Tôn Điện Anh là một kẻ trộm mộ khét tiếng, hắn từng trộm nhiều lăng mộ mà điển hình là Dụ lăng của Càn Long Đế và Định Đông lăng của Từ Hi Thái Hậu. Trong số đó, việc trộm Định Đông lăng của Từ Hi đã giúp "danh tiếng" của Tôn Điện Anh vang xa.
Không chỉ phục trang của Từ Hi Thái hậu bị cướp mà ngay đến cả giày mũ của bà cũng bị đoạt đi, sau cùng còn bị khoét miệng vì viên Dạ minh châu quý giá.
Sau khi Tôn Điện Anh vơ vét sạch lăng mộ của Từ Hi, đến khi Phổ Nghi cho người nhập niệm lại cho Từ Hi Thái hậu mới phát hiện toàn thân Thái hậu chỉ còn dư lại đúng một mảnh quần áo.
Thực tế, nguyên nhân khiến Tôn Điện Anh vừa bước vào lăng mộ đã lột quần áo của Từ Hi là bởi vì dù bà đã chết nhưng đồ bồi táng cùng phục sức mang trên người khi hạ táng vị Thái hậu này đều là những thứ vô cùng quý giá, hơn thế giá trị còn không nhỏ.
Bấy giờ, Tôn Điện Anh là quân phiệt, cho dù làm điều gì cũng đều là vì tiền, cũng chính bởi vì thiếu tiền nên mới không thể bỏ qua bất cứ thứ đồ gì có giá trị, cho dù đó chỉ là một cái quần, chỉ cần nó đáng tiền, Tôn Điện Anh đều sẽ lấy đi.
Những người tìm hiểu về thời nhà Thanh có lẽ đều biết, khi Từ Hi còn sống đã sống vô cùng xa xỉ. Chính vì thế cho dù khi đã qua đời, bà cũng hi vọng cũng sẽ có được cuộc sống hơn người ở thế giới bên kia, cho nên đồ bồi táng của Từ Hi đều là những thứ vượt xa sức tưởng tượng của người thường.
Lăng mộ của Từ Hi được xây dựng từ năm 1873, trải qua 6 năm xây dựng để tạo nên một lăng mộ hùng vĩ, tổng hao phí lên đến 227 vạn lượng bạc.
|
Đám tang Từ Hi Thái hậu. |
Nhưng Từ Hi vẫn chưa hài lòng với điều đó, cho nên năm 1895, lăng mộ của bà lại được trùng tu lại từ đầu, quá trình trùng tu kéo dài đến tận năm 1908 – khi Từ Hi qua đời mới hoàn tất. Không chỉ thế, lượng bạc tiêu tốn trong lần trùng tu này cực lớn, không thể thống kê ra con số cụ thể, song nghe đồn rằng lần trùng tu này tiêu tốn hơn mấy nghìn vạn lượng bạc.
Mặc dù nghe qua thì có vẻ đa phần số tiền đều dùng cho việc xây dựng lăng mộ, nhưng nếu so sánh với giá trị của đống đồ bồi táng của Từ Hi lại chẳng đáng là bao.
Theo lời Lý Liên Anh – thái giám được Từ Hi tin tưởng nhất khi còn sống cho biết, số lượng đồ bồi táng của Từ Hi Thái hậu thực tế nhiều vô số kể.
Trong đó, giá trị của quả dưa hấu bằng phỉ thúy chôn trong hầm mộ cũng xấp xỉ khoảng 600 vạn lượng, còn mũ phượng mà Thái hậu đội trên đầu cũng cỡ mấy nghìn lượng, chỉ riêng hai món đồ ấy thôi đã có thể coi là trân bảo vô giá rồi, mà trong lăng mộ còn chất đầy đồ bồi táng, thử nghĩ tổng giá trị của chúng phải đáng sợ đến nhường nào.
Ngoài ra, khi Từ Hi được chôn cất, cung nữ của bà đã khoác lên cho bà bộ lễ phục thêu chỉ vàng, áo choàng thì được thêu hoa đính ngọc, bên trên đính rất nhiều ngọc trai, con số cỡ khoảng hơn 6000 viên. Chân Từ Hi mang một đôi giày hoa sen được làm từ ngọc bích, giá trị của nó lên đến gần 75 vạn lượng bạc. Chính vì thế, có thể nói, những thứ Từ Hi mang trên mình từ đầu đến chân đều có giá trị phi phàm.
Vì thế, năm 1928 khi Tôn Điện Anh bước vào Định Đông lăng, thứ mà hắn nhắm đến đầu tiên chính là lăng mộ mà Từ Hi được chôn cất. Khi Tôn Điện Anh dùng thuốc nổ để cho nổ địa cung lăng mộ của Từ Hi, hắn lập tức vơ vét hết toàn bộ châu báu xung quanh, sau đó dùng búa cạy mở quan tài của Từ Hi.
Theo trang Sohu (Trung Quốc), khi mở được quan tài của Từ Hi, Tôn Điện Anh cho binh sĩ lột quần áo trên thi thể của Từ Hi Thái hậu đầu tiên.
Sau đó, đám người này tiếp tục tháo giày cùng mũ phượng, cuối cùng còn dùng kiếm rạch miệng Từ Hi, lấy viên Dạ minh châu được bà ngậm trong miệng ra. Sau khi cướp sạch toàn bộ mọi thứ, đám mộ tặc thẳng tay đem thi thể của Từ Hi xuống đất.
Đơn giản mà nói, việc tàn phá và trộm mộ của Tôn Điện Anh đã cho thấy ông ta không hề câu nệ đạo đức hay nhân nghĩa, nên việc lột đồ trên thi thể Từ Hi Thái hậu nào có khiến ông ta cảm thấy ghê tay. Hơn nữa bộ đồ đó lại đính toàn vàng bạc châu báu, bị cướp đầu tiên cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, có lời đồn rằng Tôn Điện Anh nhắm vào việc lột quần áo trên di thể Từ Hi trước tiên là để "báo thù" vì năm xưa nhà Thanh đã giết hại tổ tiên của Tôn Điện Anh, trong lòng ông ta luôn chất chứa thù hận, thề rằng không sớm thì muộn cũng sẽ có ngày báo thù bằng được.