng phim cung đấu thời nhà Thanh hay chỉ xem thoáng qua, nhiều khán giả vẫn rất ấn tượng với "nhẫn móng tay" của các vị phi tần mỹ nữ. Nhìn bề ngoài, vật này có vẻ làm bằng kim loại, trang trí tinh xảo, đeo ở các ngón tay. Nó dài và nhọn hoắt, "đung đưa" nhiệt tình khi các phi tần hành lễ hay... đấu khẩu với nhau!
Nhưng thực tế, có đúng là nhà Thanh ưa chuộng loại phụ kiện kỳ lạ đó không? Và mục đích của nó làm gì? Để tự vệ, hay để làm bằng chứng sống cho câu nói "vỏ quýt dày có móng tay nhọn"?
Nhẫn móng tay còn được gọi là "móng tay giả" hay "hộ giáp". Nó đã xuất hiện rất lâu, từ tận thời Chiến quốc. Người Trung Quốc xưa quan niệm rằng tóc, móng tay là của cha mẹ sinh ra, vì vậy tránh cắt đi mà cứ để chúng mọc dài tự nhiên.
Tóc thì không sao, nhưng móng tay mọc dài rất vướng víu, dễ gãy. Vì vậy, người ta bắt đầu chế ra "hộ giáp" với mục đích đơn thuần ban đầu là bảo vệ phần móng tay dài. Và chỉ có người xuất thân cao quý, thuộc tầng lớp trung lưu trở lên mới "nuôi" móng tay dài và dùng hộ giáp. Không chỉ phụ nữ thôi đâu mà cả nam nhân cũng có thể dùng phục sức này.
Lâu dần thành thói quen, hộ giáp đã trở thành thứ phụ kiện biểu trưng cho vẻ đẹp và quyền lực của các bậc cao cao tại thượng, là phục sức không thể thiếu của phái nữ (vì họ ở khuê phòng, ít ra ngoài nên dễ "nuôi" móng tay hơn).
Đến thời nhà Thanh, hộ giáp lại được nâng tầm và gắn liền với phi tần mỹ nữ chốn cung đình. Nó không còn món đồ bảo vệ móng đơn thuần mà là dấu hiệu phân cấp địa vị, quyền lực. Hoàng hậu, quý phi dùng hộ giáp bằng vàng, bạc, ngọc trai, mai rùa,... Các phi tần thứ bậc thấp thì dùng hộ giáp bằng đồng, ngà, men sứ... Họa tiết chạm khắc trên hộ giáp cũng vô cùng tinh xảo, hoàng hậu chạm khắc hình phượng hoàng. Hộ giáp của Thái hậu lại khắc hình chữ "vạn", chữ "thọ". Một số hộ giáp còn có thể uốn cong theo khớp ngón tay.
Đặc biệt, Từ Hy Thái hậu từ người bảo dương hộ giáp của mình kĩ càng nhất. Theo tự truyện của một cung nữ từng theo hầu hạ bà tiết lộ, Từ Hy ngày đeo hộ giáp vàng ở bàn tay phải, hộ giáp ngọc trai ở tay trái. Đêm ngủ thay bằng loại hộ giáp "ít lấp lánh" hơn. Bà đều đeo chúng ở ngón út và ngón áp út, mỗi cái dài từ 5 - 7cm. Từ Hy bảo vệ móng tay lẫn hộ giáp vô cùng cẩn thận. Mỗi ngày đều sai cung nữ rửa bằng nước nóng, sau đó dùng nước bóng từ Pháp đánh lên. Dù vậy, khi về già, móng tay dĩ nhiên "héo úa", xỉn màu. Ban đầu Từ Hy trách tội hạ nhân đã lơ là trách nhiệm. Nhưng cuối cùng bà nhận ra không thể chống lại quy luật tất yếu của thời gian. Lúc này Từ Hy Thái hậu mới chịu cắt móng tay thường xuyên.
Nắm được vai trò của hộ giáp từ thực tế, các nhà làm phim đã khéo léo đưa chúng lên màn ảnh nhỏ. Mục đích vừa thể hiện hình ảnh đặc trưng của triều nhà Thanh, lại vừa tăng độ ấn tượng nơi bàn tay của các vị nương nương. Ví dụ như trong Diên Hi Công Lược, những lần hành lễ "đỏng đảnh" của Cao Quý phi, cái nhịp tay tính toán mưa kế của Nhàn Phi... đều là những chi tiết nhỏ nhưng phô bày độ sắc sảo của phục sức, giúp khắc họa tính cách nhân vật.
2. Dây đeo trên trang phục (Áp khâm)
Món đồ hay được các nương nương đeo trước ngực có tên gọi là Áp khâm - một loại trang sức lưu hành dưới thời Minh Thanh, làm từ những chất liệu đá quý như hạt châu, ngọc hoặc tơ tằm, kim loại tùy vào địa vị, thân phận của chủ nhân. Áp khâm được đeo trên chiếc nút cài thứ hai tính từ cổ xuống của vạt áo bên phải. Những mỹ nhân trong Diên Hi công lược cũng đeo áp khâm khi diện Kỳ bào. Món phụ kiện này được kết từ nhiều hạt tròn, có thể dùng làm một loại vòng tay, tùy mục đích sử dụng.
Ban đầu, Áp khâm được làm hoàn toàn từ kim loại, thường là bạc, dài 28cm, nặng 40g. Phần trên khép kín gọi là hoa lam, bên trong hoa lam có khi được đặt thêm hương liệu như trầm hương, đàn hương, long não,... Phần đuôi kiểu sợi chuỗi buông tỏa gọi là ngân liên. Về sau dần dần xuất hiện kiểu áp khâm chuỗi hạt và có phần đuôi làm từ tơ. Bên cạnh việc làm đồ trang sức, Áp khâm còn có một công dụng để giữ cố định cho vạt áo không bị xộc xệch khi di chuyển, giữ sự kín đáo tinh tế cho người dùng (Áp là giữ, đè chặt, Khâm là vạt áo).
3. Bộ ba cặp hoa tai (Nhị)
Đây cũng được coi là một trong những trang sức đặc trưng thời nhà Thanh. Theo truyền thống người Mãn, Hậu phi đều xỏ 3 lỗ ở tai và đeo 3 viên trang sức hoa tai vào khi mặc Triều phục. Theo quy chế, hình hoa tai của tần phi đều có hình rồng làm bằng vàng, ngoài ra còn sức trân châu mỗi bông 2 viên, tuy nhiên chất lượng trân châu tùy cấp bậc mà khác biệt như Hoàng hậu sẽ đeo hoa tai dùng nhất đẳng Trân châu, Hoàng quý phi và Quý phi dùng nhị đẳng Trân châu, các nàng Phi dùng tam đẳng Trân châu, còn Tần thì dùng tứ đẳng Trân châu.
4. Kiềng đeo cổ (Lãnh ước)
Kiềng đeo trên cổ Triều phục là một điểm để phân giai cấp trong Hậu cung, giữa những cấp bậc khác nhau. Hoàng hậu có 11 Đông châu, ở giữa lấy San hô, dây rũ ở 2 đầu dùng màu Minh hoàng, ở giữa các dây sức San hô, ở đuôi các dây sức đá Ngọc lam. Hoàng quý phi có 7 Đông châu, ở giữa lấy San hô, dây rũ ở 2 đầu dùng màu Minh hoàng, ở giữa các dây sức San hô, ở đuôi các dây cũng sức San hô. Các quý phi sẽ diện màu dây là Kim hoàng, còn lại như Hoàng quý phi.
5. Các mỹ phẩm làm đẹp
Từ lâu, ngoài những bí ẩn về cuộc đời của những nữ nhân Trung Hoa cổ đại thì chuyện sinh hoạt đời thường như tắm gội của họ cũng khiến không ít người tò mò.
Và có một sự thật bất ngờ rằng, họ, những nữ nhân "rườm rà" với những bộ cánh thừa vải rất thường xuyên tắm gội. Vào đầu thời Tần, những người phụ nữ Trung Hoa thực hiện "ba ngày một lần gội, năm ngày một lần tắm", cho đến thời Hán thì thậm chí họ còn có một ngày riêng để tắm, được gọi là "hưu mộc", 5 ngày một lần, vào ngày này, giống hệt như một ngày nghỉ trong tuần, họ sẽ gác lại hết công việc mà dành phần lớn thời gian cho tắm rửa. Đến thời Đường thì thời gian được kéo dài ra thành 10 ngày.
Tắm thì muôn đời phải dùng nước, nhưng thay vì có nước máy, nước giếng như ngày nay, thì phụ nữ Trung Hoa cổ đại dùng nước ở các sông hồ, chỗ nước trong mà lấy nước tắm hoặc gội. Chưa kể, cũng từ việc tắm rửa ở ao hồ như vậy, nên vô tình họ đã phát hiện ra loại "xà phòng" vô cùng tốt cho da đó chính là đất sét. Họ thường dùng đất sét, chà xát lên da sau đó rửa sạch bằng nước. Nhưng đất sét chỉ có thể làm sạch những vùng da "già" như tay chân, vì thế da mặt họ không thể dùng đất sét để rửa. Thay vào đó, họ sử dụng bùn trong các ao hồ, ủ qua đêm để loại bỏ các chất gây hại xong sử dụng để rửa mặt. Thậm chí họ còn dùng loại bùn ủ giàu chất "kiềm" này để giặt đồ và gội đầu.
Đến thời nhà Đường, thời đại sản sinh ra nữ hoàng duy nhất của Trung Hoa là Võ Tắc Thiên, người ta đã sáng chế ra một cách khác để làm sạch thân thể khi tắm rửa gội đầu đó là dùng tro của bồ kết. Họ sớm phát hiện ra rằng, bồ kết có tác dụng rất tốt cho mái tóc, lại sản sinh ra nhiều bọt khi sử dụng vì vậy vào tháng 10 hàng năm họ hay đi thu hoạch trái bồ kết khô về nghiền nát, sau đó đun chín rồi trộn với bột mì và hương liệu, vo thành từng viên rồi mang phơi khô một lần nữa, xong cứ mỗi khi tắm hay gội đầu thì mang ra sử dụng. Có thể nói tìm ra công dụng quả bồ kết quả là một phát minh vĩ đại của phụ nữ xưa, bởi lẽ cho đến tận ngày nay, quả bồ kết vẫn là sự lựa chọn của rất nhiều phụ nữ yêu mái tóc đen mượt truyền thống!
Về sau, họ còn cải tiến tro của bồ kết để có thể dùng luôn vào việc đánh răng. Tới thời nhà Tống thì phụ nữ sử dụng sáp ong nấu chảy, xong dùng hương liệu từ tinh dầu của các loại hoa trộn vào, đổ hỗn hợp trên vào khuôn đợi chúng đông đặc lại rồi sau đó cứ thể mà sử dụng như xà phòng ngày nay.
Thậm chí, về sau, người Trung Hoa cổ đại còn phát minh ra loại "xà phòng" khác có tên là "tảo đậu", bằng cách lợi dụng các enzim tiêu hóa trong tuyến tụy của loài lợn để gây nên hiệu ứng bọt. Cụ thể là họ tách mỡ hết bao tụy tạng heo, rửa sạch máu bầm, rồi nghiền nát như cháo, sau đó trộn với bột đậu cùng hương liệu, vo viên nhỏ và phơi khô. Rồi nếu muốn tắm hoặc giặt giũ họ chỉ cần dùng một viên chà xát lên da hoặc ngâm trong nước rồi sử dụng như "xà phòng" ngày nay. Loại tảo đậu này có công dụng rất tốt cho da, kháng khuẩn, làm sạch quần áo thậm chí là có mùi hương tự nhiên rất dễ chịu dù cho được lấy từ nội tạng lợn. Nhưng vì làm ra không dễ nên ngày đó, giá thành của loại "xà phòng cổ đại" này hơi cao.